Hãng AP đưa tin hôm 8-4, Mỹ đã đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuyên bố của Mỹ đưa ra đúng một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Israel.
Trên tờ The Washington Post, chính phủ Iran lên án “món quà” sai lầm này của Mỹ chỉ để tăng cơ hội tái đắc cử của Thủ tướng Netanyahu. Iran đáp trả với đòn đánh tương tự, gán Mỹ là quốc gia ủng hộ khủng bố và liệt kê Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ vào “danh sách đen”.
Toan tính trước thềm bầu cử Israel
Trong cuộc tranh cử lần này, Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại những thách thức từ Iran trên khắp Trung Đông. Ông Netanyahu còn nhấn mạnh sự hợp tác lâu dài của Mỹ và Israel nhằm tạo đối trọng với Iran “vì lợi ích của hai nước và hòa bình thế giới”.
Mới đây, ông Netanyahu đã tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư bị chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây nếu giành chiến thắng thêm một nhiệm kỳ. Tuyên bố vào phút chót trước bầu cử này đã kích động người Palestine và thế giới Ả Rập, theo hãng tin Reuters.
Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng đã phá vỡ sự đồng thuận quốc tế trong nhiều thập niên bằng tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Hơn nữa, tháng 12-2017, ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến đó. Cả hai động thái này đều khiến Israel vui mừng, còn các nhà lãnh đạo Palestine và Ả Rập thì tức giận, trong khi hầu hết các đồng minh của Mỹ đều phản đối.
Trong một bài phát biểu với người Do Thái Mỹ ở Las Vegas, Tổng thống Trump khẳng định ông Netanyahu là thủ tướng của họ. Hành động này chứng tỏ tổng thống Mỹ cũng đang vận động tranh cử cho thủ tướng Israel, theo hãng tin RT. Hơn nữa, mối thân tình chưa từng có với Israel cũng có thể thúc đẩy sự ủng hộ của các cử tri Mỹ dành cho chính Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử mà ông đương nhiên mong muốn giành chiến thắng sắp tới.
Cuộc bầu cử Israel ngày 9-4 đặt ra nhiều câu hỏi đối với các cử tri, liệu họ muốn kiểm soát vĩnh viễn lãnh thổ Bờ Tây với khoảng 2,9 triệu dân Palestine hay họ muốn một nhà nước Palestine được thành lập ở đó? Theo tờ The New York Times, cả hai cuộc bầu cử của Israel và bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ là mối quan tâm đặc biệt của những cử tri Israel ủng hộ sự sáp nhập. Những cử tri này tin rằng sự trợ giúp đắc lực của Tổng thống Trump dành cho Israel là cơ hội “lịch sử” để tiến hành việc mở rộng lãnh thổ chủ quyền của đất nước.
Hòa giải Israel-Palestine: Bất khả thi
Vì không một đảng nào ở Israel từng giành được đa số ghế trong quốc hội nên quốc gia này luôn phải thành lập các chính phủ liên minh sau bầu cử. Theo hãng tin BBC, ông Netanyahu có nhiều khả năng thành lập liên minh hơn ông Gantz vì mối quan hệ chặt chẽ của Thủ tướng Israel với các đảng cánh hữu và tôn giáo khác. Xung đột Israel-Palestine nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra.
Cả Mỹ, Israel, Palestine, Nga và Syria cần tham gia vào cuộc đối thoại hòa giải vì vấn đề giữa Israel và Palestine không chỉ đơn thuần liên quan giữa hai quốc gia mà nó thực sự là một vấn đề mang tầm khu vực.
DAVID SCHULTZ, giáo sư khoa học chính trị của ĐH Hamline (Mỹ)
Trong khi đó, hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định chủ quyền Bờ Tây của người Palestine và cam kết sẽ sát cánh với Palestine chống lại thách thức từ Israel. Theo hãng tin TASS, Đại sứ Palestine tại Moscow Abdel Hafiz Nofal cũng tuyên bố nhất quyết phải đối thoại với Israel dưới sự hòa giải của Nga.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik, ông David Schultz, giáo sư khoa học chính trị của ĐH Hamline (Mỹ), tin rằng để đạt được hòa giải này, các bên gồm Mỹ, Israel, Palestine, Nga và Syria phải đồng ý ngồi vào bàn đối thoại với nhau vì đây là một vấn đề mang tầm khu vực.
Định cư là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, vốn đã bị đóng băng kể từ năm 2014. Sau nhiều thập niên định cư, hơn 400.000 người Israel hiện sống ở Bờ Tây (theo số liệu của Israel), cùng với khoảng 2,9 triệu người Palestine (theo Cục Thống kê Palestine). Hơn 212.000 người định cư Israel sống ở Đông Jerusalem, theo Liên Hiệp Quốc.
Người Palestine và nhiều quốc gia coi các khu định cư là bất hợp pháp, vì Công ước Geneva cấm định cư ở vùng đất bị chiếm trong chiến tranh. Israel chống lại điều này, viện dẫn nhu cầu an ninh và các mối liên hệ về tôn giáo, lịch sử và chính trị với vùng đất này. Người Palestine muốn thành lập một nhà nước ở Bờ Tây, phía Đông Jerusalem và Dải Gaza, tất cả lãnh thổ mà Israel kiểm soát từ năm 1967. Israel đã sáp nhập phía Đông Jerusalem và rút khỏi Gaza. Bờ Tây vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Israel.
Thỏa thuận thế kỷ của Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy Jordan trao quyền công dân cho một triệu người tị nạn Palestine như một phần trong “thỏa thuận thế kỷ” của ông, theo tờ báo Al Akhbar của Lebanon. Đây là kế hoạch của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột lâu dài của Israel với Palestine và sẽ được công bố ngay sau cuộc bầu cử Israel. Ông Trump cũng sẽ yêu cầu Ai Cập cấp quyền công dân cho người tị nạn Palestine. Theo tờ The Jerusalem Post, việc Tổng thống Trump giúp người tị nạn Palestine được quyền công dân từ các nước khác là một cách để tránh sự thành lập nhà nước Palestine.
Theo báo cáo đăng tải trên tờ Al Akhbar, quốc vương Jordan Abdullah II bày tỏ sự phản đối việc thành lập một liên minh chung. Đồng thời, quốc vương Abdullah II tuyên bố với nhà lãnh đạo Ai Cập rằng ông muốn Jordan tiếp tục phụ trách các thánh địa ở Jerusalem “mà không can thiệp vào vấn đề giữa người Israel và người Palestine”.
Theo Hà Minh Thu
Pháp luật TP.HCM
(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn