Đề cập tới cáo buộc do chính phủ Anh đưa ra rằng Nga đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để hạ độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal tại thành phố Salisbury, ông Nikolay Kovalev, cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho rằng trước tiên “cần chứng minh chất độc đó là Novichok”.
“Novichok không phát tác theo kiểu này. Xin lỗi cho tôi nói, nếu họ (cha con ông Skripal) bị đầu độc bằng Novichok, họ đã bị chôn cất từ lâu rồi. Nói như vậy để thấy đó là loại chất khác, không phải Novichok”, ông Kovalev nói, đồng thời nghi ngờ Anh đang cố tình “che giấu kỹ” sự thật.
Theo cựu lãnh đạo FSB, chất độc thần kinh được chế tạo để gây thiệt mạng, do vậy việc cha con ông Skripal vẫn sống sót trong trường hợp này đồng nghĩa với việc họ đã được uống thuốc giải độc ngay lập tức hoặc họ bị tấn công bằng một loại chất độc khác chứ không phải Novichok. Ông Kovalev cho rằng vụ việc xảy ra ở Salisbury có thể chỉ là một vụ ngộ độc sinh hoạt trong gia đình, chứ không phải bị tấn công bằng chất hóa học hoặc khí độc thần kinh.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga, Victoria Skripal, cháu gái của cựu điệp viên Skripal từng đề cập tới giả thuyết rằng chú mình có thể đã bị ngộ độc thực phẩm. Theo Victoria, trước khi được cảnh sát tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh hôm 4/3, cha con ông Skripal có thể đã ăn cá nóc - loại thực phẩm có hàm lượng chất độc gây chết người nếu không được chế biến cẩn thận.
Giới chức Nga từng nhiều lần khẳng định Moscow không có bất kỳ chương trình nào để phát triển chất độc thần kinh Novichok như Anh cáo buộc. Tổng thống Vladimir Putin cũng nói rằng Nga không chế tạo chất độc thần kinh như Novichok và đã phá hủy toàn bộ vũ khí hóa học dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế.
Theo Tổng thống Putin, “khó có thể tin” Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên vì nếu đó là chất độc thần kinh thì nạn nhân đã thiệt mạng ngay tại chỗ. Quan điểm này của nhà lãnh đạo Nga cũng được nhiều quan chức và chuyên gia đồng tình. Trong khi đó, truyền thông phương Tây cho rằng Novichok từng được Liên Xô phát triển bí mật trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ thập niên 1980 để đối phó với vũ khí hóa học của Mỹ.
Liên quan tới sức khỏe của cựu điệp viên Nga, Tiến sĩ Christine Blanshard, Giám đốc Bệnh viện Salisbury ngày 6/4 cho biết ông Skripal đang “thích ứng tốt với việc điều trị, hồi phục nhanh chóng và không còn trong tình trạng nguy kịch”. Trong khi đó, cảnh sát Anh thông báo con gái ông Skripal cũng đã tỉnh lại từ cách đây một tuần và sức khỏe của cô đang cải thiện từng ngày.
Sergei Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn