CNN đưa tin, ngày 16/6, người biểu tình tiếp tục xuống đường biểu tình quy mô lớn lần thứ 3. Những người biểu tình đã mặc đồ đen, đeo ruy băng trắng và một số mang theo hoa trắng để tưởng nhớ một người đàn ông đã bị ngã và thiệt mạng hôm 15/6 khi đang treo biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ.
Trước áp lực dồn dập từ 2 cuộc biểu tình trước đó, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 15/6 đã tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, những người biểu tình chưa thỏa mãn với động thái này và họ đã đưa ra một số yêu cầu với giới chức Hong Kong.
Yêu cầu rút dự luật dẫn độ
Với những người biểu tình, động thái hoãn vô thời hạn dự luật của bà Lâm là chưa đủ. Họ muốn chính quyền đặc khu phải rút dự luật và không để chuyện này xảy ra trong tương lai vì lo ngại văn bản này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng tới quyền tự trị của họ.
“Chúng tôi cần dừng việc này lại vì Hong Kong là một nơi đặc biệt. Nền kinh tế, văn hóa đều rất khác biệt so với thế giới”, một người biểu tình tuyên bố.
Cho đến lúc này, dòng người mặc áo đen đã đứng chật kín các con phố xung quanh khu vực gần trụ sở chính quyền đặc khu.
Yêu cầu bà Lâm từ chức
Ngoài ra, nghị sĩ đối lập Claudia Mo ngày 15/6 còn tuyên bố rằng biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp hòn đảo chừng nào Trưởng đặc khu Lâm từ chức. Bà Mo cho rằng bà Lâm đã mất tín nhiệm với người dân.
“Biển người” di chuyển trên đường Yee Wo thu hút thêm các người biểu tình từ đường Sugar và đường Pennington. Họ hô vang: “Sinh viên là vô tội” và “Hãy từ chức, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga”.
Ngoài ra, những người biểu tình cũng yêu cầu bà Lâm phải xin lỗi về cách bà xử lý các cuộc biểu tình và khủng hoảng hồi tuần trước.
Yêu cầu thả người
Ngoài ra, những người biểu tình quyết định xuống đường hôm nay còn kêu gọi chính quyền thả 11 người bị bắt hôm 12/6 trong bối cảnh biểu tình leo thang thành bạo lực dữ dội. Họ cũng phản đối cách cảnh sát Hong Kong làm hạ nhiệt căng thẳng bằng hơi cay, súng cao su…
Gần 5.000 cảnh sát chống bạo động ngày 12/6 đã bắn ra lượng hơi cay gấp đôi những gì họ sử dụng trong “phong trào ô dù” năm 2014, chiến dịch kéo dài 79 ngày, theo SCMP.
Đám đông biểu tình đa phần là người trẻ, nhưng cũng có sự xuất hiện của các gia đình và những người lớn tuổi. Họ dự kiến diễu hành từ công viên Victoria xuống khu trung tâm tới đại lộ Tim Mei tại quận Admiralty.
Mandy, người vừa tròn 18 tuổi ngày hôm nay, nói rằng cô không tham cuộc biểu tình hôm 9/6, sự kiện mà phía tổ chức nói rằng có hơn 1 triệu người tham gia (khoảng 1/7 dân cư của hòn đảo).
“Tôi nghĩ rằng vấn đề ngày càng nghiêm trọng và tôi nên lên tiếng. Vì vậy, tôi đã tham gia biểu tình hôm nay và tôi cho rằng nó quan trọng hơn sinh nhật mình”, Mandy nói.
Bà Chik Kim Ping, 65 tuổi và người chồng họ Tse, 70 tuổi, tiết lộ rằng họ tham gia biểu tình vì nghĩ tới tương lai của con cháu mình.
Biểu tình tại nước ngoài
Tại Australia, khoảng 500 người gốc Hong Kong tại thành phố Adelaide đã xuống đường yêu cầu bà Lâm thu hồi lại đự luật và xin lỗi về cách bà đã giải quyết cuộc khủng hoảng.
Nhóm biểu tình chỉ trích cảnh sát Hong Kong vì sử dụng vũ lực thái quá với người biểu tình hồi tuần trước. Một người biểu tình tên là Lau Cheuk-ying tại Adelaide tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi bà Lâm rút lại dự luật. Lau nói khoảng 1.000 người Hong Kong ở thành phố này đã ký tên chống lại dự luật.
Tưởng niệm người biểu tình thiệt mạng
Nhiều người đã mang theo hoa trắng để tưởng nhớ người đàn ông đã bị ngã và thiệt mạng hôm 15/6 khi đang treo biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ lên một tòa nhà.
“Chúng tôi mua hoa trắng với hy vọng rằng anh ấy có thể yên nghỉ”, một thanh niên 23 tuổi tên Michael cho biết. Giống như những người khác, anh mang biểu ngữ có dòng chữ: “Tự do không miễn phí”.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn