Phát biểu tại Hội thảo "Đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" vừa qua tại Viện Nghiên cứu Hudson, thủ đô Washington D.C. (Mỹ), ông Dhruva Jaishankar, Giám đốc Chương trình Mỹ thuộc Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) cho rằng: "Lần đầu tiên trong vòng một thế kỷ, chúng ta đã chứng kiến sự vươn lên của một siêu cường toàn cầu thật sự".
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tiếp xúc của ông với các quan chức và học giả trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông nhận thấy "những quan ngại giống nhau về sự vươn lên của Trung Quốc". Ông Jaishankar nêu lên 4 lý do chính khiến thế giới dè dặt với Trung Quốc.
Thứ nhất là sự "thiếu minh bạch trong cơ chế ra quyết định ở Trung Quốc" trong bối cảnh nước này đóng vai trò lớn trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao và an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới. Ông cho rằng đó là do Bắc Kinh có mô hình "quản lý khép kín" nên thế giới "nhìn vào họ với rất nhiều ngờ vực".
Thứ hai là sự một chiều trong quan hệ kinh tế, Trung Quốc là phía được lợi lớn nhất trong khi phía đối tác lại không được lợi gì cho dù là sự hạn chế tiếp cận (thị trường Trung Quốc) hoặc "bẫy nợ" hoặc những vấn đề về hợp đồng.
Thứ ba là "chủ nghĩa xét lại lãnh thổ" của Trung Quốc. Vị chuyên gia về chính sách đối ngoại này nói: "Cho dù ở Biển Hoa Đông, Biển Hoa Nam hay ở dãy Himalaya (giữa Trung Quốc với Ấn Độ và giữa Trung Quốc với Bhutan), chúng ta thấy Trung Quốc sử dụng các công cụ dân sự trên danh nghĩa để thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ của họ".
Thứ tư là "sự khinh thường các luật lệ quốc tế cho dù là quyền tự do hàng hải, hàng không, an ninh mạng, quản trị Internet hay các hiệp định Nam Cực và Bắc Cực".
Mặc dù ông Jaishanka thừa nhận rằng sự vươn lên của Trung Quốc đã thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng và nhờ đó đã đưa hàng chục triệu người trên khắp thế giới thoát khỏi tình trạng đói nghèo nhưng "ở Ấn Độ, chúng tôi có một số quan ngại cụ thể".
Học giả ORF dẫn ra tranh chấp biên giới với việc Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với toàn bộ một bang của Ấn Độ có diện tích tương đương tiểu bang Indiana của Mỹ. Cách đây không lâu, hai nước đã đưa binh sỹ đến biên giới trước việc Trung Quốc muốn xây dựng một con đường ở khu vực tranh chấp với Bhutan.
Ngoài ra, New Delhi lo ngại khoản thâm hụt lớn đang phải gánh chịu trong giao thương với Trung Quốc với con số hiện nay là 50 tỷ USD, tương đương toàn bộ ngân sách quốc phòng hàng năm của Ấn Độ.
Điều khiến Ấn Độ e dè nữa là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh mà New Delhi cho đến nay vẫn tẩy chay và hai lần từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRI ở Bắc Kinh.
Kể từ tháng 4/2017, Ấn Độ đã nêu ra những quan ngại về đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là "không minh bạch, không bền vững, không sử dụng nhân công địa phương, gây hại cho môi trường và không phải lúc nào cũng tôn trọng chủ quyền".
Cuối cùng, Ấn Độ không thể không bận tâm về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Ông Jaishanka cho biết: "Nếu như 10 năm trước đây, 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil đã làm việc cùng nhau để cải cách các định chế quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì giờ đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ bỏ chủ trương vươn lên cùng nhau mà trên thực tế đã chuyển sang xem họ là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ".
Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã tìm mọi cách ngăn cản Ấn Độ vươn lên ở các định chế quốc tế như không đồng ý để Ấn Độ trở thành nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trước tình hình đó, Ấn Độ đã tăng cường các hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương kể từ cuối năm 2017, thành lập trung tâm theo dõi hoạt động lưu thông ở vùng biển này, ký kết các hiệp định hợp tác với các nước ven biển Ấn Độ Dương cũng như với Mỹ, Nhật Bản, đồng thời tăng cường viện trợ và cho vay đối với các nước xung quanh.
Theo QT
Thế giới & Việt Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn