Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 đã bắt đầu mở dịch quân sự chống lại các tay súng người Kurd ở đông bắc Syria, với các cuộc không kích nhằm vào thị trấn biên giới Ras al Ain.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, chiến dịch "nhằm ngăn chặn việc lập hành lang khủng bố dọc biên giới phía nam, đem lại hòa bình cho khu vực". Ankara muốn thiết lập một "vùng an toàn" không có sự hiện diện của các tay súng người Kurd để đưa những người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực này.
Chiến dịch của Ankara có thể vẽ lại bản đồ cuộc xung đột tại Syria một lần nữa, tác động mạnh vào các lực lượng do người Kurd đứng đầu - mà Ankara vốn không ưa lâu nay - trong khi cũng mở rộng sự kiểm soát lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới.
Đây là chiến dịch thứ 3 như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2016. Với động cơ chủ yếu là ngăn chặn người Kurd tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì quân trên một vòng cung ở tây bắc Syria, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy chống chính phủ Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì từ chiến dịch này?
Thổ Nhĩ Kỳ có 2 mục đích chính ở đông bắc Syria: Quét sạch lực lượng dân quân YPG người Kurd, mà Ankara xem là một mối đe dọa an ninh, khỏi biên giới; và thiết lập một vùng an toàn bên trong Syria, nơi 2 triệu người Syria hiện đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể định cư.
Ankara đã hối thúc Mỹ cùng thiết lập một vùng an toàn sâu 32km vào lãnh thổ Syria, nhưng cũng nhiều lần cảnh báo rằng sẽ có hành động quân sự đơn phương sau khi cáo cuộc Washington quá chậm trễ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gần đây đã nói về việc tiến sâu hơn nữa vào Syria, ngoài vùng “an toàn” được đề xuất, tới các thành phố Raqqa và Deir al-Zor, để cho phép thêm nhiều người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về Syria.
Người Kurd sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu từ lâu đã mở rộng sự kiểm soát ở phía bắc và đông Syria, với sự trợ giúp của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại phiến quân IS. Người Kurd và các đồng minh đã thiết lập các cơ chế quản lý riêng trong khi luôn khẳng định mục đích của họ là tự trị, chứ không phải độc lập. Tất cả những điều này sẽ mâu thuẫn với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Hội đồng Dân chủ Syria liên minh với SDF đã cảnh báo, một cuộc tấn công có thể gây ra làn sóng dân tị nạn mới. Đối với liên minh SDF, trong đó lực lượng dân quân YPG người Kurd tại Syria là lực lượng chủ đạo, phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có tiếp tục duy trì lực lượng tại các khu vực ở đông và đông bắc Syria hay không.
Việc Mỹ rút toàn bộ quân có thể dẫn tới nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu hơn vào khu vực, IS hồi sinh hoặc lực lượng chính phủ được Nga và Iran hậu thuẫn có thể giành lợi thế. Đối mặt với viễn cảnh Mỹ rút quân hồi năm ngoái, người Kurd đã thúc đẩy một lộ trình với Damascus nhằm đàm phán để cho phép chính phủ Syria và đồng minh Nga triển khai quân ở biên giới. Các cuộc đàm phán chưa đạt được tiến triển, nhưng các cuộc đàm phán như vậy có thể là một phương án trong trường hợp Mỹ rút phần lớn quân.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể đi bao xa?
Khu vực biên giới đông bắc Syria, hiện do các lực lượng người Kurd dẫn đầu kiểm soát, trải dài 480km từ sông Euphrates ở phía tây biên giới Iraq tới phía đông. Mục tiêu trước mắt trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ dường như là quanh một khu vực biên giới giữa các thị trấn Ras al Ain và Tel Abyad, cách nhau khoảng 100 km. Một quan chức Mỹ xác nhận các lực lượng Mỹ đã rút khỏi các chốt quan sát ở đây.
Ngoài các cuộc không kích nhằm vào thị trấn Ras al Ain ngày 9/10, một nhân chứng tại Tel đi Abyad cho hay âm thanh của các vụ nổ đã làm rung chuyển khu vực này và người dân hốt hoảng sơ tán. Mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng do người Kurd dẫn đầu, khu vực biên giới đó trước đó sự hiện diện đông đảo của người Ả-rập. “Đó là một khu vực nơi dân cư là người Ả rập và nơi Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với các nhóm hàng đầu”, Ozgur Unluhisarcikli, từ Quỹ Marshall Đức, cho hay. “Nếu YPG muốn chiếm giữ phần lãnh thổ đó, họ sẽ đổ nhiều máu”.
Nga và Iran có ủng hộ động thái của Thổ Nhĩ Kỳ?
Nga và Iran, 2 nước quan trọng khác tại Syria, vốn ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều kêu gọi ông Assad từ chức và hỗ trợ các lực lượng nổi dậy chiến đấu nằm lật đổ ông. Moscow nói Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ mình, nhưng phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov hôm 7/10 phát biểu rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được tôn trọng và rằng tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện trái phép nên rời Syria.
Nếu Mỹ rút toàn bộ các lực lượng khỏi đông bắc Syria, chính phủ Syria - với sự hỗ trợ của Nga - có thể cố gắng giành lại quyền kiểm soát phần lớn khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể.
Phương Tây phản ứng ra sao về kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ?
Các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ công khai kế hoạch nhằm đưa 2 triệu người tị nạn Syria trở lại đông bắc Syria. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ miêu tả kế hoạch là “ý tưởng có thể là điên rồ nhất mà tôi từng nghe”.
Lo ngại chính của phương Tây là việc người Syria Ả-rập dòng Sunni ồ ạt vào khu vực đông bắc Syria chủ yếu do người Kurd kiểm soát có thể thay đổi nhân khẩu học trong khu vực. Điều phối viên khu vực của Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng Syria cho rằng tất cả các bên nên tránh các cuộc sơ tán lớn của dân thường nếu Thổ Nhĩ Kỳ phát động tấn công.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tác động gì tới Tổng thống Syria?
Mặc dù phần lãnh thổ ở đông bắc Syria đã nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Syria nhưng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc khu vực có thể chuyển từ việc nằm dưới sự kiểm soát của một lực lượng không thù địch - SDF - sang Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy vốn tìm cách lật đổ ông Assad. Damascus từ lâu xem Thổ Nhĩ Kỳ là một nước chiếm đóng với các ý đồ ở bắc Syria. Damascus cũng có lần tỏ ý sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận với người Kurd mặc dù các cuộc đàm phán gần đây nhất không đi đến đâu.
Số phận của phiến quân IS?
Sự hỗn loạn có thể khiến phiến quân IS có cơ hội hồi sinh. SDF đã tiến hành các hoạt động chống lại các nhánh chìm của IS kể từ giành được thành trì cuối cùng của nhóm này hồi đầu năm nay. Các thủ lĩnh người Kurd tại Syria từ lâu đã cảnh báo rằng SDF có thể không tiếp tục giam giữ các tù nhân IS nếu tình hình trở nên xấu đi do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. SDF hiện đang giam giữ khoảng 5.000 tay súng IS quốc tịch Syria và Iraq và khoảng 1.000 tay súng nước ngoài từ hơn 55 quốc gia.
An Bình
Ảnh: Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn