CNN dẫn lời các nhà khí tượng thủy văn cho hay châu Âu đang trải qua tháng 7 nóng kỷ lục trong lịch sử, chỉ một tháng sau ngay sau khi châu lục này hứng chịu tháng 6 nóng nhất tính từ năm 1880.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều đợt nóng gay gắt hơn nữa do biến đổi khí hậu và nhiệt độ cao kỷ lục hiện tại là khá tương đồng với những dự báo được đưa ra từ 10 năm trước.
Kỷ lục nối tiếp kỷ lục
Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh đều đạt tới ngưỡng nóng nhất trong lịch sử vào tuần qua.
Ngày 24/7, Bỉ đã hứng chịu ngày nóng chưa từng có tiền lệ khi nhiệt độ lên ở mức 39,9 độ C. Vào cùng ngày, Hà Lan cũng phá kỷ lục tồn tại 75 năm, nhưng sau đó, ngày 25/7, nhiệt độ tiếp tục tăng lên 40 độ C và đây là kỷ lục mới được thiết lập. Nhiệt độ vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.
Tại thị trấn Geilenkirchen, Đức, nhiệt độ kỷ lục 40,5 độ C được ghi nhận vào ngày 24/7. Nước Anh hứng chịu tháng 7 nóng chưa từng có vào ngày 25/7 với nhiệt độ vượt ngưỡng 38,5 độ C thiết lập năm 2003.
Cả 4 quốc gia trên đều vẫn đang trong tình trạng cảnh báo nóng nghiêm trọng.
Tháng trước, một đợt nắng nóng đã phá kỷ lục tại 8 quốc gia bao gồm Pháp, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ. Pháp đã đạt tới ngưỡng 45,9 độ C vào thời điểm đó. Hiện thời, Pháp lại đang tiếp tục đối mặt với một trận nóng khác khi nhiệt độ lên tới mức 42 độ C ở Paris.
Đợt nóng kỷ lục này được cảnh báo là có thể gây ra đe dọa nghiêm trọng tới nhà thờ Đức Bà. Phần mái nhà thờ vốn mới trải qua trận hỏa hoạn từ vài tháng trước, có thể đối diện với nguy cơ bị sụp.
Các chuyên gia về thời tiết cảnh báo rằng hiện tượng nắng nóng có thể sẽ trở thành bình thường tại châu Âu trong tương lai do hiệu ứng từ khí thải nhà kính. Nếu các quốc gia này không có biện pháp cụ thể ngăn chặn, tình hình chắc chắn sẽ tồi tệ hơn, theo CNN.
Tác động nghiêm trọng
Nhiệt độ tăng vọt so với mức thông thường ở châu Âu khiến người dân châu lục này bị đảo lộn cuộc sống và một số dịch vụ rơi vào tình trạng tê liệt.
Rất nhiều thành phố châu Âu không được thiết kế để chịu đựng nhiệt độ cao như thế này. Chỉ có chưa đầy 5% các ngôi nhà ở châu Âu được trang bị điều hòa nhiệt độ, theo một cáo cáo thống kê năm 2017 và phương tiện giao thông công cộng sẽ buộc phải dừng hoạt động khi nắng nóng trở nên cực đoan.
Tại một số nước, tàu hỏa đã ngừng phục vụ do sợ nắng nóng làm biến dạng đường ray gây lật tàu. Một đoàn tàu của hãng Eurostar di chuyển từ Bỉ sang Anh bị hỏng hôm 24/7, khiến các hành khách gần như “chết ngạt” hàng giờ đồng hồ dưới cái nóng 40 độ C và không có điều hòa.
Network Rail, hãng vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng xe lửa của Anh, nói rằng nhiệt độ đường ray tại quốc gia này có thể đã lên tới ngưỡng xấp xỉ gần 50 độ C, gấp đôi so với nhiệt độ trung bình của đường ray vào mùa hè ở Anh.
Giao thông công cộng đình trệ khiến một số hoạt động di chuyển, duy trì cuộc sống của người dân ảnh hưởng.
Tại Pháp, tập đoàn năng lượng EDF thông báo đóng cửa nhà máy điện hạt nhân vì nhiệt độ đã vượt mốc 40 độ C với lo ngại nhiệt độ cao có thể tạo ra những tác động không tốt tới nguồn nước và hệ sinh thái xung quanh.
Ngoài ra, nắng nóng gây ra hàng loạt các rủi ro về sức khỏe liên quan tới hệ thống tim mạch và đường hô hấp. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất trong thời tiết nắng nóng.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn