Tình người trong lũ dữ

Chủ nhật - 13/11/2016 20:41
Chiều 5-11, bà Võ Thị Hồng Hoa, DNTN Tùng Hoa (ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận) đã hỗ trợ quà khẩn cấp cho người có nhà sập trên địa bàn xã. Người phụ nữ này cũng đã chủ động đề nghị được cưu mang bà Lê Thị Tám (65 tuổi, ở thôn Lộc Hạ) sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo của bà.

 

Đã hơn 3 ngày kể từ thời điểm nhà sập hoàn toàn (ngày 3-11), bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) vẫn cặm cụi nhặt lại từng viên gạch, từng miếng ngói vụn. Lòng bà quặn chát khi ngẫm về cảnh của gia đình mình. Chồng mất, căn nhà hơn 50m² được dựng lên bằng những nỗ lực tích cóp. Nó chính là chốn bình yên, là chỗ dựa của hai mẹ con bà. Vậy mà, nó trở thành đống gạch vụn chỉ sau một tích tắc.

Bà Tâm ngậm ngùi kể: “Chừng nửa đêm 3-11, tôi và con trai đang loay hoay dọn đồ chuẩn bị chạy lũ thì gió mạnh bất ngờ thổi xốc vào nhà. Căn nhà rung chuyển, mái nhà xiêu vẹo… Thấy không ổn, hai mẹ con tháo chạy ra ngoài. Vừa bước ra khỏi cửa, nhà đổ ầm, gạch gói văng vào chân con trai tôi và làm nó bị thương”.

 
Tình người trong lũ dữ
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định trao quà cứu trợ đột xuất cho người dân xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ.

Căn nhà nằm sát chân núi của bà Dương Thị Thiên (ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) cũng tan hoang sau trận mưa lớn gây sạt lở. Đứng bần thần bên bàn thờ chồng trong chính gian nhà bị sập vách và cháy do chập điện, bà Thiên khắc khoải và mỏi mệt. 20 ngày trước, bà phải hứng chịu nỗi đau mất đi người chồng thì hôm nay lại tiếp tục gánh khó khăn về chốn ở. 

Thiệt hại về tài sản lên đến 40 triệu đồng, nhưng bà vẫn tự an ủi mình bởi đã không có bất kỳ người nào trong nhà bị thương hoặc thiệt mạng. Người phụ nữ này tin rằng, vong linh của người chồng đã phù hộ cho cả nhà bình an giống như bàn thờ chồng vẫn nguyên vẹn dù xung quanh là đổ nát, cháy sém.

Ngồi trên giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, chị Lê Thị Thủy (43 tuổi, ở thôn Lương Thọ 1, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) cứ chốc lát lại gọi điện về nhà. Trên cơ thể chị, những vét cháy do bị sét đánh trúng nổi bật, đập vào mắt người đối diện. Thế nhưng, mặc kệ cơn đau, tâm trí chị đang hướng về gia đình. Ở đó, chồng chị và các con đang vất vả dọn dẹp nhà cửa, tàn tích của vụ cháy do bị sét đánh trúng. 

Chị bảo: “Mọi thứ trong nhà đều cháy sạch. Tivi chỉ còn mỗi bộ khung. Tường nhà thì nứt… Đáng lẽ giờ này tôi phải ở nhà, cùng chồng con dọn dẹp”.

Theo chân những người làm hoạt động cứu trợ về với các vùng lũ, chúng tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện đẹp về tình người trong lũ dữ.

Đến xóm 2, thôn Tân Phú, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ - nơi nằm ngay chân dốc dẫn về đầm Trà Ổ, câu chuyện về việc cả xóm giúp nhau chạy lũ cứ được bà con nhắc đi nhắc lại. 

Bà Đặng Thị Đồng (56 tuổi) tấm tắc: “Lũ lớn, đổ về đột ngột, tôi và mẹ già 78 tuổi đang bối rối, chưa biết làm sao thì đã có anh em, chính quyền và lực lượng Quân đội, Công an đến giúp đỡ. Họ cõng mẹ tôi chạy về phía trụ sở thôn chưa bị ngập; khiêng xe máy chất lên cao. Chưa hết, 10 con heo - tài sản lớn nhất  của nhà tôi cũng được cho vào rọ, khiêng giúp lên chỗ chưa có nước”.

Ở thôn Tân Thạnh 2, xã Hoài Hảo, cụ bà Nguyễn Thị Sạn (77 tuổi), lại bùi ngùi rơi nước mắt khi chứng kiến thanh niên trong thôn đến dựng lại mái tôn đã bị gió thổi bay đi mất. Thân già lầm lũi một mình, không có con cháu bên cạnh, sự quan tâm của hàng xóm láng giềng, địa phương là nguồn động lực lớn với bà.

Về với vùng lũ Phước Thuận (huyện Tuy Phước), chúng tôi được nghe về một câu chuyện đẹp khác. Chiều 5-11, bà Võ Thị Hồng Hoa, DNTN Tùng Hoa (ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận) đã hỗ trợ quà khẩn cấp cho người có nhà sập trên địa bàn xã. Người phụ nữ này cũng đã chủ động đề nghị được cưu mang bà Lê Thị Tám (65 tuổi, ở thôn Lộc Hạ) sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo của bà.

Bà Hoa nói: “Tôi đã từng trải qua những chuỗi ngày cơ cực, nên rất thấu hiểu những khó khăn mà chị Tám đang trải qua. Lành lành đùm lá rách. Tôi sẵn lòng cưu mang, chăm lo cho chị Tám. Chị có thể về ở, phụ việc buôn bán với gia đình tôi. Tôi cam đoan sẽ đóng bảo hiểm, trả lương mỗi tháng 3 triệu đồng. Nếu chị ốm đau, tôi sẽ lo tất cả”.

Bà Lê Thị Tám rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào nói: “Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến em Hoa. Tôi mừng, ấm lòng lắm khi em sẵn sàng giúp đỡ trong thời điểm khó khăn chồng chất này. Nhưng cho tôi suy nghĩ, vì tôi còn phải lo nhang khói cho ông bà…”.
Hoàng Nguyên
 

Tác giả: Hoàng Nguyên

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây