Theo New York Times, dựa trên hình ảnh vệ tinh của Digital Globe ngày 25/2, các chuyên gia đến từ tạp chí quốc phòng Jane’s Intelligence Review và Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế tại Đại học Stanford (Mỹ) phỏng đoán Triều Tiên dường như đang khởi động lò phản ứng hạt nhân mới sau nhiều năm xây dựng. Lò phản ứng này nằm tại khu phức hợp Yongbyon, nơi Bình Nhưỡng bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1960.
Trước đó, Triều Tiên cho biết lò phản ứng hạt nhân này nhằm phục đích sản xuất điện sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các lò phản ứng hạt nhân có thể là nơi sản xuất ra plutonium, một trong những nguyên liệu chính chế tạo vũ khí hạt nhân. Và lò phản ứng hạt nhân mới này có thể được bổ sung trong bối cảnh các thiết bị tại Yongbyon đã cũ kỹ và xuống cấp theo thời gian.
Theo Jane’s Intelligence Review, lò phản ứng trên có khả năng sản xuất ra khoảng 25 tới 30 MW điện, đủ phục vụ cho một thị trấn nhỏ. Nó cũng đồng thời có thể sản xuất ra được 20 kg plutonium, sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Lượng này gấp khoảng 4 lần công suất của nhà máy duy nhất mà Triều Tiên sử dụng để sản xuất plutonium từ trước tới nay.
Các chuyên gia phân tích hình ảnh ở Stanford cho biết Triều Tiên dường như đã tăng cường hoạt động xung quanh lò phản ứng hạt nhân này từ năm 2017, dấy lên hoài nghi rằng họ đang đưa lò vào hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên, giới quan sát cho biết họ cũng có những bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang lắp đặt các đường dây điện và trạm điện ở xung quanh khu vực lò phản ứng, động thái cho thấy có thể Bình Nhưỡng đang lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt như họ tuyên bố.
Tuy giới quan sát chưa rõ liệu Triều Tiên đã hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tích hợp vào tên lửa đạn đạo hay chưa, nhưng họ đều nhận định rằng Bình Nhưỡng dường như đã thành thạo trong việc chế tạo plutonium.
Thông tin này dường như sẽ khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thêm phần áp lực trước cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Các chuyên gia cho rằng, công việc của phái đoàn ông Trump không chỉ là phải khiến Bình Nhưỡng dừng sản xuất vũ khí hạt nhân, mà còn phải gây sức ép để Triều Tiên phải từ bỏ các nhà máy, lò phản ứng, các cơ sở sản xuất năng lượng hạt nhân.
Giới quan sát nhận định lò phản ứng hạt nhân có thể là vấn đề then chốt trong cuộc hội đàm giữa 2 bên vì mục đích cuối cùng của Mỹ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Kể cả khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ ngừng chương trình tên lửa, họ vẫn có thể sản xuất bom hạt nhân mà không vi phạm thỏa thuận.
Trong kịch bản tệ nhất, nếu cuộc đàm phán thất bại, thì chính những lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên có thể “châm ngòi” cho các mâu thuẫn quân sự, nhất là khi ông Trump vừa bổ nhiệm cố vấn an ninh quốc gia mới John R. Bolton. Chính ông Bolton đã đưa ra đề xuất hồi năm 2015 với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama rằng Mỹ có thể ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Sự quyết liệt từ trước tới nay của ông Bolton có thể sẽ khiến cục diện bán đảo Triều Tiên xoay chuyển theo những hướng không ngờ tới.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn