1. Chúng tôi đến xã Nặm Păm - xã bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Mường La vào buổi chiều muộn. Cảnh hoang tàn hiện lên trong ráng chiều đỏ ối càng làm cho khung cảnh tang thương thêm u buồn. Dù gần một tháng trận lũ lịch sử đi qua nhưng hậu quả của nó để lại vẫn vô cùng nặng nề. Đường đi bị chia cắt, có những ngôi làng bị đất đá vùi lấp mà có lẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể hồi sinh.
Tỉnh Sơn La đã mở một con đường tạm vào xã Nặm Păm, nhưng việc di chuyển của các phương tiện vẫn vô cùng khó khăn do hàng vạn tấn đất đá nằm chắn ngang la liệt, lởm chởm khắp nơi. Trên gương mặt của người dân Nặm Păm, vẻ bàng hoàng vẫn còn nguyên vẹn bởi họ không biết lúc nào lũ có thể lại quét qua. Vừa mới nắng đó thế mà chỉ trong chốc lát gió cuốn theo đất cát lại cuồn cuộn thổi tới. Cơn mưa trắng trời từ thượng nguồn đổ ập xuống làm cho chúng tôi cũng không kịp tránh. Nước từ nguồn đổ về suối Nặm Păm ào ào.
Chẳng mấy chốc cả dòng suối đục ngầu cuồn cuộn phù sa, gầm rú gào thét. Con suối chia cắt người dân ở bên này không về được nhà. Xa xa bên kia suối là một dãy nhà tái định cư lợp tôn đỏ được chính quyền dựng lên cho người dân bị mất nhà.
Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh (Trường THCS Nậm Păm) đứng bên bờ suối ngóng sang bên kia với vẻ sốt ruột. Thấy chúng tôi hỏi, cô lo lắng cho biết: "Tôi đang chờ một đồng nghiệp về cho con bú. Nhưng mưa lớn thế này thì không thể về được rồi, qua suối giờ này là bị cuốn". Nhìn sang bờ bên kia, vài chục người dân mặc áo mưa đứng nhốn nháo nhìn xuống dòng suối cuồn cuộn với vẻ mặt thất vọng vì không biết lúc nào mưa mới ngớt mà về nhà.
Anh Cù Văn Uẩn, một người dân xã Nậm Păm cho biết: "Chúng tôi luôn sống trong lo lắng, lũ có thể quay về bất cứ lúc nào". Từ ngày cơn lũ lịch sử cuốn phăng cả bản nhỏ bé của mình, anh Uẩn chiều nào cũng ra dòng suối này đứng lặng cả tiếng đồng hồ. Trong trận lũ dữ đó, vợ và con gái của anh đã bị nước cuốn trôi. Nhà mất, của không còn, đến người thân yêu nhất cũng bị vùi trong lũ dữ, anh Uẩn tưởng mình không còn sức sống tiếp. Nhìn đôi mắt buồn vô hạn của người đàn ông này, chúng tôi mới thấm thía hết sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai mà hơn một trăm năm nay người dân Nặm Păm mới được chứng kiến.
Nằm ở thượng nguồn con suối Nậm Păm, xã Nậm Păm có 130 ngôi nhà bị cuốn trôi, 34 căn nhà bị hư hỏng nặng, 62 căn nhà phải di chuyển khẩn cấp. Chứng kiến cảnh tan hoang sau lũ của Trường mầm non Nậm Păm, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Toàn bộ khu bếp ăn bị lũ cuốn trôi. Sân chơi, trang thiết bị học tập, phòng học đều đã bị hư hỏng nặng. Sân trường ngổn ngang bùn đất.
Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng Biên tập Báo CAND trao tiền hỗ trợ cho các gia đình có nhà bị cuốn trôi ở xã Nậm Păm. |
Cô Vũ Thị Lý, Hiệu trưởng trường cho biết: "Trường có 312 cháu, hiện chỉ có khoảng 70% các cháu đã đến trường trở lại và đang được cho học tập trung tại nhà văn hóa của xã. Nhà trường vẫn chưa thể tổ chức lại bếp ăn bán trú nên các cháu vẫn phải tự mang cặp lồng cơm từ nhà đi. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục để kịp cho các cháu khai giảng đón năm học mới".
Sẻ chia với những khó khăn mà người dân ở Mường La phải gánh chịu, ngày 28-8, Đoàn công tác của Báo CAND tiếp tục trở lại vùng lũ, trao 65 triệu đồng cho 14 gia đình ở xã Nậm Păm bị mất nhà hoàn toàn; 10 cán bộ chiến sĩ Công an huyện Mường La và 6 đồng chí Công an xã bị mất nhà, thiệt hại tài sản trong trận lũ; ủng hộ 5 triệu đồng cho Trường mầm non Nậm Păm khắc phục hậu quả. Số tiền này là tấm lòng của tập thể cán bộ, chiến sỹ Báo CAND đóng góp mỗi người một ngày lương và Trường Mẫu-Trường ngoại cảm Tố Dương, Hà Nội hướng về đồng bào bị thiệt hại do lũ quét.
2. Cũng trong chiều 28-8, Đoàn công tác XHTT của Báo CAND và Công ty Motorola Solutions trao 100 triệu đồng cho thân nhân liệt sỹ Lường Phát Chiêm, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động và liệt sĩ Bùi Công Nguyên, nguyên cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Mộc Châu, Sơn La.
Đoàn công tác báo cand và Công an tỉnh Sơn La trao tiền cho thân nhân liệt sĩ Lường Phát Chiêm và Bùi Công Nguyên. |
Liệt sĩ Bùi Công Nguyên và Lường Phát Chiêm đều anh dũng hy sinh trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy. Sau khi các anh hy sinh, thực hiện chính sách hậu phương CAND, Công an tỉnh Sơn La đã tuyển vợ của hai liệt sĩ vào lực lượng CAND.
Vợ của liệt sĩ Bùi Công Nguyên hiện là Trung úy Đồng Thị Dung, cán bộ của Đội Tham mưu tổng hợp, Công an huyện Mộc Châu. Còn vợ của liệt sĩ Lường Phát Chiêm là Thiếu úy Tòng Thị Hiếu, cán bộ của Phòng Cảnh sát kinh tế.
Thực hiện chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ, được sự giúp đỡ của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La, Công an huyện Mộc Châu, Báo CAND và một số đơn vị hỗ trợ, ngày 6-4-2017 hai ngôi nhà tình nghĩa đã được khởi công xây dựng. Đây là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn đối với thân nhân gia đình hai liệt sĩ.
Cảm động trước tình cảm và món quà giàu ý nghĩa mà Báo CAND và Công ty Motorola Solutions trao tặng, thân nhân của hai liệt sĩ cho biết, nhờ sự giúp đỡ ấm áp đó mà mẹ con các chị đã xây được ngôi nhà mơ ước. Hai ngôi nhà tình nghĩa chuẩn bị khánh thành, đây là món quà giàu ý nghĩa để tri ân sự anh dũng hy sinh của các anh trên mặt trận giữ gìn ANTT, bảo vệ bình yên cho người dân.
Tác giả: Trần Hằng - Nguyễn Hương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn