Trong báo cáo được công bố hôm nay 21/10, Viện nghiên cứu Lowy tại Sydney (Australia) cảnh báo, các quốc gia Thái Bình Dương có thể đối mặt với “những nguy cơ rõ ràng” đối với sự ổn định của họ nếu họ vay mượn quá nhiều và phải đáp ứng những đòi hỏi từ Trung Quốc.
Theo viện nghiên cứu Lowy, cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang thực thi chính sách ngoại giao “bẫy nợ” tại Thái Bình Dương bị thổi phồng, tuy nhiên đây không phải là xu hướng tích cực và những nước như Papua New Guinea và Vanuatu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nguy hiểm.
Trung Quốc nhiều lần bị cáo buộc đưa ra các khoản vay hậu hĩnh và không bền vững để có thể thâu tóm các cơ sở hạ tầng quan trọng của những nước vay tiền Bắc Kinh, chẳng hạn các cảng biển, sân bay hay điện lưới.
Từ năm 2011-2018, Trung Quốc đã cam kết cho khu vực Thái Bình Dương vay 6 tỷ USD, chiếm 21% GDP của khu vực. Phần lớn số tiền này, khoảng 4,1 tỷ USD, được rót cho Papua New Guinea.
Chỉ một phần nhỏ, chưa đầy 1 tỷ USD, trong tổng số khoản vay của Trung Quốc dành cho các nước khác trong khu vực. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn là chủ nợ lớn nhất của Tonga, Samoa và Vanuatu.
“Quy mô cho vay của Trung Quốc và việc không có các cơ chế để bảo đảm tính bền vững về nợ của các quốc gia vay đồng nghĩa với việc tạo ra những rủi ro”, báo cáo của viện nghiên cứu Australia cho biết.
Khu vực phía nam Thái Bình Dương đã trở thành “địa bàn” cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc, Mỹ và Australia trong những năm gần đây. Các quốc đảo Thái Bình Dương nằm ở tuyến giao thương vận tải quan trọng, nơi có trữ lượng hải sản dồi dào và có tiềm năng trở thành các căn cứ quân sự để các nước lớn mở rộng ảnh hưởng.
Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực bằng một loạt chuyến thăm cấp cao và các khoản vay không cần điều kiện thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Hai quốc đảo Solomon và Kiribati gần đây thông báo đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.
Hiện 6 chính quyền Thái Bình Dương vẫn đang là “con nợ” của Trung Quốc gồm, Cook Islands, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu. Viện nghiên cứu Lowy cho biết nhiều khoản vay của Trung Quốc dành cho các nước trong khu vực chỉ có mức lãi suất khiêm tốn là 2%.
“3 nền kinh tế nhỏ của khu vực Thái Bình Dương, gồm Tonga, Samoa và Vanuatu, dường như là những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất thế giới”, báo cáo nêu rõ.
Lời khuyên cho Trung Quốc
Viện nghiên cứu Australia cảnh báo Trung Quốc rằng, nước này cần đưa ra các quy tắc cho vay chính thức nếu các khoản vay thực sự hướng tới mục tiêu bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các thảm họa thiên tai như động đất, lốc xoáy và sóng thần có thể khiến các nước vay tiền của Trung Quốc không đủ khả năng trả nợ.
“Trung Quốc cần tái cơ cấu phương án tiếp cận của nước này một cách đáng kể, nếu họ vẫn muốn trở thành người chơi chính ở Thái Bình Dương mà không vướng phải cáo buộc bẫy nợ từ những người chỉ trích”, báo cáo cho biết thêm.
Theo khuyến cáo của viện nghiên cứu Australia, để tránh tình trạng các dự án cơ sở hạ tầng có thể trở thành bẫy nợ đối với các nước nhỏ, Trung Quốc nên cải cách các quy định cho vay của nước này theo hướng tiếp cận gần hơn với các quy định của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Năm 2018, cựu Ngoại trưởng Australia Julie Bishop từng tuyên bố, Australia muốn cảnh báo các nước Thái Bình Dương không “bị mắc bẫy các khoản nợ không bền vững” của Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Australia cho rằng bẫy nợ của Trung Quốc cuối cùng có thể trở thành màn trao đổi vật thế chấp và các nước vay nợ có thể mất chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 8 từng cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn khu vực thông qua các thỏa thuận vay nợ đổi lấy chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này.
Thành Đạt
Theo AFP, Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn