Khi Flavio Ramos được đưa vào trong phòng bệnh viện, ông thở hổn hển trong trạng thái lúc tỉnh lúc mơ. Arturo, con trai ông, là người đầu tiên chú ý tới sự xuất hiện của các thi thể.
Vào thời điểm đó, mới chỉ có 2 xác chết bị bỏ mặc trên nền nhà. Nhưng đến sáng hôm sau, số thi thể trong phòng đã tăng lên 3. Thi thể thứ 3 là Flavio Ramos.
Hơn 1 tháng sau, gia đình vẫn không thể chôn cất Ramos vì ngay sau khi ông qua đời, bệnh viện nói rằng họ đã để mất thi thể.
Flavio Ramos, 55 tuổi, là nạn nhân tiếp theo của Covid-19 tại thành phố Guayaquil, Ecuador - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Cái chết của Ramos và việc thi thể ông biến mất đã cho thấy sự sụp đổ của hệ thống y tế tại Guayaquil chỉ vài tuần sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này hồi tháng 3.
Không được tiếp nhận
Trong tháng 1, ông Ramos vẫn tổ chức sinh nhật cùng bạn bè và gia đình. Tới tuần cuối của tháng 3, ông bắt đầu cảm thấy không khỏe.
Ngày 31/3, ông Ramos bị khó thở tới mức con trai ông, Arturo, phải đưa tới bệnh viện gần nhất.
Arturo hy vọng ông Ramos sẽ được nhập viện nhanh chóng và được hỗ trợ y tế ngay lập tức. Tuy nhiên khi Ramos tới nơi, các nhân viên cho biết bệnh viện đã đủ người.
“Các bác sĩ nói không còn giường cho bệnh nhân. Nếu cứ đứng ở cửa, họ nói sẽ gọi an ninh đuổi đi”, Arturo nói với CNN.
Không bỏ cuộc, Arturo tiếp tục đưa ông Ramos tới một bệnh viện khác, rồi các bệnh viện khác nữa. Sau 4 giờ lái xe, Arturo cũng tìm được một bệnh viện.
Ramos được đưa vào bệnh viện đa khoa Guasmo Sur. Đây là bệnh viện thứ 11 ông ghé qua trước khi được đồng ý tiếp nhận.
Arturo nhớ lại rằng cha anh đã dành những giờ phút cuối cùng trong một căn phòng có 2 bệnh nhân đã chết.
“Cả hai đều nằm trên sàn nhà. Một người được bọc trong túi đen, nói đúng hơn là túi đựng rác, còn xác người còn lại nằm ngay trên sàn nhà. Không ai quan tâm tới họ”, Arturo kể lại.
Arturo rời khỏi bệnh viện vào khoảng 9h30 sáng ngày 1/4 để chuẩn bị đồ ăn sáng. 15 sau quay lại, anh phát hiện ông Ramos đã tử vong.
“Không ai ở bên cạnh cha tôi lúc ông ấy qua đời”, Arturo cho biết, trong khi bệnh viện từ chối bình luận về trường hợp này.
Bệnh viện như vùng chiến sự
Arturo cho biết bệnh viện nơi ông Ramos được điều trị giống như vùng chiến sự. Ana Maria, 38 tuổi, cũng có trải nghiệm tương tự.
Ana đưa người mẹ 67 tuổi tới một phòng khám địa phương sau khi bà xuất hiện các triệu chứng mắc Covid-19. Kết quả chụp X-quang và một bác sĩ thăm khám cho biết Ana cần đưa mẹ tới bệnh viện ngay lập tức, vì bà bị viêm phổi nặng, có thể do Covid-19.
Ngày 26/3, khi Ana đưa mẹ tới bệnh viện Los Ceibos gần đó, mẹ cô gần như không thể tự đi được. Tuy vậy, họ vẫn phải chờ gần 24 giờ đồng hồ mới có giường.
Sau khi chứng kiến cảnh các bệnh nhân trong phòng bệnh cũng như ngoài hành lang và nghe thấy những tiếng gào thét tuyệt vọng từ người thân của họ, Ana bắt đầu suy nghĩ lại. Cô đã nói chuyện với một y tá.
“Y tá nói nếu tôi có tiền để điều trị cho mẹ tại nhà, thì tôi hãy làm như vậy. Vì nếu tôi để mẹ ở đây, bà ấy sẽ chết”, Ana nhớ lại.
Ana quyết định đưa mẹ về nhà, thuê một y tá riêng để điều trị và mẹ cô may mắn sống sót. Tuy nhiên, phần lớn người dân sống ở thành phố Guayaquil không có đủ tiền như Ana.
Trước khi Ana rời khỏi bệnh viện, con gái một bệnh nhân khác đã khóc và nói với cô rằng: “Mẹ cô sẽ sống vì cô có tiền. Nhưng chúng tôi không có tiền”.
Theo số liệu do chính phủ Ecuador công bố, 533 người đã chết vì Covid-19 tại Guayaquil trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, chính phủ ghi nhận tổng số người chết tại Guayaquil là 12.350 trường hợp, cao hơn hẳn so với 2.695 và 2.903 người chết được ghi nhận lần lượt trong các năm 2018 và 2019. Điều này đồng nghĩa với việc số người chết vì Covid-19 tại Guayaquil trên thực tế cao hơn rất nhiều so với con số chính thức được công bố.
CNN dẫn số liệu ước tính của 3 nhà nghiên cứu dịch bệnh tại Ecuador cho biết, số ca tử vong liên quan tới Covid-19 tại Guayaquil có thể vượt 9.000 người. Guayaquil thậm chí còn được ví như ổ dịch “Vũ Hán của Mỹ Latinh”, theo SCMP. Thành phố Vũ Hán tại Trung Quốc là nơi khởi phát dịch từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Theo thống kê của Worldometers, Ecuador cho đến nay đã ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm và hơn 1.600 ca tử vong vì Covid-19. AFP cho biết với 17,6 triệu dân, Ecuador là nước đông dân thứ 8 tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên, tại khu vực này, Ecuador hiện chỉ xếp sau Brazil và Peru về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Mất dấu thi thể
Khi Ecuador rơi vào hỗn loạn do số thi thể tăng vọt, việc tổ chức yếu kém dẫn tới tình trạng mất dấu và không nhận diện được thi thể. Nhiều gia đình không có cơ hội nói lời từ biệt với những người thân của mình.
Khi Arturo quay trở lại bệnh viện sau ngày cha anh mất, giới chức bệnh viện thông báo họ không thể tìm thấy thi thể của ông Ramos. Bệnh viện cho biết cách duy nhất Arturo có thể làm là tới nhà xác và tự tìm thi thể cha mình trong số hàng đống thi thể.
“Bên trong nhà xác, thi thể nằm chồng chất lên nhau. Bước vào căn phòng đó giống như địa ngục”, Arturo nhớ lại.
Cùng với một nhân viên bệnh viện, Arturo phải kiểm tra từng thi thể trong suốt một giờ đồng hồ để tìm xác cha. Tuy nhiên rốt cuộc anh vẫn không tìm ra.
Trong 4 ngày liên tiếp sau đó, Arturo đã kiểm tra gần 250 thi thể, cả ở trong nhà xác và các thùng xe tải được đặt bên ngoài để chứa thi thể do số lượng quá lớn.
“Tôi không gặp may, tôi không thể tìm được cha mình”, Arturo cho biết.
Những ngày gần đây, Arturo phải sống tách biệt với gia đình. Tuần trước, anh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn