Anh sẽ đưa máy bay tiêm kích đến Biển Đông

Thứ năm - 01/12/2016 22:41
Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch tiết lộ các máy bay chiến đấu Typhoon của Anh đang có mặt tại Nhật Bản sẽ sớm “lượn” trên không phận Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng không quốc tế.
Tiêm kích Typhoon của Anh (bên dưới) trong cuộc tập trận chung với tiêm kích F-15 (trên, bên trái) và F-2 (trên, bên phải) của Nhật Bản hồi tháng 10 vừa qua - Ảnh: Không quân hoàng gia Anh
Tiêm kích Typhoon của Anh (bên dưới) trong cuộc tập trận chung với tiêm kích F-15 (trên, bên trái) và F-2 (trên, bên phải) của Nhật Bản hồi tháng 10 vừa qua - Ảnh: Không quân hoàng gia Anh

Theo Reuters, phát biểu trong một sự kiện tham dự cùng Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ ở thủ đô Washington ngày 1-12, Đại sứ Darroch nhấn mạnh Anh chia sẻ cùng Mỹ các mục tiêu của chính quyền Washington, trong đó bao gồm “bảo vệ tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển, đường hàng không luôn được thông suốt”.

“Chắc chắn khi chúng tôi đưa 2 tàu sân bay mới vào hoạt động trong năm 2020, khi chúng tôi cải tiến và tăng cường lực lượng, chúng sẽ được nhìn thấy ở Thái Bình Dương”, đại sứ Darroch cam kết.

Đại sứ Anh tỏ ra quyết tâm khi khẳng định, cho dù khả năng phòng thủ của Anh trong tương lai nên được hướng về khu vực Trung Đông, London “sẽ cố gắng có vai trò ở Thái Bình Dương”.

Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Kenichiro Sasae hoan nghênh sự tham gia nhiều hơn nữa của Anh trong các vấn đề an ninh ở châu Á và tiết lộ Mỹ, Anh, Nhật Bản hồi tháng 10 đã bàn về chuyện thúc đẩy hơn nữa hợp tác hải quân giữa ba nước tại Lầu Năm Góc.

Ít nhất 4 tiêm kích Typhoon của Anh đã đến Nhật Bản hồi tháng 10 để tham gia tập trận chung với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ trên biển tại khu vực Đông Á ngày càng căng thẳng.

Tuy nhiên ông Darroch không nói rõ thời gian cụ thể của sự hiện diện của máy bay tiêm kích Anh ở Biển Đông.

Đề cập tới việc chia sẻ gánh nặng chi phí giữa các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Đại sứ Darroch cho rằng những chỉ trích của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump là “công bằng” khi chỉ có 5 nước chịu chi tiền cho các hoạt động của NATO.

Tổng thống đắc cử Trump trước đó đã chỉ trích các đồng minh châu Âu trong NATO và tuyên bố Nhật Bản, Hàn Quốc phải chi thêm tiền cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này.

Mặc dù vậy, theo Reuters, trước các động thái ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, ông Trump tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh” ở Thái Bình Dương.

Các cố vấn của Tổng thống đắc cử tiết lộ nhiều khả năng ông Trump sẽ chọn cách tiếp cận “mạnh mẽ” bằng hải quân để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông - một trong những tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới.

Hai tàu sân bay mà Đại sứ Anh nhắc tới là HMS Prince of Wales và HMS Queen Elizabeth. Với lượng giãn nước đầy tải gần 70.000 tấn và khả năng mang tới 40 máy bay chiến đấu các loại, các tàu sân bay thuộc lớp Queen Elizabeth là những tàu chiến lớn nhất trong giai đoạn hiện tại của Hải quân hoàng gia Anh và chỉ đứng sau các tàu sân bay thuộc lớp Ford, Nimitz của Mỹ.

Át chủ bài trên các tàu sân bay tương lai của Hải quân Anh sẽ là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do Mỹ chế tạo. Các tiêm kích Typhoon được Đại sứ Darroch nhắc đến thuộc thế hệ thứ 4 và là tinh hoa hợp tác của nền công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Không quân hoàng gia Anh có hơn 130 tiêm kích loại này trong biên chế tính đến năm 2013 và đang đặt mua thêm.

Nguồn tin: http://tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây