Pion và Malka
Pháo tự hành Pion, được NATO gọi là M-1975, là hệ thống được Liên Xô phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 1970 và 1980 cả Liên Xô và Mỹ đều tìm kiếm loại vũ khí hạt nhân chiến lược năng suất thấp có thể sử dụng để tấn công số lượng lớn quân địch ở khoảng cách gần.
Pháo tự hành 2S7 Pion 203mm và phiên bản cải tiến sau này có tên là 2S7M Malka chính là câu trả lời cho điều Liên Xô tìm kiếm. Ngoài khả năng bắn đạn hạt nhân, Malka cũng có thể bắn các loại đạn phi hạt nhân với sức công phá lớn như loại đạn nổ cháy mạnh ZFO35 110kg với tầm bắn 50km do Nga "đo ni đóng giày" cho Pion và Malka. Pháo 2S7 Pion gần giống pháo chính trên các tàu chiến thời Thế chiến 2.
Tuy nhiên, chuyên gia Kotz cho rằng khả năng công phá và phạm vi tấn công của Pion và Malka dù có nhiều lợi thế nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm. Đầu tiên là sự thiếu linh hoạt của 2 hệ thống pháo này trong tầm bắn trung bình và xa. Chưa kể, hộp chứa đạn tiêu chuẩn của chúng khá nhỏ khi Pion chỉ bắn được 4 lượt và Malka là 8 lượt. Hiện có khoảng 300 pháo tự hành Pion và Malka vẫn đang ở trong kho vũ khí của Lực lượng vũ trang Nga.
Tyulpan
Sức mạnh cối tự hành Tyulpan trong quân đội Nga
Cối tự 2S4 Tyulpan đã chính thức vào biên chế quân đội Nga những năm 1970, nhưng với sức mạnh của nó, Nga vẫn đang duy trì một số hệ thống Tyulpan trong lực lượng vũ trang.
Chìa khóa làm nên sức mạnh của Tyulpan là nó có thể bắn được nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn cối đặc biệt cỡ nòng 240 mm, đạn nổ định tầm, nổ phá mạnh, đạn chùm và đạn tự dẫn… Thời Liên Xô cũ, Tyulpan thậm chí có thể bắn được đạn mang đầu nổ hạt nhân có sức công phá đến 2 kiloton. Nhờ quỹ đạo đạn bắn cầu vồng, cối 2S4 Tyulpan có thể tiêu diệt các mục tiêu bị che khuất, nằm sâu trong các tuyến phòng thủ
Nó có tính cơ động cao và có thể khai hỏa hiệu quả trong nhiều tình huống tham chiến ở các khu vực địa hình khác nhau, trong đó nổi bật là tính linh hoạt trong việc tiêu diệt kẻ địch ở những nơi hẻm núi, hang động thậm chí các pháo đài.
Vena
Vena 2S31120mm là pháo tự hành mới nhất góp mặt trong biên chế quân đội Nga vào năm 2010. Theo chuyên gia Kotz, Vena được phát triển sau cuộc chiến tranh Afghanistan dựa trên khung gầm của xe thiết giáp BMP-3 APC. Tại thời điểm đó, hệ thống pháo tự hành S29 Nona tỏ ra cực kỳ uy lực với trang bị nhẹ và tính cơ động cao. Dựa trên cơ sở cối Nona, Quân đội Nga đã phát triển thế hệ pháo tự hành mới 2S31 Vena với ưu điểm là tốc độ bắn cao và khả năng tự hành tốt trên mọi địa hình.
Vena có tính tự động cao. Nó được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép nhận và gửi dữ liệu tấn công. Thông tin được hiển thị trên màn hình điều khiển của người chỉ huy. Máy tính được trang bị trên Vena có khả năng lưu trữ cùng lúc 30 mục tiêu. Lúc này người chỉ huy chỉ việc lựa chọn mục tiêu và hệ thống sẽ tự động lựa chọn loại súng. Trong trường hợp có mục tiêu mới, Vena có thể khai hỏa 20 giây ngay sau khi nhân được thông tin.
Hệ thống pháo và súng tích hợp cho phép Vena có thể bắn bất cứ loại đạn nào kích cỡ 120mm, bất kể loại đạn đó xuất xứ từ quốc gia nào. Điều này khiến Vena rất được ưa chuộng trên thị trường vũ khí quốc tế.
Smerch
Pháo phản lực BM-30 Smerch của Nga
Pháo phản lực BM-30 Smerch (hay còn gọi là "Cơn lốc") được Kotz mô tả là hệ thống hỏa lực mạnh mẽ nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Lần đầu ra mắt vào năm 1987, Smerch có khả năng dội vào quân địch cơn mưa hỏa lực với 12 đầu đạn 300-mm 250kg .
Một xe phóng của tổ hợp pháo Smerch có khả năng quét sạch mọi vật trên khoảng diện tích 70 ha và với phạm vi tấn công từ 20km tới 90km. Theo các chuyên gia, nếu 6 xe phóng cùng đồng loạt nã đạn vào đối thủ thì sức công phá của tổ hợp này có thể ngang bằng với một vụ nổ hạt nhân chiến thuật.
Hiện tại, phiên bản gốc Smerch đã được cải tiến thành phiên bản mới Smerch-S, loại vũ khí có thể tạo ra khoảng hủy diệt thậm chí còn lớn hơn và chính xác hơn.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn