Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng khi nói về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 ông Vũ Xuân Thu (67 tuổi) ở thôn Nà Hoan, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông vẫn còn nhớ như in và rành mạch về thời khắc lịch sử đó. Ngày ấy ông là một trong những Quân đoàn “mũi thọc sâu” áp sát xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc lập khiến cho chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Sài Gòn, miền Nam chính thức được giải phóng đưa đất nước đi đến thống nhất.
Ông Vũ Xuân Thu luôn cảm thấy tự hào vì là một trong những người được tham gia mũi tấn công tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. |
Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc
Năm 1971 chàng trai trẻ Vũ Xuân Thu đang ở tuổi đôi mươi với bao điều dang dở thì có giấy báo lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ cao cả đó anh chính thức từ biệt gia đình, quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Giữa những năm tháng nước sôi lửa bỏng, đế quốc Mỹ đang ra sức lấn chiếm và kiểm soát tuyệt đại bộ phận lãnh thổ miền Nam Việt Nam thì năm 1972 anh Thu nhận nhiệm vụ tại đơn vị Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tham gia đánh địch ở các mặt trận Duyên hải miền Trung, điển hình đó là các trận đánh ở huyện Hải Lăng (Quảng trị), Quận lị Thượng Đức (năm 1974, nơi lính ngụy Mỹ còn là cánh cửa Thép phía Tây của thành phố Đà Nẵng), khu Căn cứ Nước Trong (tỉnh Đồng Nai), đây đều là những cứ điểm quan trọng mà quân đội ta cần ngăn chặn không để địch tiến sâu vào lãnh thổ. Những năm tháng khó khăn đối mặt với hiểm nguy, bom đạn cận kề, đêm nằm muỗi đốt, uống ăn kham khổ là điều mà người lính như Thu và đồng đội thường xuyên nếm trải song tất cả đều không thể làm mất đi niềm tin chiến thắng.
Sau khi quân đội ta làm chủ được nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung, miền Nam và các cứ điểm thiết yếu, Tiểu đoàn 9 tăng cường lực lượng thành lập Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ hướng về Sài Gòn tiếp tục chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Anh Thu kể : “Đoàn quân phải đi mất nửa tháng bằng xe cơ giới vượt qua gần 1.000 km từ Đà Nẵng mới vào tới Sài Gòn, trên đường đi chỗ nào có địch chống cự thì chúng tôi đánh, biết có lực lượng hỗ trợ tiến vào Sài Gòn địch đã cho xây dựng các chướng ngại vật để cản bộ đội ta nhưng với tinh thần khẩn trương giải phóng miền Nam quân đội ta đã nhanh chóng phá tan các vật cản của địch tiến thẳng vào nội thành Sài Gòn”. Lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra khẩu hiệu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” khí thế chiến đấu càng vô cùng lên cao. Khi nhận được mệnh lệnh tiến vào Dinh Độc Lộc, anh Thu lúc đó là Đại Đội phó Đại đội 9 ngồi trên những chiếc xe thuộc “mũi thọc sâu” của Tiểu đoàn 9 có nhiệm vụ áp sát xe tăng tiến vào Dinh Độc Lộc, tòa nhà cao dài là Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn trước mắt. Khi xe tăng số hiệu 843 và 390 dẫn đầu lao vào sân Dinh Độc Lập húc đổ cánh cửa sắt thì các xe tăng khác và ô tô trở bộ binh cũng cuồn cuộn như cơn lốc ập tới khiến cho địch sợ hãi, co rúm lại, không phản ứng, lực lượng của ta đã nhanh chóng tiêu diệt các hỏa điểm ngoan cố. Thời khắc làm chủ thế trận đã tới, tiếng đạn của quân ta xả nổ đinh tai, rơi như rang bắp, rầm trời, đâu đâu cũng là tiếng reo hò của các chiến sỹ “Chiến thắng rồi”, “Hòa bình rồi” , dù chưa biết tình hình trong Dinh phản ứng thế nào song ngay lúc đó anh Thu đã nhìn thấy một đồng chí tay cầm lá cờ trên tháp pháo chạy thẳng vào Dinh để cắm cờ trên nóc Dinh thay cho một lời tuyên bố hùng hồn nhất về chiến thắng.
Đồng chí Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 vừa lúc đó đi tới nhìn thấy anh Thu vội mừng rỡ: “Nhiệm vụ của “mũi thọc sâu” đến đây cơ bản đã hoàn thành, đồng chí hãy cho bộ đội tản khai và làm công tác cảnh giới phòng địch phản công”. Lúc này anh Thu và lực lượng xe cơ giới bộ binh vòng trong, vòng ngoài bao vây lấy phủ sào huyệt đầu não của địch, chấp hành mệnh lệnh “Bao vây và bắt gọn”, xe tăng vẫn phủ khói, gầm gừ quần trong sân, tạo nên sức áp đảo đáng sợ với kẻ thù. Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ là người đã áp giải Tổng thống Dương Văn Minh (Tổng thống Việt Nam cộng hòa) từ trong Dinh sang Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng trước quân Giải phóng miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn, người dân Sài Gòn như vỡ oàn trong niềm vui sướng, tiếng hò reo, cờ hoa mừng niềm vui chiến thắng rộn ràng tung hô trên khắp đường phố nội thành. Chứng kiến thời khắc lịnh sử thiêng liêng của dân tộc ngày ấy những người lính Bắc Kạn như anh Thu chẳng thể nào quên.
Về với cuộc sống bình dị
Hơn 5 năm ròng rã trong chiến trường miền Trung, miền Nam, xông pha trên nhiều trận địa tiền tuyến, nếm trải đói, khát, ốm đau, cận kề cái chết nhưng không thể làm nao núng tinh thần của một người lính cách mạng như ông. Đến nay dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng mọi thời khắc lịch sử của chiến thắng 30.4 vẫn còn in đậm trong người cựu chiến binh năm xưa. Sau này khi miền Nam giải phóng, hoà bình lập lại ông đã may mắn được trở về quê hương, đoàn tụ với người thân nhưng bản thân ông lại mang một nỗi đau dai dẳng đó là bị nhiễm chất độc da cam, ông có 2 người con nhưng không may một người bị khiếm khuyết do ảnh hưởng chất độc hóa học, hiện 2 vợ chồng ông chỉ trông chờ vào đồng trợ cấp ít ỏi.
Hiên nay ông Thu là hội viên cựu chiến binh tích cực ở xã Tân Tiến, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng với ông đó cũng là điều hết sức may mắn so với rất nhiều động đội khác đã hi sinh không thể trở về. Nhớ lại quá khứ trong những tháng ngày cầm súng trong tiềm thức ông vẫn còn nhớ như in về từng trận đánh, về những thời khắc thăng hoa của lịch sử. Năm 2015 ông vinh dự cùng với 4 đồng đội ở Bắc Kạn được Đài Truyền hình tỉnh mời về thăm chiến trường xưa để làm phóng sự, dù bây giờ quang cảnh, không gian đổi thay nhiều nhưng mỗi chỗ ông đặt chân đến đều là kỷ niệm, là máu xương của những người đồng đội đã hi sinh anh dũng để bảo vệ hòa bình. Ông tâm sự: “Thi thoảng các người lính tham gia chiến dịch Hồ chí Minh ở Bắc Kạn lại có dịp hội tụ vào những ngày Kỷ niệm 30.4, ngày Thương binh liệt sỹ 27.7, chúng tôi gặp lại nhau vui lắm, đơn giản chỉ là hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau trong cuộc sống, ôn lại những kỷ niệm về thời hoa lửa anh hùng”.
Chiến tranh đã lùi xa, hoà bình lập lại, người lính có mặt trong phủ Dinh Độc Lập ấy vẫn bình dị, đơn giản như những gì vốn có, ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nằm sâu trong ngõ luôn đầy áp những hình ảnh về đồng đội, về chiến công do Nhà nước trao tặng, về những kỷ niệm thơ ấu của gia đình. Tất cả đối với ông đó là tài sản vô giá không gì có thể sánh bằng/.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn