Bằng bộ lọc hồng ngoại, nhiếp ảnh gia Vladimir Migutin đã ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng tới mức ám ảnh tại Vùng Cấm ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Pripyat, Ukraine sau hơn 30 năm xảy ra thảm họa. Trong ảnh: Một con đường với biển tên của những ngôi làng “ma” - nơi người dân được sơ tán tới các vùng đất an toàn khác.
Vào ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bất ngờ phát nổ, phát tán một lượng lớn phóng xạ từ nhà máy ra các khu vực xung quanh. Trong ảnh: Thiết bị đo phóng xạ vẫn cho thấy mức độ phóng xạ cao ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Phần lớn khu vực rộng 30 km2 xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hiện vẫn không có người ở, ngoại trừ 300 người từ chối rời đi. Tuy nhiên, khách du lịch và những khách vãng lai vẫn có thể tới đây để tham quan sau khi chính phủ Ukraine mở cửa các khu vực xung quanh nhà máy từ năm 2011. Trong ảnh: Một căn nhà bên trong ngôi làng bỏ hoang ở Chernobyl.
Sau khi xảy ra sự cố nổ lò phản ứng hạt nhân, chính phủ Liên Xô đã sơ tán khoảng 115.000 người dân khỏi những khu vực bị nhiễm phóng xa nặng nề nhất trong năm 1986 và khoảng 220.000 người khác trong những năm sau đó. Trong ảnh: Lò phản ứng ở Pripyat.
Ảnh hưởng của chất phóng xạ sau thảm họa Chernobyl đã khiến 28 công nhân làm việc tại nhà máy tử vong trong 4 tháng. Ngoài ra, khoảng 200.000 nhân viên vệ sinh đã bị nhiễm phóng xạ trong khoảng thời gian từ năm 1986-1987. Trong ảnh: Hệ thống radar Liên Xô có tên gọi "Duga" được sử dụng như một phần của mạng lưới cảnh báo sớm các loại tên lửa đạn đạo tại Chernobyl.
Thảm họa Chernobyl biến Pripyat thành một thành phố vắng vẻ, thậm chí hoang tàn vì không có hoạt động của con người. Trong ảnh: Dụng cụ y tế đổ vỡ bên trong bệnh viện Pripyat.
Các chuyên gia hạt nhân nhận định phải rất lâu nước mức độ phóng xạ tại khu vực xung quanh nhà máy Chernobyl mới có thể quay về mức bình thường và đảm bảo an toàn cho cuộc sống của con người. Trong ảnh: Khung cảnh lạnh lẽo tại công viên giải trí Pripyat.
Những món đồ chơi tại nhà trẻ ở Pripyat khiến nhiều người liên tưởng tới những thước phim kinh dị. Bất chấp cảnh báo về mức độ nguy hiểm, nhiều người dân vẫn quyết định quay trở lại sinh sống tại nơi từng là quê hương của họ.
Hàng nghìn ca mắc bệnh ung thư đã được ghi nhận sau vụ nổ Chernobyl. Ước tính di chứng của thảm họa hạt nhân này sẽ còn kéo dài tới nhiều thế hệ sau này. Trong ảnh: Những chiếc ô tô đồ chơi bị biến dạng tại công viên giải trí ở Pripyat.
Mặc dù không có nhiều người ở nhưng nhiều loài động vật vẫn sinh sôi phát triển ở khu vực xung quanh nhà máy Chernobyl. Khách du lịch có thể dễ dàng nhìn thấy những con thú hoang đi lại tự do ở đây.
Belarus, Nga và Ukraine là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thảm họa Chernobyl. Hiện vẫn chưa thể thống kê hết những thiệt hại cả về vật chất lẫn sức khỏe đối với người dân sau thảm họa này. Trong ảnh: Bên trong phòng kiểm soát hệ thống radar “Duga” từ thời Liên Xô.
Hiện các chuyên gia hạt nhân vẫn đang làm nhiệm vụ dọn dẹp hiện trường và giải quyết hậu quả sau thảm họa Chernobyl. Trong ảnh: Xe điện trở thành đống sắt vụn vô giá trị tại Pripyat.
Chernobyl được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới và là lời cảnh báo về mặt trái của công nghệ hạt nhân. Trong ảnh: Căn phòng đổ nát này từng là phòng tập thể thao ở Pripyat trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Đàn piano còn sót lại bên trong nhà hát ở Pripyat.