Việc chúng tôi lên đường vào lúc nửa đêm để sáng sớm hôm sau có mặt ở hiện trường, tiếp cận thông tin, hỗ trợ ít nhiều người bị nạn và lấy tài liệu viết bài phản ánh các sự kiện bão lũ, thiên tai chả có gì lạ. Trong hàng chục chuyến đi xuyên đêm đó, chuyến đi Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu) để đưa tin, thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với thân nhân 8 người thiệt mạng vì ngộ độc rượu là chuyến đi đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của chúng tôi.
Thông tin về vụ ngộ độc rượu tại rẻo cao bình yên thuộc tỉnh miền núi Lai Châu khiến ít nhất 8 người tử vong, hàng chục người bị thương đã gây chấn động cả nước trong những ngày đầu xuân 2017.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Biên tập Báo CAND đã chỉ đạo phóng viên nhanh chóng đến tận nơi xảy ra sự việc thăm hỏi, chia sẻ và động viên các gia đình vợi bớt nỗi đau mất người thân, đồng thời ghi nhận tình hình, tuyên truyền để nhân dân biết đến tác hại chết người của loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhận được lệnh của Ban Biên tập, 2 nữ phóng viên đã nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc và bắt chuyến xe lúc 23h đêm 17-2-2017 tại Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội.
Phóng viên Báo CAND thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ các gia đình có người thân bị tử vong do ngộ độc rượu ở Ma Ly Chải (tháng 2-2017). |
Mới ra xuân nên tiết trời vẫn còn rét, kèm theo sương mù bao phủ khiến việc đi lại khó khăn hơn rất nhiều. Cung đường Tây Bắc có đến quá nửa đoạn đường là những khúc cua tay áo, đèo dốc. Chiếc xe khách giường nằm chắc chắn như vậy mà cũng trở nên chòng chành khó điều khiển khi liên tục leo dốc rồi lại đổ đèo. Sương mù dày đặc cũng làm tầm nhìn của lái xe bị hạn chế.
Sau hơn 500km lắc lư trên xe, sáng sớm chúng tôi đã tới TP Lai Châu. Được sự giúp đỡ của Công an tỉnh Lai Châu, chúng tôi tiếp tục hành trình đến xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ. Ma Ly Chải cách TP Lai Châu hơn 100km, những cánh rừng, bản làng, đèo cao, dốc sâu, cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc từ từ hiện ra trước mắt.
Thời tiết vùng núi vô cùng khắc nghiệt, ấm áp đấy nhưng cũng rét đến đột ngột. Đến Đồn Công an Dào San, nhiệt độ giảm xuống rất sâu khiến chúng tôi không kịp chống đỡ, co ro trong tấm áo mỏng mang theo.
Xã Ma Ly Chải - nơi có 8 người tử vong do ngộ độc rượu là một thung lũng bao bọc bởi các dãy núi xung quanh. Từ trên cao nhìn xuống, Ma Ly Chải đẹp như bức tranh. Nhưng chỉ trong vài ngày, 8 người bị thiệt mạng khiến cả thung lũng nhuốm màu tang thương.
Những khuôn mặt buồn xo, ngơ ngác của trẻ nhỏ; những người mẹ, người vợ thất thần bên bậu cửa… Đây là điều chưa bao giờ xảy ra ở Ma Ly Chải khiến bà con lo lắng.
Lời đồn thổi dâng cao, họ cho rằng người chết là do dịch bệnh. Là xã biên giới, 100% người dân Ma Ly Chải là đồng bào dân tộc Hà Nhì, 75% là hộ nghèo, đời sống của bà con khó khăn lại nhân lên gấp bội khi những người thiệt mạng đều là những lao động chính trong gia đình.
Xuống một con dốc thoai thoải cùng đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Ma Ly Chải Phu Cha Pô, chúng tôi tới bản Tả Chải, nơi có nhiều nạn nhân tử vong nhất.
Vừa đi, ông Phu Cha Pô vừa kể với giọng trầm buồn: “Một ngày có 7 người trong xã chết khiến nhân dân hoang mang, nhiều gia đình ở bản Tả Chải dọn lên lán ở vì họ sợ bệnh tật. Cô giáo tới lớp không có học sinh nên phải tạm nghỉ. Nhưng đến nay, Công an tỉnh Lai Châu cùng các lực lượng đã vận động họ trở về nhà hết rồi”.
Chúng tôi đến nhà ông Phu Vần Lèng, nơi diễn ra đám ma và tổ chức ăn cỗ ngày 12-2 mời dân làng và xảy ra ngộ độc khiến 7 người thiệt mạng nằm ở ngay đầu bản.
Đó là ngôi nhà trình tường được xây dựng cách đây mấy chục năm, trong nhà vắng lặng như tờ bởi 4 người con ông Lèng (2 con trai, 1 con gái, 1 con rể) đều đang cấp cứu trong bệnh viện. Ở nhà chỉ còn vợ ông Lèng là bà Chang Lử Mẩy.
Người phụ nữ ấy đang ngồi thẫn thờ bên hiên nhà, ánh mắt nhìn xa xăm. Thỉnh thoảng, bà lại gục đầu xuống gối, khóc nấc lên từng hồi. giàn giụa trong nước mắt, bà kể cho chúng tôi nghe sự việc đã dẫn đến cái chết của gần chục người đàn ông khiến những ngày qua bà không thể chợp mắt được. Thường ngày ông Lèng hay mua rượu tại cửa hàng tạp hóa Hương Dìn của Phùng Thị Hương ở chợ Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu).
Ngày 10-2, ông Lèng mua 1 lít rượu ở hàng tạp hóa Hương Dìn về uống. Đến trưa, ông có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không nhìn thấy. Bà Mẩy đang làm nương thì thấy con gọi báo về bố bị ốm. Vừa bước vào nhà, bà thấy chồng kêu đau đầu, sau đó ông Lèng uống tiếp một chén rượu nữa. Một tiếng sau, biểu hiện của ông càng nặng hơn, sau đó tử vong khi chưa kip đưa đi viện.
Theo bà Mẩy thì để làm cơm trước ngày đưa ông Lèng ra đồng, bà có lên hàng tạp hóa Hương Dìn mua một can 30 lít rượu. Ngày 12-2, số rượu này được rót ra mời khách, gia đình bà không pha gì vào rượu, mua thế nào thì uống như thế.
Kết cục, 7 người đàn ông uống rượu trong bữa cơm hôm ấy đều có những biểu hiện giống ông Lèng. Sau đó họ tử vong. Nỗi áy náy dâng tràn trên khóe mắt của người phụ nữ Hà Nhì khi tại bữa cỗ nhà mình đã kéo theo nhiều người thiệt mạng.
Theo chân cán bộ xã Ma Ly Chải, chúng tôi đến các gia đình còn lại có người thân bị thiệt mạng. Căn nhà nào cũng hoang hoải, âm ỉ tiếng khóc làm lòng người nặng trĩu. Hoàn cảnh của các gia đình nạn nhân vô cùng đáng thương.
Người ra đi bỏ lại con nhỏ nheo nhóc, cha mẹ già mà không kịp trăng trối. Cuộc sống vẫn phải bước tiếp với người ở lại, nhưng những người vợ, người mẹ cứ nắm chặt tay chúng tôi mà khóc. Họ xúc động bởi có nhà báo tận trung ương về động viên, chia sẻ, ủng hộ họ lúc khó khăn nhất.
Có chị nói trong nước mắt bằng thứ tiếng Kinh phải có người dịch lại chúng tôi mới hiểu: “Anh ấy mất đi, mẹ con chúng tôi không biết dựa vào đâu mà sống”. Nỗi đau đó quả là nghẹn lòng, trong chiều dài của một bài báo không thể diễn tả được hết.
Nỗi đau ở Ma Ly Chải khó có thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều, nhưng từ trong đau đớn đó, tiếng chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc lan tràn hiện nay. Đặc biệt thủ phạm là methanol mà người đầu độc dẫn tới những cái chết chính là người sản xuất không có lương tâm.
Vụ ngộ độc rượu cũng làm cho cơ quan y tế ở Lai Châu xoay như chong chóng bởi chưa khi nào một bệnh viện tuyến tỉnh lại cấp cứu cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc mathanol đến như vậy.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện với gương mặt mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng cho biết, trong một tuần bệnh viện tiếp nhận gần 20 bệnh nhân đến cấp cứu với các biểu hiện ngộ độc methanol nặng như đồng tử giãn, rối loạn thị giác, lơ mơ và phải chạy thận nhân tạo.
Mặc dù là lần đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc methanol nhập viện ồ ạt nhưng các bác sỹ luôn thể hiện sự tận tình, chủ động và sáng tạo kịp thời cứu chữa người bệnh. 20 giáo sư, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Lai Châu để tiến hành hội chẩn, thống nhất về tình trạng bệnh cũng như liên tục hỗ trợ thuốc cấp cứu.
Tất cả các bác sỹ đều gồng mình lên làm việc hết công suất để kịp thời cứu chữa người bệnh. Nhiều bác sỹ ngủ gục ngay trên bàn làm việc vào những phút nghỉ ngơi hiếm hoi.
Tất cả những vất vả cùng hiệu suất làm việc của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế đều được chúng tôi chuyển tải thông tin kịp thời nhất trên mỗi bài báo. Không chỉ ghi lại nỗi đau ở Ma Ly Chải, những cảnh báo về cái chết khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu có mathenol đều đăng tải trên Báo CAND và các số Chuyên đề ANTG, Cảnh sát toàn cầu đã thông tin tới bạn đọc để mọi người nâng cao nhận thức, tránh xa rượu, bia không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của chính mình. |
Tác giả: Trần Hằng-Nguyễn Hương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn