Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin cho hay thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ sẽ cho phép New Delhi trả khoản tiền đầu tiên cho thương vụ 2 tàu chiến mua của Nga bằng tiền nội tệ của 2 nước.
Các hợp đồng quốc phòng giữa 2 nước dường như sau đó sẽ được chi trả bằng đồng rúp Nga hoặc rupee Ấn Độ thông qua một thỏa thuận mà ngân hàng trung ương của 2 nước đã thông qua.
Với phương thức thanh toán mới, hai bên sẽ không còn phụ thuộc vào đồng USD khi thực hiện thanh toán hợp đồng vũ khí.
Nga đã phải đối diện với hàng loạt thách thức nhằm duy trì việc bán vũ khí cho đối tác quốc phòng chiến lược, một phần vì đạo luật của Mỹ cảnh báo rằng bất cứ nước nào mua vũ khí Nga sẽ có thể bị trừng phạt.
Từ năm 2014-2018, Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, đã bị sụt giảm 17% doanh thu từ hợp đồng vũ khí nước ngoài, theo viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển).
Mỹ đã và đang gây áp lực buộc Ấn Độ phải hủy bỏ thương vụ mua S-400 của Nga trị giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, động thái này hiện vẫn chưa thành công.
Tháng trước, cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Nga đã khẳng định họ sẽ bàn giao S-400 cho Ấn Độ sau năm 2020 và sau khi “các vấn đề liên quan tới thanh toán được giải quyết xong”.
Ngoài S-400, Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận về hợp tác sản xuất trực thăng Kamov Ka-226T trị giá 1 tỷ USD, 4 tàu chiến hải quân, 750.000 khẩu súng Kalashnikov AK-203.
Cách đây một tháng, ngân hàng VTB của Nga đã bác bỏ thông tin từ truyền thông Ấn Độ rằng New Delhi sẽ thanh toán bằng đồng Euro cho các thương vụ vũ khí. “Mọi thứ đã rõ ràng từ đầu rằng việc trả tiền bằng Euro không có tác dụng vì hệ thống tài chính toàn cầu phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ”, chuyên gia Ruslan Pukhov từ trung tâm nghiên cứu chiến lược và công nghệ (Nga) nhận xét.
“Nga có thể đang cố gắng thực hiện lại cách mà họ đã sử dụng trong thời Liên Xô bằng cách thanh toán bằng rúp và rupee”, ông Pukhov nói.
Cuối năm 2017, Mỹ đã trừng phạt cơ quan phụ trách xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport. Sau đó, ngân hàng quốc gia Ấn Độ được cho đã dừng thanh toán cho Nga các hợp đồng vũ khí vì quan ngại có thể bị trừng phạt bởi Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận CAATSA, nhằm ngăn các quốc gia thực hiện các hợp đồng vũ khí lớn với Nga. Chính vì vậy, việc mua vũ khí qua đồng nội tệ 2 nước được cho là có thể tránh rủi ro.
Tuy nhiên, chuyên gia Scott Jones tới từ công ty tư vấn Mỹ TradeSecure nhận định rằng việc mua vũ khí từ Rosoboronexport đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nên việc trả bằng đồng tiền nào cũng khó lòng thay đổi quy mô của lệnh trừng phạt.
Đức Hoàng
Theo Straits Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn