Sáng 26-2, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc liên quan đến vụ chìm ghe khiến 6 người tử vong xảy ra tại thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, thông tin về vụ chìm ghe: Khoảng 16h ngày 25-2, 10 người dân thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường trong 3 gia đình (gồm 4 nam, 6 nữ) đi sản xuất từ bãi đất màu Mỹ Thuận, giáp ranh giữa xã Đại Cường và Đại Nghĩa, về thôn Khương Mỹ trên một chiếc ghe.
Ông Khuất Việt Hùng phát biểu tại buổi làm việc. |
Khi đến đoạn giữa sông Vu Gia thì xảy ra lật ghe, khiến 10 người rơi xuống sông. Phát hiện sự việc, người dân gần đó đã đến ứng cứu vớt được 4 người đưa đi cấp cứu, 6 người còn lại mất tích.
Trong tối 25-2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, trực tiếp có mặt tại hiện trường huy động lực lượng hàng trăm người tổ chức tìm kiếm 6 nạn nhân mất tích. Đến 22h45 cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm kiếm được 6 thi thể các nạn nhân và bàn giao cho gia đình.
Trung tá Mai Thanh Tâm thông tin về vụ chìm ghe tại buổi làm việc. |
Thay mặt Công an huyện Đại Lộc, Trung tá Mai Thanh Tâm, Phó Trưởng Công an huyện, cho biết Đại Lộc là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam, nơi có 2 con sông lớn chảy ra là Vu Gia và Thu Bồn. Do đó, nhiều gia đình ở địa phương đều có một chiếc ghe nhỏ để phục vụ công tác phòng chống lũ lụt và di chuyển trên sông nước.
Thời gian qua, Công an huyện Đại Lộc thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các bến đò ngang, đò dọc; tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn khi tham gia đường thủy nội địa trên địa bàn.
Theo Trung tá Mai Thanh Tâm, khu vực xảy ra vụ chìm ghe không phải là bến đò ngang, đò dọc mà chỉ là bến thông thường, người dân tự phát dùng ghe đi qua lại để sản xuất, canh tác nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Về nguyên nhân vụ chìm ghe, Công an huyện Đại Lộc đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng để điều tra, có kết luận cuối cùng.
Sau khi nghe các đơn vị liên quan có ý kiến, ông Khuất Việt Hùng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc trong việc tham gia cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ chìm ghe.
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng theo quy định thì người ngồi trên phương tiện đường thủy đều phải mặc áo phao và trên phương tiện bắt buộc có đầy đủ các thiết bị cứu nạn khi cần thiết.
Ông Khuất Việt Hùng động viên, thăm hỏi gia đình chị Ái. |
Ông Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo địa phương thăm hỏi, động viên gia đình ông Nguyễn Đình Ba. |
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Ái. |
Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa mạnh nên chưa đủ sức răn đe, người dân còn chủ quan trong việc đi lại tự phát trên sông. Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm khi tham gia phương tiện đường thủy, qua đó nhằm nâng cao ý thức của người dân…
Sau buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm ghe này.
Tại những nơi đến thăm, ông Khuất Việt Hùng đã trao tặng tiền hỗ trợ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho gia đình các nạn nhân; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng đã thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ lo hậu sự cho các nạn nhân.Tác giả: Ngọc Thi (Clip)
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn