Tổng thống đắc cử Donald Trump trả lời phỏng vấn trong chương trình Fox News Sunday tại tòa nhà Trump Tower ở New York ngày 10-12 - Ảnh: AP |
Theo báo New York Times, trong chương trình Fox News Sunday phát sóng ngày chủ nhật (11-12), ông Trump bày tỏ quan điểm cho rằng đã tới lúc Washington phải xem việc tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" như một yếu tố mang ra mặc cả trong các vấn đề gây xung đột của Trung Quốc như chuyện thao túng tiền tệ và các hoạt động bành trướng tại Biển Đông.
Ngay sau những tuyên bố này của ông Trump, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc phản ứng theo một cách thẳng thừng. Tờ báo này nói ông Trump "giống như đứa trẻ trong cách nhìn nhận về chính sách ngoại giao".
Tờ báo này cũng nói "Chính sách Một Trung Quốc không thể là thứ có thể mua hay bán. Dường như ông Trump chỉ hiểu chuyện làm ăn và tin rằng mọi thứ đều có giá của nó vậy".
Nhật báo New York Times hàng đầu của Mỹ chỉ ra 5 cách thức mà Bắc Kinh có thể sẽ hành động nếu chính quyền của ông Trump kiên quyết đeo đuổi quan điểm sẽ bàn tính lại việc chấp thuận chính sách "Một Trung Quốc".
1. Thương mại và đầu tư
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc nắm trong tay khá nhiều công cụ trong lĩnh vực này để có thể trả đũa ông Trump. Một mục tiêu rõ ràng nhất trước mắt là tập đoàn Boeing.
Năm 2016, Boeing dự kiến sẽ hoàn tất việc bàn giao hợp đồng trị giá 11 tỉ USD, hầu hết là dòng Boeing 737, để cung cấp cho thị trường hàng không dân dụng đang phát triển rất nhanh là Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo Trung Quốc sẽ rất dễ dàng chuyển các đơn hàng của mình sang cho đối thủ của Boeing là hãng Airbus tại châu Âu.
Giới quan chức thương mại Mỹ cũng lo ngại việc Trung Quốc sẽ tăng cường áp dụng các chính sách kỳ thị đối xử với các tập đoàn công nghệ Mỹ thông qua việc áp dụng những luật chống độc quyền của họ.
Năm ngoái Bắc Kinh đã tuyên phạt 975 triệu USD với tập đoàn điện tử Qualcomm có trụ sở tại San Diego với lý do "vi phạm về cấp phép".
Trung Quốc cũng có thể lệnh cho các tập đoàn nhà nước và kể cả tư nhân giảm bớt đầu tư vào Mỹ. Một nghiên cứu gần đây của tổ chức nghiên cứu Rhodium Group cho biết, kể từ năm 2015, lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt hơn lượng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
2. Vấn đề Triều Tiên
Trong chương trình Fox News Sunday, ông Trump nêu nhận định: "Nói thẳng ra thì họ (Trung Quốc) cũng chẳng đang giúp gì chúng ta trong vấn đề ứng phó với Triều Tiên".
Trung Quốc trên thực tế đã hợp tác với một số đề xuất của Mỹ trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc cũng đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ trong việc kiểm soát các nguồn thu ngoại tệ từ nước ngoài của Triều Tiên thông qua xuất khẩu than.
Nếu cần phải trả đũa chính quyền ông Trump, Trung Quốc hoàn toàn có thể chuyển từ vị thế một đồng minh miễn cưỡng của Triều Tiên trở lại thành một quốc gia lân bang thân tình, hữu nghị.
Chuyên gia phân tích John Delury tại Seoul (Hàn Quốc) cho rằng trong số các công cụ Bắc Kinh có thể ứng dụng sẽ gồm có tăng cường hỗ trợ, cải thiện hoạt động thương mại và đầu tư, củng cố thêm cho nền kinh tế của Triều Tiên.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, với tư cách là một đồng minh lâu năm, Trung Quốc cũng có thể tổ chức tập trận chung với Triều Tiên.
3. Biến đổi khí hậu
Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Barack Obama đã tiêu tốn khá nhiều "vốn liếng chính trị" để thuyết phục Trung Quốc ký kết vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định phớt lờ thỏa thuận này thì có thể ông Trump cũng không mấy quan tâm.
Đã có lúc ông Trump cáo buộc chuyện biến đổi khí hậu chỉ là "tin đồn" mà Trung Quốc phao ra nhằm làm tổn hại tới hoạt động thương mại của Mỹ, tất nhiên sau đó ông đã nói rằng ông chỉ đùa khi nói vậy.
4. Vấn đề Đài Loan
Nếu ông Trump ủng hộ Đài Loan, thừa nhận chủ quyền của vùng lãnh thổ này, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc rất có thể sẽ là trừng phạt Đài Loan chứ không phải Mỹ, bởi đó là cách để hạ bệ giá trị của Đài Loan đối với Washington.
Động thái này có thể sẽ bắt đầu với việc tăng cường các nỗ lực thuyết phục 22 quốc gia nhỏ có chủ quyền trên thế giới, trong đó có Vatican, hiện vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cắt đứt quan hệ với vùng lãnh thổ này và chỉ thừa nhận quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.
Tiếp đó Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục giáng thêm các cú đòn khác vào nền kinh tế Đài Loan thông qua việc hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào vùng lãnh thổ này và hạn chế số du khách Trung Quốc tới Đài Loan.
5. Vấn đề Iran
Trung Quốc cũng là một nước tham gia ký kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran với nhóm P5+1 năm 2015 nhằm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế với Iran và đổi lại việc Iran loại bỏ 98% vật liệu hạt nhân của nước này.
Hiện tại Trung Quốc vẫn có quyền tiếp cận không giới hạn với nền kinh tế của Iran. Thông qua Iran, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông, theo đó làm suy yếu vị thế của Mỹ tại khu vực này.
Tuy nhiên nếu thỏa thuật hạt nhân bị hủy bỏ hay đàm phán lại giống như yêu cầu của ông Trump, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Iran, tách bạch với Mỹ.
Khoảng 1/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran được chuyển tới Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, tình trạng này cũng sẽ không có gì thay đổi trong trường hợp ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Nguồn tin: http://tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn