Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Ba Bể

Thứ ba - 23/05/2017 19:15
Trong những năm qua, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, nhiều thanh niên ở Ba Bể đã trở thành tấm gương tiêu biểu về vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Trong những năm qua, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, nhiều thanh niên ở Ba Bể đã trở thành tấm gương tiêu biểu về vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khóa IX “Về xây dựng và phát triển các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012-2017”, Trong những năm qua, Huyện đoàn Ba Bể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên phát huy sức trẻ, xung kích trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Qua đó, đã tạo động lực cho các cấp bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên trong xây dựng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi.

Làm giàu từ sản xuất gạch không nung

Anh Hoàng Văn Hiền ở thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê là người dám nghĩ, dám làm. Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp, đến nay, anh đã xây dựng được cơ sở sản xuất gạch không nung có tiếng trong vùng, mang lại thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm khá ổn định cho nhiều đoàn viên tại địa phương.

Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Ba Bể
Gạch của anh Hiền rắn, chắc, bền đẹp nên được nhiều người dùng

Đến nay, cơ sở của anh Hiền trung bình mỗi ngày sản xuất được 500 viên gạch, với giá bán 7.000 đồng/viên, trung bình lãi 2.000 đồng/viên. Gạch của anh luôn được khách hàng lựa chọn, tin dùng, trong đó có nhiều khách hàng từ địa phương khác. Cơ sở sản xuất của anh Hiền hiện tạo việc làm khá ổn định cho 6 đoàn viên địa phương, với mức thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. Theo đánh giá, công nghệ sản xuất gạch gồ không nung của anh Hiền không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, chất lượng gạch rắn chắc, bền đẹp, giá cả hợp lý. Ngoài sản xuất gạch, anh Hiền mở thêm dịch vụ vận tải trong xã ai thuê gì thì vận chuyển giúp họ… Tổng thu nhập của gia đình từ sản xuất gạch và dịch vụ vận tải đạt hàng trăm trịệu đồng/năm.  Nhờ có thu nhập ổn định, anh Hiền có điều kiện cho con cái ăn học, mua sắm các vật dụng trong gia đình, làm nhà ở khang trang, sạch đẹp, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Làm giàu từ phát triển du lịch ở địa phương

Đó là đoàn viên Đặng Văn Hùng ở thôn Nà Nghè xã Nam Mẫu. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, không có điều kiện học lên chuyên nghiệp, Hùng đã quyết tâm lập nghiệp ngay tại quê hương mình. Ý tưởng làm du lịch cộng đồng của anh xuất phát khi xem trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy những địa phương có điều kiện, lợi thế giống với nơi anh đang sinh sống phát triển du lịch cộng đồng rất tốt. Bắt đầu xây dựng mô hình, anh đã đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở những hộ gia đình đã có kinh nghiệm ở xã Nam Mẫu và các xã lân cận.

Với mô hình này, du khách sẽ sinh hoạt, ăn, ngủ tại gia đình và sống với đúng nếp sinh hoạt sẵn có của người bản địa, do đó, để du khách có cảm giác thoải mái nhất khi đến với gia đình, anh Hùng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện thiết yếu như: Cải tạo nhà ở, sắp xếp các phòng ngủ sạch sẽ, chuẩn bị thực đơn các món ăn đặc trưng của người bản địa và những bộ trang phục truyền thống phục vụ du khách lưu lại những kỷ niệm. Ngoài ra, anh còn tự học hỏi thêm vốn tiếng Anh để trao đổi, giao tiếp với du khách và trực tiếp đưa khách đi trải nghiệm tìm hiểu những phong tục tập quán cũng như thưởng ngoạn cảnh đẹp  thiên nhiên của những điểm du lịch hấp dẫn vùng hồ Ba Bể như Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, Động Puông, Đảo Bà Góa….

Để thu hút và duy trì được số lượng khách du lịch đến với gia đình, anh đã liên kết với các công ty lữ hành trong nước để có sự kết nối thường xuyên. Vì vậy, du khách đến với gia đình anh ngày càng tăng. Nhờ cách làm hiệu quả nên dù chỉ mới thực hiện mô hình du lịch cộng đồng từ năm 2013 đến nay nhưng thu nhập của gia đình anh tăng lên đáng kể, trở thành hộ khá trong thôn. Trung bình mỗi năm gia đình anh đón trên 300 lượt khách, chủ yếu đến từ các nước Pháp, Mỹ, Úc, Na Uy đến nghỉ tại gia đình…. Thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng đã mang đến cho gia đình anh trên 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương.

Đi lên từ phát triển chăn nuôi trâu, bò

Đó là anh Nguyễn Văn Đường ở thôn Lũng Quang, xã Quảng Khê, với mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng. Sinh ra ở một xã vùng sâu, Nguyễn Văn Đường thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó, nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã không ngừng cố gắng vươn lên học tập, tích lũy kiến thức, để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Sau khi xây dựng gia đình, anh quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Ba Bể - Ảnh minh hoạ 2
Mỗi con bò vỗ béo anh Đường bán 25-30 triệu đồng

Anh Đường chia sẻ: Trước đây gia đình anh chỉ nuôi 2 con trâu để làm sức kéo sản xuất, không đem lại thu nhập cao. Qua thông tin đại chúng từ truyền hình, sách báo, anh nắm bắt được về kiến thức chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, từ đó với 2 con trâu là sản nghiệp của gia đình anh thực hiện vỗ béo trâu của mình bằng phương pháp nuôi bán chăn thả, kết hợp trồng cỏ để đảm bảo luôn có sẵn thức ăn. Sau một thời gian chăn nuôi và bán có lãi, nhận thấy hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực anh đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để mua thêm trâu, bò vừa để nuôi sinh sản, vừa mua những con gầy về vỗ béo.

Do đồng cỏ chăn nuôi của thôn hạn hẹp, gia đình anh đã di chuyển lên đỉnh núi Phja Màng thuộc thôn Lũng Quang có bãi đất tự nhiên rộng, rất thích hợp để phát triển nghề chăn nuôi trâu, bò, nên anh đã cùng gia đình tập trung nhân lực, vật lực đầu tư cho chăn nuôi đại gia súc tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh đã tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc đàn trâu của gia đình. Đến nay, đàn trâu, bò sinh sản luôn duy trì 35-40 con. Hiện giá trâu, bò thành phẩm trên thị trường từ 20 - 35 triệu đồng/con, tổng giá trị tài sản của gia đình anh ước khoảng nửa tỷ đồng.

Ngoài những tấm gương đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trên, ở huyện Ba Bể còn rất nhiều mô hình trồng căy ăn quả, trồng dưa hấu, dư lê, chăn nuôi đại gia súc của đoàn viên, thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Theo đồng chí Ma Thị Mận- Bí thư Huyện đoàn Ba Bể cho biết: Trong những năm qua, Huyện đoàn Ba Bể đã tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặt khác, Huyện đoàn Ba Bể còn duy trì hoạt động của thanh niên phát triển kinh tế và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện có gần 50 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có 15 mô hình chăn nuôi trâu, bò, trồng cây ăn quả, mô hình du lịch cộng đồng có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm…

Từ phong trào đoàn viên, thanh niên xung kích phát triển kinh tế cho thấy, tinh thần lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ miền núi, vùng sâu vùng xa đang ngày càng lan tỏa sâu rộng. Những mô hình kinh tế của các đoàn viên, thanh niên đang góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông mới ở địa phương./.

 

Tác giả: Lý Dũng

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây