Tên lửa Triều Tiên trong cuộc duyệt binh quy mô lớn
Các xe tăng của Triều Tiên trong cuộc duyệt binh sáng ngày 15/4 (Ảnh: AP)
Mặc dù chính quyền Mỹ đã ngụ ý rằng giải pháp quân sự là một trong những phương án đang được xem xét, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không phải là Syria, bởi hành động quân sự chống lại quốc gia Đông Bắc Á gây ra những rủi ro lớn hơn nhiều, Thời báo Hoa nam Buổi sáng nhận định.
1. Vì sao Mỹ không thể tấn công Triều Tiên như đã làm với Syria?
Bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh. Chiến sự đã ngừng vào ngày 27/7/1953 theo một thỏa thuận ngừng bắn. Nếu Mỹ khởi động một cuộc tấn công, nước này sẽ vi phạm hiệp ước được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
2. Đâu là khác biệt quan trọng nhất giữa Triều Tiên và Syria?
Mặc dù Syria được tin là theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân nhưng các khả năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và khẳng định đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân, mặc dù các tuyên bố như vậy chưa được kiểm chứng độc lập. Bình Nhưỡng cũng gặp phải hàng loạt thất bại trong khi phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan hồi năm ngoái.
Mặc dù vậy, các chuyên gia quân sự tin rằng Triều Tiên đã học được những bài học từ các thất bại đó và thậm chí vẫn có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ trong vòng 4 năm tới, khi ông Donald Trump vẫn đang tại vị.
3. Vì sao Trung Quốc sẽ bảo vệ Triều Tiên nếu nước này bị Mỹ tấn công?
Trung Quốc là đồng minh của Triều Tiên. Vào năm 1961, hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác hữu nghị và hỗ trợ song phương Trung-Triều, trong đó cả hai bên cam kết trợ giúp tức thì quân sự và các trợ giúp khác trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ bên ngoài. Thỏa thuận được gia hạn 2 lần và có hiệu lực tới năm 2021.
4. Vì sao Trung Quốc muốn một giải pháp hòa bình và phản đối giải pháp quân sự mà Mỹ cân nhắc?
Trung Quốc lo ngại rằng người Triều Tiên có thể ồ ạt đổ sang các tỉnh biên giới với Trung Quốc nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Từ quan điểm địa chính trị, Bắc Kinh coi Triều Tiên là một vùng đệm để chống lại sự tiếp cận tiềm tàng của các cường quốc liên minh với Mỹ, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc.
5. Ngoài Trung Quốc, những nước nào cũng phản đối tấn công quân sự Triều Tiên?
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều thiên về giải pháp phi quân sự. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới với Triều Tiên 40km và đặc biệt có nguy cơ bị nguy hiểm nếu Triều Tiên bị tấn công.
Ông Sam Gardiner, một Đại tá không quân Mỹ về hưu, từng được tạp chí The Atlantic dẫn lời rằng Mỹ “không thể bảo vệ Seoul, ít nhất là trong 24 giờ đầu xảy ra một cuộc chiến tranh, và có thể là trong 48 giờ đầu”. Thậm chí cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng tranh luận gay gắt về khả năng ném bom lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên vào năm 1994, khi các quan chức quân đội thuyết phục ông rằng cường độ chiến đấu với Triều Tiên “có thể lớn hơn bất kỳ cuộc chiến nào mà thế giới từng chứng kiến kể từ cuối Chiến tranh Triều Tiên”.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn