Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay ra thông cáo cho biết, trong 2 ngày 16-17/1, tại Nha Trang, Khánh Hòa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat). Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã tham dự hoạt động này.
Hội nghị là cuộc gặp đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong năm 2020 dưới chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động Thích ứng” nhằm thảo luận định hướng ưu tiên ASEAN 2020, nhất là về xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực.
Các Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ, đồng thời cho rằng chủ đề và các định hướng ưu tiên Việt Nam đề xuất cho ASEAN 2020 phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, là tiếp nối nỗ lực của các Chủ tịch tiền nhiệm.
Theo đó, hợp tác ASEAN 2020 sẽ tập trung vào củng cố đoàn kết, thống nhất ASEAN, thúc đẩy liên kết kinh tế, đẩy mạnh thương mại và đầu tư nội khối, tăng cường liên kết và hợp tác tiểu vùng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN, đồng thời chủ động thích ứng trước các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, hòa bình, an ninh và bình đẳng giới.
Các nước nhất trí với đề xuất của Việt Nam về kế hoạch hoạt động của ASEAN trong năm. Theo đó, ASEAN sẽ triển khai một số sáng kiến như tiến hành đánh giá giữa kỳ tiến trình xây dựng Cộng đồng, trao đổi về định hướng phát triển ASEAN sau 2025, các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, trong đó có phát triển tiểu vùng Mê Công, tăng cường quyền năng phụ nữ…
Về quan hệ đối ngoại, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN. Theo đó, Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-New Zealand sẽ được tổ chức vào ngày 9/4/2020 ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 tại Đà Nẵng.
Các Bộ trưởng đã thảo luận quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và nhất trí duy trì trao đổi thường xuyên ở cấp Lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các nước hoan nghênh lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ tổ chức Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ trong năm nay để kỷ niệm 5 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ. Các nước cũng trông đợi được đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ tới tham dự các Hội nghị Cấp cao của ASEAN vào tháng 11 này tại Hà Nội.
Các nước ghi nhận Pháp đề xuất trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN. Các nước nhất trí giao Tổng Thư ký ASEAN tiến hành đánh giá đề nghị của Pháp và đệ trình khuyến nghị.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa của năm 2020 đối với quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN-Liên Hợp Quốc trong bối cảnh năm nay Liên Hợp Quốc kỷ niệm 75 năm thành lập và Việt Nam cùng Indonesia là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) trong năm 2020. Các nước ủng hộ đề xuất của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 1/2020 về tổ chức một buổi thông tin về ASEAN tại HĐBA LHQ với chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN” tại New York.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của các nước, coi đây là biểu hiện của đoàn kết và nhất trí của ASEAN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, cùng các nước hợp tác vì một khu vực hòa bình, ổn định và phồn vinh, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Các Bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình Biển Đông. Các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và không tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC. Do đó, các Bộ trưởng tái khẳng định cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và cần coi luật pháp quốc tế, UNCLOS là cơ sở, là thước đo cho những đòi hỏi về chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) để tạo lập môi trường tin cậy lẫn nhau, tích cực thúc đẩy thương lượng để hướng tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.
An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn