Phái đoàn Mỹ đến Thượng Hải hôm 30/7 và dự một bữa tối làm việc trước khi đàm phán chính thức bắt đầu sáng nay. Nhưng cuộc đối thoại sớm kết thúc trong chiều nay mà không có dấu hiệu đột phá, ngoài thể hiện sẵn sàng tiếp tục đối thoại.
Dù cuộc gặp giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rất được quan tâm, nhưng bị các nhà quan sát và cố vấn cho là mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Chưa có lịch trình làm việc cụ thể nào được vạch ra kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối tháng 6 vừa qua, ngược lần gặp trước bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 12 năm ngoái khi hai bên nhất trí sẽ đối thoại trong 3 tháng.
Đối với Trung Quốc, sự cấp bách của việc phải được Mỹ dỡ bỏ thuế cao đã giảm bớt, còn kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng không đến mức nghiêm trọng như lo sợ trước đó. Bắc Kinh còn đang chờ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 xem nó ảnh hưởng như thế nào đến chính sách thương mại, dù không thể dựa vào chiến thắng của phe Dân chủ để đảo ngược tình thế.
“Trung Quốc đã bắt đầu mua đậu nành từ Mỹ, nhằm giúp ông Trump đối phó với áp lực chính trị trong nước, trong khi các hãng công nghệ Mỹ đang vận động chính quyền Trump nới lỏng kiểm soát xuất khẩu với Huawei”, ông Wang Yong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, nói với báo SCMP.
“Các nhà đầu tư ở Phố Wall cũng hy vọng đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc. Nếu cả hai bên không thể đạt được thỏa thuận, họ sẽ không thể thấy thị trường Trung Quốc mở cửa hơn trong những năm tới”, GS Wang nói.
Ngoài việc mua thêm nông sản, Bắc Kinh cũng hứa thay đổi một số quy định để các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn dễ dàng hơn, theo ông Pang Zhongying, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Biển Trung Quốc.
Nhưng ông Pang cho rằng cuộc gặp hôm nay của 2 đoàn đàm phán sẽ chỉ dừng lại ở việc gửi đi tín hiệu rằng họ vẫn đang đối thoại, và cả hai bên đều không vội có thỏa thuận.
“Những vấn đề khó khăn trong quan hệ thương mại hai nước sẽ không thể vượt qua ngay”, ông Pang nói. Chuyên gia này cho rằng sẽ là không thực tế nếu Bắc Kinh chờ phe Dân chủ đánh bại ông Trump, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc đang đánh giá xem liệu có thay đổi gì trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong và sau kỳ bầu cử 2020 hay không.
“Nếu ông Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ chịu ít sức ép hơn và đàm phán sẽ bớt khó khăn hơn”, ông Pang nói.
Ông Wei Jianguo, một cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc, cũng cho rằng triển vọng đối thoại sẽ rõ ràng hơn sau kỳ bầu cử Mỹ. “Lúc này, điều quan trọng nhất với ông Trump là cuộc bầu cử”, ông Wei nói.
Ông này cho rằng nền kinh tế Trung Quốc không tồi tệ như dự báo, với mức tăng trưởng 6,2% trong quý 2, trong khi triển vọng kinh tế Mỹ không tốt lắm.
“Tất cả những điều này sẽ làm phức tạp các bước đi tiếp theo của cả hai nước. Nhưng ngay lúc này, ông Trump cần điều gì đó đáng kể để kích thích và chứng minh bản thân mình”, ông Wei nói.
Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng ông Trump cần một thỏa thuận tốt để làm động lực vận động tranh cử và đối phó với sức ép kinh tế trong nước, trong khi kinh tế Trung Quốc không tệ như dự báo.
“Sẽ không có một cú rơi mạnh ngay cả khi ông Trump áp thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ còn lại. Chừng nào chưa rơi xuống đáy, chừng đó Trung Quốc còn sẵn sàng chờ”, vị cố vấn nói.
Ông cho rằng Bắc Kinh muốn Mỹ bỏ thuế và một cơ chế thực thi giúp Trung Quốc “đẹp mặt”. “Nếu Mỹ dỡ thuế theo một dạng nào đó, Trung Quốc có thể đưa ra một lời hứa thực thi. Cuộc gặp ở Thượng Hải lần này chỉ là hình thức, nhưng tôi hy vọng sẽ có đột phá vào cuối năm nay”, vị cố vấn nói.
Theo Bình Giang
Tiền phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn