Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị
Theo Bộ Ngoại giao, ngày 12/11, tại Manila, Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã họp Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 16 và Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 20. Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này.
Tại Hội nghị APSC, các Bộ trưởng đã nghe Tổng Thư ký ASEAN báo cáo cập nhật về tình hình hợp tác trên các lĩnh vực chuyên ngành của trụ cột chính trị - an ninh và báo cáo công tác của Hội đồng APSC năm vừa qua. Hội nghị đánh giá cao kết quả đạt được với 234/290 dòng hành động (80%) trong Kế hoạch tổng thể APSC đã và đang được triển khai; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp tác động nhiều mặt tới ASEAN, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, tham vấn và đồng thuận, thể hiện tiếng nói chung mạnh mẽ, phát huy vai trò trung tâm để đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực và trên thế giới nói chung. Các nước cũng khẳng định lại lập trường và những nguyên tắc đã thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 50 (tháng 8/2017), nhất là đối với các vấn đề nổi lên cùng quan tâm như chống khủng bố, bang Rakhine, Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.
Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, các đại biểu đã rà soát và hoàn tất toàn bộ công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Cấp cao liên quan, với sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu và Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) sẽ được tổ chức tại Thủ đô Manila, Philippines từ ngày 13-14/11. Các nước đã trao đổi, thống nhất chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và hoàn thiện nội dung các văn kiện trình Lãnh đạo dịp Cấp cao này.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã nghe Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR), Nhóm Đặc trách Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) và Tổng Thư ký ASEAN báo cáo về tình hình hoạt động và hợp tác ASEAN trong năm qua. Nhân dịp này, các nước đã bày tỏ cảm ơn Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh về những nỗ lực và đóng góp tích cực trong nhiệm kỳ công tác (5 năm) vừa qua, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký ASEAN nói riêng và tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung. Đồng thời, Hội nghị cũng ủng hộ và chính thức thông qua việc bổ nhiệm Đại sứ Hoàng Anh Tuấn của Việt Nam giữ cương vị Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Chính trị-An ninh nhiệm kỳ 02/2018-02/2021.
Các Bộ trưởng chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch APEC 2017 và tổ chức rất thành công Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua tại Đà Nẵng. Các nước cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Đối thoại không chính thức ASEAN-APEC, coi đây là cơ hội tốt để ASEAN tăng cường tham vấn và thúc đẩy quan hệ rộng mở với các đối tác trong khu vực.
Hôm nay (13/11), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (PICC) ở thủ đô Manila, Philippines. 56 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau như kinh tế số, cơ sở hạ tầng, kết nối, thương mại và đầu tư, phát triển bền vững, môi trường, an ninh lương thực, giảm nghèo, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan… dự kiến sẽ được trình các lãnh đạo ASEAN thông qua và ghi nhận.
Tuyên bố khởi động đàm phán thực chất COC với Trung Quốc
Theo tờ Inquirer, tâm điểm của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 là tuyên bố về việc bắt đầu các cuộc đàm phán thực chất với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm ngăn các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông leo thang. “Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ tuyên bố về việc khởi động các cuộc đàm phán nhưng việc khởi động đàm phán thực chất nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào khoảng năm tới”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phillippines Robespierre Bolivar nói. COC được Philippines đề xuất vào năm 2997 nhưng đến năm 2002, các bên mới thông qua được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Thỏa thuận lớn thứ 2 dự kiến sẽ được thông báo nhân dịp này sẽ là cam kết chính thức của tất cả các nước thành viên ASEAN trong việc bảo vệ người lao động từ các nước láng giềng theo Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư. Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký vào ngày 13/11.
Tác giả: Theo Minh Ngọc
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn