Mối quan hệ lâu dài
Triều Tiên có chung đường biên giới dài 1.420 km với Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nước đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên độc lập và bảo vệ Bình Nhưỡng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn nồng ấm trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh và lạnh nhạt dần sau khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô xảy ra vào năm 1956. Trong gần một thập niên sau đó, Triều Tiên đã bắt tay với cả Trung Quốc và Liên Xô.
Sau khi rút quân khỏi Triều Tiên vào năm 1958, Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh quốc phòng với Triều Tiên.
Xét từ quan điểm của Trung Quốc, sự can thiệp của nước này vào cuộc chiến tranh Triều Tiên là hành động cần thiết. Thỏa thuận đình chiến được ký năm 1953 đã hình thành hai cấu trúc liên minh vững chắc trên bán đảo Triều Tiên, trong đó Hàn Quốc liên minh với Mỹ còn Triều Tiên liên minh với Trung Quốc và Liên Xô.
Thành tựu kinh tế mang tên “Kỳ tích sông Hàn” dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee vào đầu thập niên 1970 đã phá vỡ thế cân bằng sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên khi tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc đã tăng đột biến, cao hơn gấp 30 lần so với Triều Tiên. Ngoài ra, quá trình hiện đại hóa quân sự của Hàn Quốc cũng bỏ Triều Tiên lại phía sau.
Trung Quốc khi đó dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình cũng ngay lập tức áp dụng mô hình phát triển thần kỳ Đông Á và hối thúc Triều Tiên đi theo mô hình này, song đã xảy ra mâu thuẫn về hệ tư tưởng. Vào cuối thập niên 1980, dưới thời Tổng thống Roh Tae-woo, Hàn Quốc đã thực thi chính sách Nordpolitik, vừa tăng cường quan hệ với Triều Tiên vừa hòa hoãn ngoại giao với hai nước hậu thuẫn chính cho Bình Nhưỡng là Nga và Trung Quốc.
Trong khi Bình Nhưỡng từ chối đề xuất của Seoul, Moscow và Bắc Kinh đã ủng hộ thiện chí từ chính quyền Tổng thống Roh Tae-woo. Kết quả là vào đầu thập niên 1990, cả Nga và Trung Quốc đều bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành không hài lòng với cách hành xử của Trung Quốc, dọa sẽ công nhận Đài Loan để trừng phạt Bắc Kinh. Khi không nhận được sự ủng hộ về mặt ngoại giao, Triều Tiên bắt đầu tập trung nguồn lực để bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.
Chương trình vũ khí hạt nhân
Trung Quốc không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên do Bình Nhưỡng không thể nhắm mục tiêu tấn công tới đồng minh duy nhất. Điều khiến Bắc Kinh cảm thấy khó chịu với năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng là vì điều này có liên quan tới Mỹ. Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên buộc Mỹ tăng cường triển khai mạng lưới vũ khí răn đe ở Đông Bắc Á và Trung Quốc coi đây là nỗ lực của Washington để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Những nỗ lực ngoại giao đã dẫn tới sự ra đời của Thỏa thuận Khung vào năm 1994 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên và đây là nỗ lực đơn phương của Mỹ. Cũng trong năm đó, Trung Quốc đã chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên.
Tuy nhiên, thỏa thuận Khung đã không được như kỳ vọng khi các bên không thực hiện theo đúng cam kết và đổ vỡ vào năm 2003. Triều Tiên nối lại hoạt động làm giàu uranium, dẫn tới giai đoạn thứ hai của cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Một lần nữa, Mỹ tính đến phương án tấn công phủ đầu Triều Tiên. Nguy cơ xung đột ngày càng đến gần khi chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush liệt Triều Tiên vào “Trục Ma quỷ” và đưa quân tới Iraq vào năm 2003.
Lo sợ nguy cơ tấn công phủ đầu từ Mỹ nhằm vào Triều Tiên, Trung Quốc đã can thiệp bằng cách sắp xếp cuộc đàm phán 6 bên vào tháng 8/2003. Sau 6 vòng đàm phán từ năm 2003-2009, Bình Nhưỡng tuyên bố rút lui và trục xuất các thanh sát viên hạt nhân khỏi lãnh thổ. Sau đó, Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử hạt nhân vào các năm 2006 và 2009.
Lập trường cơ bản của Trung Quốc là duy trì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc là nước duy nhất vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Triều Tiên trong khi các nước còn lại đứng về một phía. Trung Quốc một mặt vẫn bỏ phiếu ủng hộ và bề ngoài tỏ ra là tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, mặt khác Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng.
Tuy vậy, Trung Quốc ngày càng tỏ ra khó chịu với Triều Tiên, đặc biệt là nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông cố tình phớt lờ tiếng nói của Bắc Kinh và quyết tâm theo đuổi chương trình răn đe hạt nhân bằng mọi cách.
Việc Triều Tiên tuyên bố phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ và thử thành công bom nhiệt hạch vào năm 2017 đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tháng 4/2017, Tổng thống Trump đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận về vấn đề mất cân bằng thương mại và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ đã kết nối hai vấn đề lại với nhau bằng cách đồng ý nhượng bộ về thương mại nếu Trung Quốc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Bắc Kinh đã đồng ý với phương án này.
Khi cuộc khủng hoảng Mỹ - Triều lên đến cao trào, Trung Quốc đã siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Bắc Kinh hy vọng có thể ngăn chặn một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ vì nếu cuộc xung đột xảy ra, hàng triệu người tị nạn Triều Tiên có thể tràn qua biên giới sang lãnh thổ Trung Quốc.
Bước sang năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thấy tín hiệu hòa hoãn khi cử đoàn vận động viên Triều Tiên sang Hàn Quốc dự Thế vận hội. Thành công của Thế vận hội đã dẫn tới hàng loạt hoạt động ngoại giao chưa từng có tiền lệ, bao gồm các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Hàn - Triều và Mỹ - Triều.
Sự xuống thang của Triều Tiên đã khiến Trung Quốc bất ngờ. Quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên từ giữa thập niên 2000 là “đóng băng kép”, trong đó Bình Nhưỡng dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa còn Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung. Về nguyên tắc, Trung Quốc ủng hộ phi hạt nhân hóa, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn tiến trình này diễn ra với tốc độ chậm.
Ưu tiên của Trung Quốc hiện nay chuyển từ việc ngăn chặn nguy cơ chiến tranh sang ngăn chặn việc Triều Tiên ngả về phương Tây. Dựa trên mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo, Bắc Kinh đã sắp xếp để nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình 3 lần vào tháng 3, tháng 5 và tháng 6.
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã có sự gia tăng đáng kể khi bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang “cạnh tranh” trong việc xây dựng tương lai phát triển kinh tế cho Triều Tiên khi Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hóa.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn