Cái chết bí ẩn
Dù al-Zawahiri đã chết nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ: ví dụ, có rất nhiều nơi ở Afghanistan để Taliban có thể che giấu al-Zawahiri và gia đình, tại sao họ lại đưa ông ta đến Kabul, một đô thị đông đúc, nơi Mỹ có rất nhiều tai mắt và tầm ảnh hưởng? Có vẻ đó như là một bước đi quá mạo hiểm đối với một người mà cái đầu của ông ta được treo thưởng tới 25 triệu USD.
Làm thế nào để al-Zawahiri đến được khu nhà này ở Kabul, và trước đó ông ta đã ở đâu? Ai đã giúp ông ta? Những nhân vật nào của Taliban biết ông ta ở đó? Làm thế nào mà Mỹ tìm thấy ông ta? Và còn những ai khác mà Taliban đang chứa chấp? Trong thời gian tới có thể có một vài bí mật được “bật mí”, nhưng nhiều khả năng là chúng ta sẽ không bao giờ có được những câu trả lời xác thực cho những vấn đề này.
Cái chết của Al-Zawahiri vô cùng quan trọng vì ba lý do. Đầu tiên, al-Zawahiri là một trong số ít những nhân vật thuộc thế hệ đầu tiên của al-Qaeda, là một phần tử của nhóm khủng bố ngày 11-9 hiện vẫn còn sống và còn hoạt động trong phong trào này.
Thứ hai, tiêu diệt được al-Zawahiri là một chiến thắng quan trọng mang tính biểu tượng cho Mỹ và công cuộc chống khủng bố. Nước Mỹ đã mất gần 21 năm kể từ sau vụ 11-9 để tìm và tiêu diệt al-Zawahiri, và dù trải qua nhiều thăng trầm, cuối cùng họ cũng đạt được mục tiêu đó.
Thứ ba, việc al-Zawahiri chết sẽ là bước ngoặt lớn đối với al-Qaeda với tư cách là một tổ chức toàn cầu, vì nhóm này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân sẽ được chỉ định để kế nhiệm và vào cái cách mà người đó xác định yếu tố trung tâm trong giai đoạn tiếp theo của al-Qaeda là gì.
Một bước ngoặt quyết định với al-Qaeda
Cái chết của Al-Zawahiri còn có ý nghĩa đặc biệt đối với tương lai của phong trào thánh chiến toàn cầu vì không chỉ al-Qaeda mới chịu tổn thất lớn trong năm nay mà cả đối thủ cạnh tranh của nó là Nhà nước Hồi giáo cũng vậy. Vào tháng 2-2022, lực lượng Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi (còn được gọi là Hajji Abdullah) trong một cuộc đột kích ở Syria. Sau đó, vào tháng 7, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo ở Syria, Maher al-Agal, một trong năm thủ lĩnh chính của nhóm, người “chịu trách nhiệm phát triển các mạng lưới của Nhà nước Hồi giáo bên ngoài Iraq và Syria” cũng đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Hai chiến dịch lớn này diễn ra ngay sau vụ ám sát cựu thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi tại Syria vào tháng 10-2019.
Từ năm 2013 đã xảy ra tình trạng thù nghịch, cạnh tranh và xung đột bùng nổ ở nhiều nơi giữa hai nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda. Hai nhóm khủng bố này và các thành viên trong mạng lưới của chúng theo đuổi các trường phái hoàn toàn khác biệt về quy trình, phương pháp, các vấn đề ưu tiên và các điều khoản cấm đoán hay các mối ràng buộc.
Trong thế giới các nhóm Hồi giáo thánh chiến, Al-Zawahiri của al-Qaeda đại diện cho một hệ tư tưởng với nhiều sự kiềm chế và gần gũi với các truyền thống cổ xưa. Nhà nước Hồi giáo thì hoàn toàn trái lại, họ có những cách tiếp cận cực đoan nghiêng về bạo lực và khủng bố đẫm máu (điều được thấy rõ thông qua những video hành quyết ghê rợn mà IS đã tung ra), Nhà nước Hồi giáo cũng chú trọng tới việc chiếm lĩnh và quản trị các lãnh thổ vật chất, cái mà al-Qaeda dường như không quan tâm. Trong nhiều năm qua Al-Zawahiri luôn nằm ở vị trí trung tâm trong các cuộc xung đột giữa hai nhóm khủng bố và Nhà nước Hồi giáo thực sự căm ghét ông ta.
Sau chết của al-Zawahiri bên phía al-Qaeda và những cái chết gần đây của Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi và Abu Bakr al-Baghdadi của Nhà nước Hồi giáo, cả hai nhóm đang cố gắng sửa chữa vá víu các điểm sơ hở quan trọng của tổ chức mình. Tình hình hiện tại cho thấy có khả năng rằng hai phe chủ chốt của phong trào thánh chiến toàn cầu: al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo, sẽ giảm bớt đối kháng và đi tìm những điểm tương đồng. Một sự hòa giải toàn diện là khó có thể xảy ra, ít nhất là không phải trong tương lai gần, nhưng trong những tháng tới rất có thể sẽ có sự thay đổi về cách thức tương tác (cứng hoặc mềm; công khai hoặc bí mật) giữa hai nhóm này.
Một kịch bản khác là Nhà nước Hồi giáo sẽ tận dụng cơ hội khi mà al-Qaeda đang bắt đầu quá trình chuyển đổi, việc tận dụng cơ hội không phải để hàn gắn mối quan hệ và tìm ra các điểm chung, mà để nỗ lực thâu tóm nhóm này hoặc để biến nó, ít nhất là trong đánh giá của Nhà nước Hồi giáo, thành một nhóm ít quan trọng đến mức không cần quan tâm nữa.
Để nắm bắt được đâu là kịch bản sẽ xảy ra trên thực tế, ba dấu hiệu sau đây cần được chú ý tới: Thứ nhất là cách Nhà nước Hồi giáo xử lý cái chết của al-Zawahiri; thứ hai là kiểu giọng điệu mà al-Qaeda hướng tới Nhà nước Hồi giáo trong các tuyên bố sắp tới của mình; thứ ba là cách mà vị thủ lĩnh mới của al-Qaeda sẽ tương tác và thảo luận với Nhà nước Hồi giáo.
Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ thành công hay thất bại?
Trong 21 năm qua, cuộc chiến của Mỹ chống lại al-Qaeda đã trải qua nhiều thăng trầm, có những thành công và cả những sai lầm chiến lược. Từ góc độ thực tiễn, cuộc tấn công tiêu diệt al-Zawahiri đã chứng minh cho thấy hoạt động chống khủng bố của Mỹ đã tiến xa như thế nào: sau nhiều năm truy lùng gắt gao, cuối cùng Mỹ không những đã tìm thấy al-Zawahiri mà còn có thể hạ sát ông ta trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, họ đã tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda khi ông ta đang đứng trên ban công căn nhà của mình ở Kabul, một khu vực đô thị dày đặc.
Thay vì san phẳng tòa nhà, như cách mà quân đội Mỹ thường xuyên thực hiện một thập niên trước, họ chỉ bắn hai quả tên lửa vào vào một phần phạm vi hạn chế của ngôi nhà để tránh gây ra thương vong dân sự ở mức cao nhất. Các thành viên khác của gia đình Zawahiri không hề hấn gì và ngôi nhà hầu như vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc tấn công.
Cuộc tấn công cũng cho thấy chiến dịch chống khủng bố của Mỹ chống lại al-Qaeda (và gần đây là Nhà nước Hồi giáo) đã khốc liệt và dai dẳng như thế nào và đã hiệu quả đến đâu, khi xem xét trên phạm vi toàn cầu. Gần 21 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ đã tiêu diệt được al-Zawahiri, kẻ kế nhiệm Osama bin Laden và là một trong số ít nhân vật thế hệ đầu của al-Qaeda còn chưa bị giết hoặc bị bắt.
Trong hai thập niên qua, Mỹ và các đối tác chống khủng bố của họ đã kiên trì tìm kiếm và tiêu diệt một cách có hệ thống đội ngũ lãnh đạo cấp cao và cấp trung giàu kinh nghiệm, những thành phần nòng cốt của al-Qaeda. Những thách thức mà al-Qaeda phải đối mặt khi lựa chọn thủ lĩnh sắp tới đã phản ánh rất rõ những tổn thất nhân lực to lớn mà al-Qaeda phải gánh chịu trong quãng thời gian 21 năm qua.
Trong khi một số đối tác khu vực của al-Qaeda vẫn còn sở hữu khá nhiều năng lực, thì nhìn lại một thập niên qua, chúng ta sẽ nhận thấy ảnh hưởng và khả năng của al-Qaeda đã sa sút đến mức nào. Vào đầu năm 2011, trong hàng ngũ của al-Qaeda có đông đúc “các nhà tư tưởng” hay các “diễn giả” nổi tiếng, chẳng hạn như Abu Yahya al-Libi, Anwar al-Awlaki và Adam Gadahn, những người đã giúp củng cố mạng lưới al-Qaeda, đẩy mạnh việc tuyên truyền thế giới quan và thu hút các đối tượng khác nhau; Atiyah và Yunis al-Mauritani - những người điều hành có kinh nghiệm hoặc biết đưa ra các sáng kiến đặc biệt, biết lập các kế hoạch tấn công; trên cao là các cựu lãnh đạo như Osama bin Laden và al-Zawahiri, những người đã làm việc miệt mài để hướng dẫn và phát triển al-Qaeda thành một phong trào toàn cầu. Giờ đây tất cả những cá nhân này đều đã chết.
Đối với các chi nhánh al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan, khả năng tái thiết phụ thuộc nhiều vào sự ưu ái của địa phương và môi trường tại đó. Việc Mỹ phát hiện ra được al-Zawahiri ở Kabul là một tín hiệu đáng lo ngại cho al-Qaeda, vì nó chỉ ra rằng ngay cả khi một số nhân vật quyền lực trong Taliban đã tìm chỗ ẩn náu và che chở hỗ trợ cho thủ lĩnh của al-Qaeda thì vẫn có khả năng một số thành phần hoặc phe phái khác của Taliban đã bán đứng al-Zawahiri. Và nếu điều đó thực sự xảy ra, al-Qaeda sẽ gặp rắc rối và tương lai của nó trong khu vực sẽ trở nên phức tạp và bấp bênh hơn. Một dấu hiệu quan trọng cần chú ý đến là thái độ mà Taliban sẽ dành cho al-Qaeda khi nhóm này công bố thủ lĩnh tiếp theo của mình.
Mặc dù thời gian người Mỹ tiến hành chiến dịch đòi lại công lý và bắt al-Qaeda phải chịu trách nhiệm về vụ 11-9 và các cuộc tấn công khủng bố khác đã kéo dài hơn, tốn kém hơn và phức tạp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu, nhưng chiến dịch này đã tôn vinh và làm sống lại tuyên bố đanh thép của nước Mỹ sau ngày 11-9-2001: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên”.
Giờ đây đối với nhiều người Mỹ, cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 là một ký ức xa vời hoặc lạ lẫm nhưng khái niệm “không bao giờ quên” vẫn là một nguyên tắc quan trọng giúp định hướng cho tương lai của Mỹ.
Dù những mối đe dọa khủng bố hiện nay đã khác trước, một trong những bài học kinh nghiệm thu được sau 21 năm qua là các nhóm như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo luôn cứng rắn và bền bỉ trong việc theo đuổi các mục tiêu của chúng. Và ngay cả khi các mối đe dọa do Al-Qaeda gây ra đã giảm đi đáng kể và năng lực hoạt động của thành phần Al-Qaeda ở Afghanistan-Pakistan bị tổn thất nghiêm trọng, vẫn còn quá sớm để bỏ qua những mối đe dọa từ al-Qaeda.
Các ưu tiên quốc phòng của Mỹ có thể đã thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là al-Qaeda ít quan tâm đến Mỹ hơn. Hệ tư tưởng và lý tưởng của nhóm vẫn tồn tại, và nhóm sẽ tiếp tục hoạt động trong bóng tối để bổ sung hoặc điều chỉnh khi thấy cần thiết. Rất có thể thủ lĩnh tiếp theo của al-Qaeda sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động và xây dựng lại khả năng tấn công từ bên ngoài và xuyên quốc gia của nhóm.
Tháng 9-2021, Michael Morell, cựu Quyền giám đốc CIA đã cảnh báo rằng: “Việc tái thiết năng lực tấn công Mỹ của al-Qaeda có thể được thực hiện rất nhanh chóng trong vòng chưa đầy một năm trong trường hợp nếu Mỹ và các đồng minh lơ là không thu thập tin tức tình báo và không có hành động quân sự hiệu quả để ngăn chặn nó”.
Nguồn tin: antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn