Quy mô của nhà máy đóng tàu Jiangnan nhìn từ vệ tinh (Ảnh: CSIS)
Theo các bức ảnh vệ tinh được Viên Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Wahsington (Mỹ) công bố, cơ sở đóng tàu Jiangnan tại Thượng Hải, nằm ở cửa sông Trường Giang, mới khai trương vào năm 2008 nhưng đến năm nay đã mở rộng quy mô lên 64%.
"Nhà máy Jiangnan chịu trách nhiệm chế tạo một số tàu chiến tiên tiến nhất của Trung Quốc… Những tàu được chế tạo tại đây tạo thành một phần rất quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội", Matthew Funaiole, một chuyên gia của CSIS, nhận định.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy một chiến dịch tổng thể nhằm mở rộng và hiện đại hóa hải quân, với 32 tàu được biên chế chỉ trong 2 năm 2016 và 2017.
Hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng nhiệm vụ xây dựng một nền hải quân mạnh cho Trung Quốc "chưa bao giờ cấp bách như vậy", và cam kết đưa Hải quân Trung Quốc trở thành "lực lượng đẳng cấp thế giới".
Tại nhà máy đóng tàu Jiangnan, các bức ảnh vệ tinh mới nhất đã cho thấy một số tàu chiến mới nhất và tiên tiến nhất của Bắc Kinh đang được chế tạo, trong đó tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 - tàu chiến lớn nhất và cũng là uy lực, tinh vi nhất thế giới.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội và việc gia tăng chế tạo các tàu của Trung Quốc đối lập với Mỹ. Mặc dù Mỹ có lợi thế về chất lượng (chứ không phải số lượng), nhưng hạm đội của Mỹ đã đối mặt với nhiều tin xấu trong 2 năm qua.
"Các tàu được Trung Quốc biên chế ngày càng được thiết kế hiện đại… Hải quân Trung Quốc giờ đây lớn hơn hạm đội hiện thời của Mỹ", chuyên gia Funaiole cảnh báo.
Là một trong những nhà máy đóng tàu lâu năm nhất Trung Quốc, Jiangnan đã được di dời từ miền trung Thượng Hải tới hòn đảo hiện thời, ngay ở ngoại ô thành phố, bắt đầu năm năm 2005. Cơ sở này hoạt động lần đầu tiên văn 1865.
Khi được đo lần đầu vào năm 2011, nhà máy Jiangnan rộng 7km2. CSIS cho biết, giờ đây cơ sở này đã rộng 11,5km2. Khu vực thương mại của nhà máy không thay đổi trong 7 năm qua nhưng khu quân sự đã thay đổi rất lớn.
Trong năm 2018, CSIS đã quan sát được hoạt động đóng tàu đáng chú ý tại Jiangnan, trong đó có việc đóng tới 5 tàu khu trục Type 052D và ít nhất 2 tàu Type 055. "Type 055 lớn hơn và mạnh hơn các tàu khu trục của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc", nhà phân tích cấp cao Timothy Heath của hãng Rand Corp., cho biết.
Mỹ: Số lượng không bằng chất lượng
Các tàu hải quân Trung Quốc tại cơ sở nhìn từ trên cao (Ảnh: CSIS)
Điều đáng chú ý là không có dấu vết của tàu sân bay nội địa thứ 2 và 3 của Trung Quốc, bị đồn là đang được đóng tại cảng.
Trong khi Trung Quốc đẩy mạnh các khả năng hải quân, các báo cáo của chính phủ Mỹ bày tỏ hoài nghi về khả năng của hải quân Mỹ nhằm tăng cường hạm đội hoặc thậm chí duy trì hạm đội đang có.
Một báo cáo của Văn phòng Thẩm định trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) công bố ngày 12/12 cho thấy việc bảo dưỡng các tàu chiến của Mỹ thường xuyên bị chậm, chỉ 30% được hoàn thành đúng kế hoạch kể từ năm 2012, "dẫn tới các tàu có hàng nghìn ngày không sẵn sàng cho việc huấn luyện và hoạt động".
Và tồi tệ hơn, các số liệu cho thấy đối với các tàu khu trục, tàu viễn dương và tàu ngầm, năm qua là năm hoạt động kém nhất trong 7 năm được thống kê trong báo cáo.
Đối với việc chế tạo các tàu chiến, kế hoạch 30 năm của hải quân Mỹ là kêu gọi gia tăng hạm đội lên 355 tàu chiến vào năm 2048, tăng so với con số 285 hiện tại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dù Trung Quốc có hạm đội lớn hơn nhưng Mỹ vẫn có thể chế tạo các tàu lớn hơn và tốt hơn Trung Quốc.
"Nếu hải quân Mỹ tính tới số lượng của tàu thì họ có thể chế tạo nhiều tàu nhỏ hơn với cùng khoản ngân sách đó. Nhưng họ không làm vậy, họ chủ ý coi trọng quy mô, chất lượng và vũ khí của các tàu hơn và số lượng", các nhà phân tích Ian Livingston và Michael O'Hanlon viết trên blog của Viện Brookings hồi tháng 9.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn