Đối với Jordan thì câu chuyện lại khác. Gần 5 năm sau khi thông quan trở lại, khu vực biên giới Jordan-Syria đang trở thành “điểm nóng” về buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu ma túy, vũ khí và cả người đang ngày đêm ra vào biên giới trên những chiếc ô tô bọc thép được trang bị vũ khí “đến tận răng”. Đối mặt với chúng là lực lượng cảnh sát và bộ đội biên phòng Jordan đang lâm vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
Máu vẫn đổ trên đường biên hòa bình
Ít người biết rằng một quốc gia sa mạc như Jordan lại hay xảy ra bão tuyết. Khi nhiệt độ ngoài trời hạ xuống dưới 0°C vào buổi đêm, các hoang mạc rộng lớn bỗng chốc biến thành những biển tuyết sâu nửa mét. Không ai ra ngoài vào thời điểm đó, ngoại trừ những người như đại uý Suleiman Al-Khalidi thuộc lực lượng biên phòng Jordan. Anh biết rõ rằng bão tuyết là “món quà” tuyệt vời đối với những kẻ buôn lậu muốn đem hàng từ Syria sang Jordan.
Lính biên phòng dưới sự chỉ huy của đại úy Suleiman mặc đồ ngụy trang mùa đông nằm phục dưới tuyết. Họ nằm im bốn tiếng liền đến tận lúc những tia nắng đầu tiên mới xuất hiện ở góc trời. Đó là khi bốn chiếc xe nối đuôi nhau đạp tuyết trên đường, một xe tải đi giữa ba chiếc SUV. Thân xe SUV được hàn thêm thép tấm để tăng khả năng chống đạn.
Đại úy Suleiman ra hiệu lệnh là binh lính đồng loạt nổ súng vào hai chiếc xe đi ở đầu và cuối đoàn. Đoàn xe đột ngột dừng lại. Những kẻ buôn lậu sau đó phạm phải sai lầm chết người: Chúng xuống xe. Bộ đội biên phòng Jordan mất chưa đầy mười phút để tiêu diệt gọn 27 kẻ tội phạm có vũ trang. “Chiến lợi phẩm” mà họ thu được đêm đó là 30 cân ma túy tổng hợp dạng amphetamine chở trên xe tải.
Những vụ phục kích “nóng” như trên đang xảy ra hàng tuần ở biên giới Jordan-Syria. Vào cuối năm ngoái, quân đội hoàng gia Jordan tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng biên phòng và nới lỏng quy định chiến đấu để binh lính có thể sẵn sàng sử dụng vũ lực trấn áp buôn lậu. Chuẩn tướng Saud Al-Sharafat, nguyên Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Jordan và nay là cố vấn cho chính phủ, viết về quyết định trên của quân đội: “Chúng ta phải sẵn sàng sử dụng “quả đấm thép” của quân đội mới có thể đối phó được với vấn đề trước mắt… Chủ quyền và an ninh của Jordan đang bị đe dọa bởi những kẻ buôn lậu”.
Việc buôn lậu hai bên đường biên giới dài 375 km giữa Jordan và Syria không có gì mới. Tỉnh Irbid ở phía bắc Jordan là “điểm nóng” buôn lậu đã từ chục năm nay, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu Ramtha-Daraa và Jaber-Nasib. Vậy nhưng bản chất của những tên buôn lậu đã thay đổi. Trong các thập niên trước, những đầu nậu địa phương chủ yếu vận chuyển gia súc, thuốc lá và vũ khí hạng nhẹ giữa hai quốc gia. Ngày nay các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thống trị việc buôn lậu. Chúng buôn lậu đủ mọi loại ma túy từ hashish đến tramadol. Báo chí Jordan gọi cuộc xung đột vũ trang giữa những băng đảng tội phạm này và bộ đội biên phòng là “cuộc chiến captagon”.
Captagon là tên một loại thuốc trị tăng động tự kỷ, chứng ngủ rũ và bệnh trầm cảm. Captagon tuy vậy mang tính gây nghiện mạnh và có khả năng tăng độ tập trung, giảm cảm giác đói, v.v… của người dùng. Khi nội chiến Syria mới bắt đầu, các nhóm nổi dậy buôn lậu captagon nhằm lấy tiền nuôi quân. Sau khi quân đội chính phủ Syria giành lại được quyền kiểm soát biên giới, người ta lại thông qua các nhóm bán vũ trang để kiếm lời từ việc buôn lậu captagon. Ước tính trong năm 2020, lợi nhuận từ captagon mà Syria thu được là 3,46 tỷ USD. Khách hàng chính của captagon Syria có Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia ở Bắc Phi và vùng Vịnh.
Ở chiều ngược lại, vũ khí từ các quốc gia vùng Vịnh đang theo đường Jordan mà vào Syria và những nước Trung Đông khác. Amman nghi ngờ rằng số khí tài trên sẽ rơi vào tay những nhóm vũ trang cực đoan trong khu vực. Phát ngôn viên của quân đội Jordan, đại tá Mustafa Hiari, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Al Mamlaka: “Chúng ta đang ở trong thời chiến, một cuộc chiến giữa quân đội hoàng gia và các tội chức tội phạm dưới sự che chở của những thế lực nước ngoài… ”.
Phát ngôn trên được đưa ra sau khi 40 tay súng Syria bị quân đội Jordan tiêu diệt tại khu vực biên giới. Những tay súng này thuộc về một nhóm vũ trang người Shia. Họ bị lính biên phòng và cảnh sát vũ trang Jordan phục kích khi đang hộ tống một đoàn xe chở ma túa và vũ khí đi vào Jordan. Theo lời khai của một đối tượng sống sót, phiến quân được huấn luyện và nhận hỗ trợ tiền mặt từ các nhóm vũ trang có tổ chức trong khu vực. Đổi lại họ thay mặt đứng ra điều đình với các băng đảng tội phạm để ăn chia lợi nhuận buôn bán ma túy, đồng thời kiểm soát dòng chảy vũ khí vào Syria.
Kẹp giữa 2 làn đạn
Trong khi quân đội Jordan chủ động “mạnh tay” xử lý các đối tượng buôn lậu, chính phủ nước này đang tìm đến giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết triệt để vấn đề. Ngày 4/10 vừa qua, một số quan chức ngoại giao Jordan và Nga đã có cuộc họp kín tại Amman nhằm bàn thảo về tình hình Syria. Phía Jordan từ lâu tin rằng chính phủ của ông Bashar al-Assad nằm dưới sự chi phối của Moscow sẽ ít manh động hơn. Thậm chí nhà vua Jordan Abdullah II sau một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi ông Putin là người “đem lại hòa bình cho Trung Đông”. Phát biểu này đã gây ra phản ứng tiêu cực từ Mỹ và các đồng minh phương Tây lâu năm khác của Jordan.
Tuy nội dung của cuộc họp Jordan-Nga chưa được công bố, nhưng theo các nhà quan sát, nhiều khả năng phía Jordan muốn bàn về “lỗ hổng” quyền lực mà Nga sẽ để lại tại Syria. Chiến sự Nga-Ukraine đã đi sang một bước ngoặt mới. Gần như chắc chắc rằng Nga sẽ phải bớt tập trung cả về quân sự lẫn ngoại giao đối với Syria để có thể xử lý cuộc chiến sát sườn. Amman lo ngại việc mất đi sự ảnh hưởng của Nga sẽ khiến Damascus càng thêm phụ thuộc và Iran và Lebanon. Mối quan hệ giữa hai quốc gia này với Jordan gần đây có dấu hiệu gia tăng căng thẳng, nhất là sau khi Amman cáo buộc lực lượng vệ binh cách mạng Iran đang đóng quân sát biên giới Syria-Jordan nhằm huấn luyện các tay súng để tung ra ngoài biên giới.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Al-Rai, Nhà vua Abdullah II cho biết: “Iran cần dừng ngay thái độ gây hấn với Jordan và ngừng việc hỗ trợ cho các nhóm phiến quân ở biên giới… Tình hình căng thẳng hiện nay chỉ có thể được giải quyết khi các bên liên quan rút hết viện trợ quân sự và ngồi vào bàn đàm phán”.
Trong một động thái khác, Vua Abdullah II mới bổ nhiệm Chuẩn tướng Obaidullah Al-Maaytah giữ chức giám đốc Cục Công an. Tướng Obaidullah Al-Maaytah không phải là người được công chúng phương Tây biết đến, nhưng theo tờ Arab Weekly, ông này là một nhân vật đáng để chú ý: “Giữa những vị tướng leo cấp bậc bằng tên tuổi gia đình mình hay bằng cách tuyệt đối trung thành với cấp trên, chỉ có một vài vị chỉ huy có khả năng thật sự như Obaidullah… Ông dành hơn 10 năm “ăn nằm” cùng với những bộ lạc phía Bắc. Có thông tin rằng ông là “đường dây liên lạc” giữa lãnh đạo tộc Banu Abs và gia đình hoàng gia Hashemite. Có lẽ nhờ vị tướng mà phía Banu Abs vẫn đang giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng nội tộc Hashemite giữa Vua Abdullah và Hoàng tử Hamzah”.
Bổ nhiệm tướng Obaidullah Al-Maaytah có thể là dấu hiệu cho thấy Nhà vua Jordan muốn hướng tới một giải pháp ngoại giao. Về phần mình, tướng Obaidullah mới đây đã công khai kêu gọi chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề đói nghèo ở khu vực sa mạc Badia. Một trong những lý do mà Badia-- đặc biệt là khu vực huyện Ruwaished - trở thành hang ổ của những kẻ tội phạm là vì nhiều người dân ở đây sống bằng nghề cửu vạn vác hàng lậu. Thiếu đi sự đầu tư của nhà nước, người dân Badia chịu thiệt hại nặng nề vì COVID-19 và đến nay vẫn chưa phục hồi được.
Về phần mình, phía Syria tiếp tục phủ nhận việc có liên quan đến các băng đảng ma túy tại biên giới. Theo người phát ngôn của chính phủ Syria, các đối tượng buôn lậu đều là người Jordan đến từ những thị trấn biên giới như Ramtha và Mafraq. Chúng lợi dụng người tị nạn Syria để vận chuyển hàng lậu ra vào nước này. Việc xử lý các nhóm buôn lậu hoàn toàn là trách nhiệm của Jordan. Syria tuy vậy hứa sẽ đẩy mạnh việc truy quét và buộc dừng hoạt động các cơ sở sản xuất ma túy tự nhiên và tổng hợp.
Kể từ khi Jordan phát động chiến dịch quân sự chống buôn lậu hồi đầu năm đến nay, họ đã thu giữ được 132 triệu viên captagon và hơn 15.000 tấm hashish. Con số này chỉ như “muối bỏ biển” so với lượng ma túy mà các nhóm vũ trang và buôn lậu người Syria hiện cung cấp cho thị trường thế giới. Cũng như ở Afghanistan trước đây hay Tam Giác Vàng, bất ổn và xung đột giữa các thế lực chính trị chỉ khiến hoạt động sản xuất, buôn bán ma túy phát triển. Ma túy trở thành một kênh lợi nhuận khác để các bên kiếm lời nhằm duy trì cuộc chiến. Chấm dứt cuộc nội chiến Syria vì vậy là cách tốt nhất để chấm dứt nạn buôn lậu ma túy ở nước này. Cho đến khi điều đó trở thành hiện thực, cảnh sát và quân đội Jordan sẽ còn phải tăng cường sự hiện diện lẫn mức độ cứng rắn của mình tại khu vực biên giới nhằm tạo ra “hàng rào sắt” đẩy lùi các hoạt động buôn lậu.
Nguồn tin: antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn