Cựu Phó Tổng thống "dễ mến"
Cuộc bầu cử Mỹ năm nay không phải là cuộc đối đầu thông thường giữa hai chính đảng có rất nhiều khác biệt. Đảng Dân chủ phải lựa chọn ứng cử viên của mình và ở thời điểm hiện tại, cuộc đua giành vị trí đề cử này thực sự vẫn còn quá nhiều biến động chưa thể nói trước. Nỗ lực lần thứ 3 của cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhằm giành vị trí đầu tiên dường như vẫn không tốt hơn 2 lần trước.
Ông Biden là một nhân vật được nhiều người yêu mến, song có thể sự dễ mến này lại chính là yếu tố cản trở ông trong các cuộc bầu cử tổng thống. Ông thiếu cái mà người ta vẫn gọi là “phong thái tổng thống”. Ông cũng thiếu một thông điệp cụ thể và dường như việc ông từng là phó của Tổng thống Barack Obama không hề khiến cử tri hiểu thêm về cách mà ông sẽ điều hành đất nước nếu đứng ở vị trí này.
Các thượng nghị sỹ "nhiều năng lượng"
Trong khi đó, ánh hào quang trong chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren dần phai nhạt là điều không có gì quá ngạc nhiên. Ban đầu, bà tuyên bố: “Tôi có một kế hoạch”. Bà hiểu rõ chính phủ và các hoạt động nội bộ, bà thu hút một lực lượng cử tri nồng nhiệt. Song bà Warren không hiểu được việc triển khai quá nhiều chương trình mới là điều bất khả thi. Một số đồng sự của bà tại Thượng viện, thậm chí là cả các đồng minh, đều thừa nhận bà Warren không phù hợp với vị trí là người lãnh đạo nước Mỹ và cá tính “luôn nghĩ là mình đúng” của bà Warren thực sự cũng không được lòng nhiều người.
Thượng nghị sỹ Bernie Sanders cũng là một "nạn nhân" của những hứa hẹn quá viển vông. Ông vẫn là ứng cử viên thu hút được nhiều nhất các cử tri trẻ tuổi, trong khi hầu hết các cử tri cao tuổi lại đang đặt dấu hỏi về việc ông sẽ làm thế nào và tìm nguồn tài chính ở đâu để hiện thực hóa các hứa hẹn của mình, chẳng hạn như miễn học phí bậc cao đẳng và miễn nợ học phí cho sinh viên.
Ông Sanders, tự nhận mình là “nhà xã hội dân chủ”, là nhân tố gây lo ngại khi sự đoàn kết và thống nhất được xem là yếu tố then chốt cần có nếu đảng Dân chủ muốn đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump. Sự cứng nhắc trong tư tưởng của ông Bernie Sanders là yếu tố chính hạn chế lực lượng ủng hộ ông, khiến ông khó lòng củng cố nền tảng cử tri của mình. Dù đã giành chiến thắng tại New Hampshire, bang giáp bang quê nhà Vermont, song số phiếu ông đạt được gần đây ít hơn 50% so với con số ông từng có vào năm 2016. Tất nhiên, ông Sanders vẫn là một ứng cử viên không thể xem thường.
Với sự hậu thuẫn của một tờ báo chính trị háo hức với những câu chuyện mới và màn tranh luận ấn tượng chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire, Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar đã về vị trí thứ 3 (tại Iowa là thứ 5). Tuy nhiên, các cuộc tranh luận là không đủ để xác định xem một ứng cử viên có khả năng phù hợp với vị trí tại Phòng Bầu dục hay không. Các cuộc tranh luận có thể thể hiện sự điềm đạm, thông minh hay tầm nhìn của ứng cử viên, nhưng không thể nói lên điều gì về khả năng kiềm chế, đánh giá, ham hiểu biết, đạo đức hay các kỹ năng ngoại giao của họ.
Sức bật của thượng nghị sỹ Klobuchar hiện đã làm lu mờ những câu chuyện về cách hành xử với các nhân viên không mấy dễ chịu của ứng cử viên này, yếu tố khiến bà khó thu hút hoặc giữ chân các cộng sự thân cận. Tuy nhiên, bà Klobuchar bị đánh giá là người thiếu tầm nhìn. Ứng cử viên này liên tục nhắc tới chiến thắng không mấy ấn tượng tại Minesota, nơi bà không gặp phải quá nhiều sự phản đối và nhấn mạnh xuất thân bình thường của mình (cha làm thợ mỏ), trong khi không hề đề cập hay tận dụng sự ủng hộ của các tập đoàn, như Cargill - doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại nước Mỹ.
Một thị trưởng phong cách
Ông Pete Buttigieg, 38 tuổi, là nhân vật gây nhiều ngạc nhiên, với các quan điểm sắc bén và sự điềm tĩnh hiếm có. Đối thủ của ông Buttigieg liên tục xoáy vào thực tế rằng, ông không có nhiều kinh nghiệm chính trị khi mới chỉ là thị trưởng một thành phố nhỏ như South Bend, bang Indiana.
Tuy nhiên, chính điều này lại là yếu tố giúp ông quen thuộc với các hoạt động và chương trình liên bang. Từng xung phong nhập ngũ và làm việc tại Afghanistan, ông Buttigieg trên thực tế lại là ứng cử viên đề cập nhiều nhất các vấn đề chính sách đối ngoại hơn hẳn các ứng cử viên khác (trừ ông Joe Biden).
Ông Pete Buttigieg cũng gây ấn tượng khi là một ứng cử viên đồng tính và đã kết hôn, là một người có khiếu hài hước và rất có thể sẽ làm nên chuyện theo cách tương tự cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, dù người ta có thể hình dung việc ông Buttigieg, với trí tuệ của mình, đủ sức khiến Tổng thống Trump lo ngại, vẫn chưa ai rõ liệu các cử tri trên toàn Mỹ có chấp nhận một ứng cử viên đồng tính như những gì các cử tri Dân chủ ủng hộ hay không.
Hay một "đại gia"
Khi Mike Bloomberg, thị trưởng thành phố New York 3 nhiệm kỳ, có tên trong các cuộc thăm dò dư luận. Bloomberg từng bị chỉ trích về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bởi chương trình mà ông từng triển khai khi đương nhiệm, cũng như thái độ thiếu thiện cảm với phái nữ trong các hoạt động kinh doanh, hay các phát biểu khó lọt tai trước đây.
Tuy nhiên, ứng cử viên này đã tận dụng lợi thế từ nguồn tài chính tự cấp để phục vụ chiến dịch tranh cử và xây dựng những liên minh quan trọng bằng việc tài trợ cho các ứng cử viên, cung cấp học bổng đào tạo cho thị trưởng các khu vực khác - hầu hết là các quan chức da màu - và các hoạt động thúc đẩy quyền lợi cho phụ nữ. Hơn thế nữa, kinh nghiệm quản trị cùng năng lực kiềm chế của ứng cử viên Bloomberg đã khiến ông trở thành một ứng cử viên khá thu hút đối với nhiều cử tri. Điều mà ông hướng đến là việc được nhìn nhận như một ứng cử viên có trang bị tốt nhất để đánh bại Tổng thống Trump, người dường như đang không khỏi bất an trước nguy cơ đối đầu một đối thủ giàu có hơn cả mình.
Còn đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nhân vật gây lo ngại tới mức nhiều cử tri sẵn lòng “mắt nhắm mắt mở” cho qua những gì mà bình thường họ không chấp nhận. Đó là bởi cuộc bầu cử 2020 diễn ra ngay ở thời điểm nền dân chủ Mỹ đang trong một cuộc khủng hoảng không hề đơn giản.
Theo Thu Hiền
Thế giới & Việt Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn