Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump cũng đối đầu quyết liệt trên mạng xã hội - Ảnh: AFP |
Sự tham gia tích cực này của các “bot” (rô-bốt phần mềm) khiến một số nhà bình luận không ngại gọi cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 là “cuộc chiến của các bot”.
Một phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Oxford đăng trên tờ The Atlantic ngày 1-11 cho thấy trong hai cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, 1/3 các dòng tweet ủng hộ ứng viên Donald Trump xuất phát từ các tài khoản tự động này, trong khi ở phía bà Hillary Clinton là 1/5. Tổng cộng chúng đã sản xuất ra hơn 1 triệu thông điệp trên Twitter.
Đưa các dữ liệu này, tờ The Atlantic đặt câu hỏi: Điều này có ý nghĩa gì với nền dân chủ Mỹ?
Phông nền thông tin giả
Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, sự phổ biến của mạng xã hội cùng những “phương tiện truyền thông mới” đã tạo điều kiện cho việc sử dụng ồ ạt các bot, tự động lan truyền hoặc tạo ra các nội dung, liên quan tới các ứng viên.
Ông Douglas Guilbaud, chuyên gia Trường nghiên cứu công nghệ truyền thông Walter Annenberg thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã nhận định rằng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện nay, “khối lượng, chiến lược và ảnh hưởng tiềm năng của thông tin tự động là chưa từng có tiền lệ - chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến thực sự của các bot”.
Các chương trình bot và những phương tiện tự động khác nhằm tạo ra những luồng thông tin và tăng sự nổi tiếng thật ra không mới. Từ năm 2014, ca sĩ hotboy Justin Bieber đã mất tới 3,5 triệu thuê bao trên Instagram khi nhà quản trị dịch vụ quyết định loại bỏ những tài khoản giả khỏi hệ thống.
“Từ khi Facebook bắt đầu tự động tạo ra các xu hướng theo chủ đề - không có sự kiểm soát của con người, mọi thứ đều trở nên có thể”, nhà nghiên cứu độc lập Augustine Fo nhận định trên CSOonline.com. “Những câu chuyện nào đó trở thành xu hướng nhờ công lao của các bot chứ không phải bởi sự hỗ trợ của những người dùng thật”.
Một nhóm các chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính trị học và xã hội học đã tạo ra một dự án đặc biệt mang tên Political Bots nhằm phân tích tác động của các chương trình bot lên dư luận xã hội.
Dự án đã ghi nhận được việc tự động đưa lại ồ ạt các thông tin trên Twitter theo các hashtag gắn với các ứng viên. Chẳng hạn như hashtag #makeamericagreatagain (Làm nước Mỹ trở nên vĩ đại lần nữa) - khẩu hiệu tranh cử "đinh" của tỉ phú Donald Trump, hay hashtag #imwithher ("Tôi cùng bà ấy", tức Hillary Clinton).
Giám đốc nghiên cứu dự án Political Bots, ông Sam Woolley nhận xét luồng các thông điệp này sẽ tạo ra một "phông nền thông tin giả", có thể tác động lên tâm trạng của cư dân mạng và được tiếp nhận như “truyền thông thực”.
Kết quả là ngày càng khó nhận biết điều gì đang tác động lên sự chọn lựa của cử tri: ý kiến của những con người thật hay của công nghệ mới?
Trong cuộc tranh luận cuối cùng, bà Hillary đã kêu gọi cử tri Google các từ “Trump”và “Iraq”. Và họ đã làm thế. Google Trends đã chỉ ra con số tăng vọt những người dùng tìm kiếm hai từ này chỉ vài phút sau yêu cầu của bà Hillary! - Ảnh: The Atlantic |
Lá phiếu của… công nghệ
Tuần trước, nhà bình luận chính trị bảo thủ Scottie Nell Hughes đã tổng kết giá trị tương đối của các con số trong cuộc trò chuyện với Anderson Cooper. “Nơi duy nhất mà chúng ta nghe thấy Donald Trump thật sự thua là trên các phương tiện truyền thông và các cuộc thăm dò. Bạn không thấy nó trong đám đông biểu tình và trên các phương tiện truyền thông xã hội, nơi Donald Trump nổi tiếng hơn bà Hillary hai đến ba lần”, Scottie Nell Hughes chỉ rõ.
Ứng viên Donald Trump cũng đã lặp lại luận điệu này. Trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông đã tự giới thiệu con số 30 triệu người theo dõi trên Facebook và Twitter như dấu hiệu của sự nổi tiếng, trong khi đó, cuộc vận động của bà Clinton lại bị mắc kẹt bởi những cuộc thăm dò truyền thống khi tìm bằng chứng cho sự thành công của bà.
Theo dõi hoạt động của các bot trong mùa bầu cử này, các chuyên gia nhận định việc sử dụng rộng rãi các bot chương trình càng làm tăng sự phân cực trong các công dân. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dùng mạng xã hội có khuynh hướng chỉ liên hệ, tương tác với những người giống mình, một hiện tượng được các nhà khoa học xã hội gọi là homophily.
Trong quyển sách “Connected”, hai tác giả Nicholas Christakis và James Fowler cho rằng chính truyền thông xã hội đã hà hợi tiếp sức cho hiện tượng homophily, khi các công dân chỉ sử dụng những thông tin củng cố ý thức hệ của họ và những người cùng suy nghĩ với họ.
Người ủng hộ trẻ của ứng viên Trump tại sự kiện ở TP Minneapolis, bang Minnesota ngày 6-11 - Ảnh: Reuters |
Tờ The Atlantic cho rằng trong cuộc tranh luận cuối cùng, các ứng viên đã sẵn sàng lên án Nga gây ảnh hưởng tới bầu cử thông qua những cuộc tấn công trên không gian mạng, nhưng không ai trong số họ lên tiếng về việc hàng triệu bot đang thao túng dư luận xã hội nhân danh họ.
Nhóm chuyên viên của tờ báo này đã phát hiện cách thức hoạt động của các bot ủng hộ cả hai ứng viên: Một bot ủng hộ Trump @amrightnow có hơn 33.000 người theo dõi đã tạo ra 1.200 câu viết trên mạng chỉ trong cuộc tranh luận cuối. Bot cạnh tranh với nó, @loserDonldTrump sản xuất hơn 2.000 dòng tweet mỗi ngày.
Các bot này chỉ là "phần nổi của tảng băng", là một phần rất nhỏ trong số hàng triệu các chương trình phần mềm bị chính trị hóa để phục vụ việc thao túng tiến trình dân chủ ở hậu trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn