Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước thông báo ông sẽ hoãn đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc khi ông tham dự hội nghị G20 tại thành phố Osaka, Nhật Bản.
Nhiều người từng dự đoán, ông Trump sau cuộc gặp trên sẽ tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc và áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào “gã khổng lồ” công nghệ Huawei. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh lại gần như đạt được những gì họ muốn từ cuộc gặp Trump-Tập: Ông Trump đồng ý ngừng tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời ông cũng đưa ra một số nhượng bộ với Huawei. Đổi lại, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ nhập nhiều nông sản từ Mỹ hơn.
Vẫn còn quá sớm để biết thỏa thuận mong manh trên sẽ liệu sẽ được kéo dài tới khi nào, tuy nhiên theo các nhà phân tích của tờ Washington Post cho biết, họ đã đưa ra một danh sách “những kẻ thắng, người thua” sau cuộc gặp Trump-Tập vừa qua.
"Những người chiến thắng"
Trung Quốc. Nước này đã đạt được một số nhượng bộ từ phía Mỹ. Ông Trump đã đồng ý sẽ không tiếp tục tăng thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại khi hai bên vẫn đang đàm phán. Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng rút lại một số lệnh cấm nhằm vào Huawei, vốn đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm khi tập đoàn này không thể làm ăn với các công ty công nghệ của Mỹ. Đổi lại Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm hàng nông sản Mỹ, dù vẫn chưa rõ số lượng nông sản nước này sẽ mua là bao nhiêu.
Các nhà bán lẻ Mỹ (Walmart, Amazon,…). Những công ty bán lẻ này có thể thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, ông Trump đã đe dọa sẽ rằng Mỹ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng như điện thoại thông minh, sản phẩm trẻ em và giày dép. Tuy nhiên hiện các mức thuế này không được áp dụng. Đây sẽ là một chiến thắng lớn với các nhà bán lẻ, vốn hay nhập khẩu gần như tất cả các sản phẩm trên trong giai đoạn mua sắm hàng hóa trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9.
Người tiêu dùng Mỹ. Những khoản thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc hiện nay đang khiến các gia đình Mỹ tiêu tốn khoảng 800 USD/năm. Nếu ông Trump đánh thuế lên tất cả hàng hóa còn lại, thì điều này sẽ khiến các gia đình tốn tới hơn 1.800 USD/năm.
Huawei. Chính phủ Mỹ cáo buộc Huawei sử dụng điện thoại và các sản phẩm điện tử khác để theo dõi người dân Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ từng đưa ra lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei. Tuy nhiên với một số nhượng bộ từ ông Trump, đây lại là một chiến thắng lớn của Huawei. Điều này cho thấy ông Trump sẵn sàng đặt vấn đề Huawei trên bàn đàm phán thương mại. Và đây chính là điều mà Bắc Kinh muốn, mặc dù một số cố vấn của ông Trump luôn cố tách bạch hai việc trên vì theo họ, làm ăn với Huawi sẽ gây nguy hại với an ninh quốc gia Mỹ.
Thị trường phố Wall. Các nhà đầu tư phố Wall từng dự đoán ông Trump sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại, và điều này đã diễn ra. Các nhà đầu tư cũng hoan nghênh thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất, nếu cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế nếu cuộc chiến thương mại của Trump bắt đầu gây ra tiêu cực.
"Những kẻ thua"
Phe “diều hâu” trong nội các của ông Trump. Nhiều người Mỹ lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thách thức an ninh và kinh tế Mỹ.
Phe “hiếu chiến” trong Quốc hội Mỹ. Quyết định ngừng áp thêm trừng phạt vào Huawei như một phần thỏa thuận thương mại hiện đang bị nhiều thượng nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ phản đối.
Những thành viên thuộc Đảng Dân chủ. Họ cho rằng, những biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ sai lầm vì Trung Quốc chỉ việc tăng giá bán sản phẩm lên và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng. Nhưng quyết định hoãn thuế vừa qua của ông Trump đã khiến việc này đã không xảy ra.
Ngoài ra, còn một số khía cạnh vẫn chưa các nhà phân tích xếp vào hai dạng “kẻ thắng, người thua” trên. Đó là:
Tổng thống Trump. Ông Trump đã nối lại được các cuộc đàm phán, điều này sẽ tạo ra sự có lợi cho nền kinh tế và thị trường Mỹ. Rất có thể ông Trump sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, với một số nhượng bộ cho ông Tập. Có vẻ lần này Tổng thống Mỹ rất háo hức khi cùng hợp tác với phía Trung Quốc.
Mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Ngay cả khi một số người chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump với các cuộc đàm phán cùng Bắc Kinh, thì hiện nay Mỹ muốn phía Trung Quốc cần cải cách nền kinh tế và biến thị trường nước này thành sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump có quyết định giảm leo thang căng thẳng để đạt được một thỏa thuận khiến Trung Quốc chấp nhận những thay đổi đó hay không.
Nông dân Mỹ. Dù Trung Quốc đã đồng ý nhập thêm nông sản từ Mỹ, nhưng liệu Bắc Kinh có nhập khẩu nông sản như thời điểm trước khi thương chiến xảy ra hay không. Và người nông dân Mỹ cần biết rõ điều này.
Ông Robert E. Lighthizer. Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ hiện đang là nhân tố quan trọng ở đây. Ông là người sẽ đưa ra quyết định có đi tới một thỏa thuận với Trung Quốc hay không. Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhất là khi ông muốn Trung Quốc thay đổi chính sách với các công ty nước ngoài và sở hữu trí tuệ.
Vẫn chưa rõ cuộc gặp Trump-Tập vừa qua có ảnh hưởng gì tới những quyết định của ông Lighthizer hay không, nhất là khi ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc “đàm phán phải diễn ra khi hai bên cùng ngang hàng và tôn trọng lẫn nhau”.
Theo Tuấn Trần
Vietnamnet
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn