Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao hôm nay lên đường thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị APEC 2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và tham dự Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra tại Bangkok từ ngày 16/11 đến 19/11.
Trong bài phỏng vấn ngày 15/11, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết đây là chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Thái Lan từ sau Đại hội XIII và sau đại dịch Covid-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trước thềm Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29.
Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế cũng như mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào tháng 4/2021. Ảnh: Giang Huy.
Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan không ngừng phát triển tích cực, bất chấp dịch Covid-19. Theo Bộ Công thương, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đạt 18,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón gần 40.000 lượt du khách Thái Lan và khoảng 130.000 khách Việt Nam đến Thái Lan. 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam có thỏa thuận hợp tác với các địa phương Thái Lan.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 tại Bangkok. Ông dự kiến tham gia phiên thảo luận về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phục hồi kinh tế và có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit).
APEC được thành lập năm 1989, là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam trở thành thành viên APEC vào năm 1998, từng hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006 và 2017.
Năm nay, Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022 là "Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.". Nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, bao trùm trên mọi khía cạnh.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn