Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump được dự đoán sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử giữa kỳ đầy khó khăn (Ảnh: BBC)
Các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ diễn ra vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống và thường được xem là phép thử đối với sự điều hành của ông chủ Nhà Trắng. Cuộc bầu giữa kỳ năm nay diễn ra vào ngày 6/11.
Các cử tri sẽ bỏ phiếu chọn 35 thượng nghị sĩ, 36 thống đốc bang và toàn bộ 435 thành viên của Hạ viện, cũng như chàng chục quan chức lập pháp địa phương.
Cuộc bầu cử giữa kỳ gây chú ý bởi nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện từ phe Cộng hòa, họ có thể hạn chế đáng kể những điều mà Tổng thống Trump muốn làm trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.
Tại Hạ viện, các nhà phân tích dự đoán rằng hàng chục ghế có thể đổi chủ và phần lớn các ghế này hiện do đảng Cộng hòa nắm giữ.
Đảng Cộng hòa có lợi thế trong "cuộc chiến" tại Thượng viện vì chỉ có 9 ghế của họ sẽ được bầu lại, trong khi đảng Dân chủ sẽ bảo vệ 24 ghế của họ và 2 ghế độc lập.
Cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump
Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ thường được ví như một cuộc trưng cầu dân ý đối với tổng thống đương nhiệm. Trong lịch sử bầu cử tại Mỹ, kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ thường là tin xấu đối với đảng đang kiểm soát Nhà Trắng.
Trong 21 cuộc bầu cử giữa kỳ được tổ chức kể từ năm 1934, đảng của tổng thống đương nhiệm chỉ 3 lần giành quyền kiểm soát Hạ viện và 5 lần tại Thượng viện.
Tỷ lệ ủng hộ đối với tổng thống là một tín hiệu tốt cho thấy đảng của ông sẽ đạt kết quả như thế nào trong cuộc bầu cử. Hiện thời, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 40%.
Trước đó, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Obama là 45% trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010, và đảng Dân chủ khi đó đã chứng kiến một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Việc thăm dò bỏ phiếu, vốn thăm dò xem cử tri sẽ ủng hộ ai, không mang lại nhiều đảm bảo cho đảng Cộng hòa. Số liệu hiện thời cho thấy đảng Dân chủ đang dẫn trước khoảng 10% điểm, thế dẫn trước lớn nhất của đảng này kể từ đầu năm nay.
Trong số 435 ghế tại Hạ viện được bầu lại, đảng Dân chủ (màu xanh) đang chắc 182 ghế, trong khi đảng Cộng hòa (màu đỏ) chỉ chắc 150 ghế. Đảng nào giành được 218 ghế sẽ kiểm soát Hạ viện. (Đồ họa: BBC)
Có 35 ghế trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện Mỹ được bầu lại vào tháng 11 tới. Đảng Dân chủ cũng đang có ưu thế trong cuộc đua tại Thượng viện, với việc chắc thắng 14 ghế, trong khi đảng Cộng hòa chỉ chắc 3 ghế. Đảng nào giành được 51 ghế sẽ kiểm soát Thượng viện.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa về hưu
Tuổi trung bình của các nghị sĩ quốc hội là 60, vì vậy nhiều nghị sĩ về hưu không phải là chuyện bất ngờ. Nhưng số lượng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ về hưu thay vì tham gia trong cuộc bầu cử giữa kỳ tới năm nay rất đáng chú ý.
Hơn 30 nghị sĩ Cộng hòa đã thông báo quyết định về hưu, và thêm nhiều người khác từ chức, một số vấp phải các cáo buộc tấn công tình dục, một số nghỉ để theo đuổi các vị trí khác.
Một số người rời quốc hội đã viện dẫn mâu thuẫn phe phái cao và Tổng thống Trump là lý do để về hưu. Một người trong số họ cho biết với CNN: “Tôi cảm thấy tất cả những gì có thể làm là trả lời các câu hỏi về ông Donald Trump thay vì về chính sách thuế hay bảo hiểm y tế”.
Tin tốt lành cho đảng Dân chủ là các nghiên cứu cho thấy các ứng viên đương nhiệm có nhiều khả năng thắng so với các đối thủ của họ, một phần do tên tuổi và khả năng gây quỹ.
Số lượng kỷ lục các phụ nữ tranh cử
Đảng Dân chủ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số người ứng cử nhờ Tổng thống Trump và năm nay sẽ là lần đầu tiên họ có nhiều ứng viên tranh cử vào Hạ viện hơn đảng Cộng hòa kể từ năm 2008.
Khoảng 1.500 người đã tranh cử với tư cách là thành viên của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại Hạ viện, nhiều hơn 500 người so với cuộc bầu cử trước, và trong số đó có số lượng kỷ lục 350 phụ nữ.
Sự gia tăng mạnh về số lượng nữ ứng cử viên đã khiến một số người dự đoán rằng năm 2018 có thể một lần nữa trở thành “Năm của phụ nữ”, liên hệ tới cuộc bầu cử năm 1992 trong đó số lượng phụ nữ tại Quốc hội tăng gấp đôi.
Phụ nữ hiện chỉ chiếm 20% Quốc hội và thực trạng này là do từ lâu nữ giới không thích tranh cử. Nhưng thất bại bất ngờ của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 trước ông Trump, người bị cáo buộc quấy rối tình dục và từng đưa ra nhiều bình luận phân biệt giới tính, dường như đã trở thành khoảnh khắc “vùng lên” đối với các phụ nữ Mỹ.
Số lượng phụ nữ thuộc đảng Dân chủ tranh cử vào quốc hội Mỹ năm nay tăng vọt so với các năm trước đó (Đồ họa: BBC)
Đảng Dân chủ cần thu hút cử tri đi bỏ phiếu
Các cuộc bầu cử giữa kỳ thường không mang lại sự hứng khởi như cuộc bầu cử tổng thống, điều đó có nghĩa là số lượng cử tri Mỹ đi bầu thường rất thấp. Thông thường, khoảng 60% cử tri Mỹ đi bầu tổng thống, nhưng chỉ có 40% cử tri tham gia bầu cử giữa kỳ.
Vào năm 2014, tỷ lệ cử tri đi bầu trong bầu cử giữa chỉ là 35,9% - thấp nhất kể từ Thế chiến II, theo "Dự án các cuộc bầu cử Mỹ".
Tỷ lệ đi bầu thấp dường như đã mang lại lợi thế cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đó, vì những người bỏ phiếu đó thường là lớn tuổi và da trắng.
Đảng Dân chủ hi vọng rằng việc Tổng thống Trump không được lòng các cử tri trẻ, thiểu số, phụ nữ sẽ khuyến khích họ chú ý hơn tới cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, và sau đó tích cực đi bỏ phiếu.
Thất bại cho đảng Cộng hòa sẽ là "điềm gở" đối với ông Trump? Ông Trump thậm chí bị luận tội?
Chiến thắng lập pháp lớn nhất cho tới nay của Tổng thống Trump là luật cải tổ hệ thống thuế của Mỹ, nhưng ông chỉ có thể ký thành luật vì đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của quốc hội.
Nếu đảng Dân chủ kiểm soát một hoặc lưỡng viện quốc hội vào tháng 11 tới, họ có thể hạn chế những gì Tổng thống Trump có thể làm trong 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ.
Đảng Dân chủ có thể kiểm soát các ủy ban quan trọng của quốc hội, điều cho phép họ tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào vài vấn đề, trong đó có các thỏa thuận kinh tế của Tổng thống và các cáo buộc tấn công tình dục chống lại ông.
Mặc dù những lời kêu gọi luận tội Tổng thống nhiều khả năng sẽ gia tăng nếu đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, nó cũng có thể trở nên vô nghĩa trừ khi các thượng nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với tổng thống do cần có 2/3 thành viên Thượng viện ủng hộ mới có thể phế truất ông.
Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 2 tổng thống từng bị luận tội - Andrew Johnson và Bill Clinton, và cả hai đều "thoát nạn" sau một phiên tòa tại Thượng viện. Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi ông có thể bị luận tội vì vụ bê bối Watergate.
Đảng Dân chủ có thể có cơ hội tốt hơn nhằm lật đổ Tổng thống Trump bằng việc đánh bại ông trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp vào năm 2020.
Quy trình luận tội tổng thống
Hạ viện
Bất kỳ một thành viên nào của Hạ viện cũng có thể đề xuất một nghị quyết luận tội nếu họ nghi ngờ tổng thống phạm tội “phản quốc, hối lộ, hoặc các tội các danh nghiêm trọng khác”.
Hạ viện cân nhắc các cáo buộc. Nếu đa số (51%) nghị sĩ ủng hộ luận tội, tiến trình luận tội chuyển sang xét xử tại Thượng viện.
Thượng viện
Phiên tòa bắt đầu. Thẩm phán trưởng của Tòa án tối cao làm chủ tọa, trong khi các thành viên của Hạ viện đóng vai trò bên nguyên, và các thượng nghị sĩ đóng vai trò là hội thẩm đoàn. Tổng thống có thể chỉ định các luật sư bào chữa.
Cuối phiên tòa, Thượng viện phải bỏ phiếu. Nếu 2/3 nghị sĩ nhận thấy tổng thống có tội, ông sẽ bị phế truất. Phó tổng thống ngay lập tức lên nắm quyền thay ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn