Đây không phải là lần đầu tiên bà Thuỷ làm từ thiện, bởi trước đó bà đã từng bỏ ra 6 tỉ đồng để xây trường mầm non ngay chính trên quê hương mình. Dù đã trở thành một doanh nhân thành đạt nhưng người phụ nữ này luôn có thói quen đi chân đất, thậm chí ngay cả khi tiếp đối tác. Bởi vậy người ta đã đặt cho bà biệt danh “đại gia chân đất”.
Xuất thân bần hàn nên bà Thuỷ luôn mong muốn có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình. |
50 tấn gạo nghĩa tình
Khi được hỏi, lý do nào khiến mình quyết định ủng hộ 50 tấn gạo cho các đơn vị chống dịch COVID-19 thì bà Thuỷ đáp rằng: “Khi xem tivi, chứng kiến hình ảnh các chiến sĩ Công an, Bộ đội nhường nơi ở làm nơi cách ly, phải ăn, ngủ trên nền đất rừng để ngăn dịch bệnh, tôi cảm động lắm. Tôi nghĩ, các chiến sĩ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình để chung tay cùng dân tộc chống lại dịch bệnh. Vậy thì mình cũng nên làm một việc gì đó thiết thực, có ý nghĩa để tri ân họ. Từ đó, tôi quyết định trích tiền ra mua 50 tấn gạo ủng hộ công tác phòng chống dịch. Số gạo này được mua từ nguồn trích lợi nhuận kinh doanh của công ty với tổng trị giá 600 triệu đồng. Hiện đã được chuyển đến các nơi phòng dịch”.
Theo lời chia sẻ của “đại gia chân đất” này thì 20 tấn gạo sẽ được phân bổ về hai cụm cách ly của tỉnh Bắc Giang ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. 20 tấn gạo được tặng cho khu vực cách ly theo dõi sức khoẻ tập trung của tỉnh Lạng Sơn và 10 tấn gạo cho Bệnh viện Quân y 5 - Cục Hậu cần (Quân khu 3) ở TP Ninh Bình.
Cuộc đời thăng trầm của nữ "đại gia chân đất"
Chỉ học hết lớp 3, khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng với chiếc xe lôi cùng đôi chân trần rong ruổi khắp nơi nhặt rác, đến nay nữ “đại gia chân đất” Trần Thị Bích Thủy đã có trong tay cơ ngơi với hàng trăm đầu xe tải, xe container, nhiều nhà xưởng, máy móc… trở thành doanh nghiệp đa ngành nghề với khối tài sản khổng lồ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thói quen đi chân đất đã ngấm vào máu của nữ doanh nhân. |
Điều đặc biệt là, ngay cả khi đã trở thành doanh nhân thành đạt thì bà Thuỷ vẫn giữ thói quen… đi chân đất mỗi ngày. Lý giải về thói quen “lập dị” này, bà Thuỷ cho biết: “Một phần vì thói quen, phần vì đôi chân trần đã giúp tôi gây dựng sự nghiệp. Tôi đi chân đất cũng là để nhắc nhở mình luôn nhớ về thuở hàn vi để không ngừng cố gắng. Hơn nữa nó cũng giúp tôi không tạo khoảng cách với người làm. Tôi chỉ đi dép khi tiếp khách và làm việc với đối tác làm ăn. Nhiều người khuyên tôi thay đổi, nhưng tôi nghĩ là không cần thiết. Bản thân tôi là người nhà quê nên luôn thích sự giản dị và thoải mái”.
Năm 13 tuổi, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng bà Thuỷ đã phải làm đủ mọi việc để có tiền trang trải cuộc sống. Bà Thuỷ kể lại: “Trong quá trình đi làm, tôi có tham gia một nhóm chuyên đi nhặt rác thuê cho một đơn vị. Họ tái chế các phế phẩm từ rác thải làm thành các vật dụng có ích. Tôi xin vào đơn vị này học nghề. Sau hơn 5 năm làm công nhân, tôi đã làm chủ được dây chuyền công nghệ của họ”.
Năm 2000, từ những kinh nghiệm đã học được, bà Thủy liều lĩnh mở công ty riêng. Ngày đó, ai cũng cho rằng quyết định của bà đầy nguy hiểm, một người công nhân học chưa hết lớp 3, chỉ biết làm thuê thì sao có thể thành công trong vai trò của một bà chủ.
Thế nhưng 6 năm sau, năm 2006, mô hình công ty của bà thành công và chính thức đi vào hoạt động. Giờ đây, sau 20 năm kể từ ngày đưa ra quyết định táo bạo ấy, bà đã trở thành giám đốc của một công ty lớn với số tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Khi hỏi những người làm công tại Công ty Bích Thủy, họ có kể một câu chuyện vui về thói quen đi chân đất của nữ giám đốc. Đó là trong một lần đối tác làm ăn đến kí hợp đồng, hỏi gặp giám đốc, bảo vệ chỉ về phía bà Thủy khi bà đang đứng chỉ đạo công nhân. Người này ban đầu tưởng bị bảo vệ bỡn cợt nên có chút tức giận, nhưng khi biết người đàn bà mặc bộ áo nâu, quần xắn ống cao ống thấp, đi chân đất đó là giám đốc công ty thì vô cùng ngạc nhiên.
Về phần mình, bà Thuỷ cũng không sao quên được kỷ niệm vào năm 2009, khi lên nhận giải thưởng Cúp vàng Doanh nghiệp, suýt chút nữa bà đã đi chân đất lên nhận giải. Sau lần đó, người thân của bà thường phải chuẩn bị sẵn dép cho bà.
Bà bảo: “Mỗi khi tôi đi nhận giải thưởng vinh danh doanh nghiệp hay cá nhân, người thân của tôi luôn đi theo chỉ để làm mỗi một việc là nhắc tôi nhớ đi dép”. Thói quen kì lạ ấy dường như đã ngấm vào máu của nữ doanh nhân này và bà không cho đó là “kì lạ”.
Vốn xuất thân bần hàn nên khi thành đạt, bà Thủy luôn muốn có những hành động từ thiện thiết thực nhất để giúp đỡ cho những người dân nơi bà sinh sống. Việc bà Thủy đầu tư xây dựng Trường Mầm non Kiên Cường ngay tại quê hương chính là minh chứng rõ nhất cho tấm lòng của bà.
Chứng kiến cảnh nhiều cháu bé ở lứa tuổi đi nhà trẻ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, vì mồ côi cha mẹ hay bị cha mẹ bỏ rơi, tật nguyền mà không thể đến trường khiến bà Thuỷ luôn cảm thấy xót xa.
Chính bởi lòng trắc ẩn ấy đã khiến bà Thủy quyết định bỏ ra 6 tỷ đồng để mua đất, xây trường, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công việc nuôi và dạy các cháu. Năm 2010, Trường mầm non Kiên Cường chính thức được đưa vào sử dụng.
Những tấn gạo nghĩa tình đang được chuyển đến các đơn vị chống dịch. |
Tại vùng nông thôn nghèo như xã Tân Dĩnh, thật hiếm có một nhà trẻ nào mà mỗi học sinh được sử dụng một giường riêng, theo mẫu của Nhật Bản, vừa chất lượng, vừa đẹp lại đảm bảo an toàn. Từng chiếc ghế của các cháu ngồi học, bát thìa ăn cơm, cầu trượt có vòm, cầu trượt không vòm, xích đu, ngựa cưỡi, cái gì cũng đẹp, cũng chất lượng.
Bà Thủy tâm sự: “Trẻ con thích cái đẹp, từ sắc màu đến hình khối. Trường nuôi dạy nhiều cháu ở các độ tuổi khác nhau, nên khi sắm đồ, tôi cũng phải tham khảo rất nhiều từ những thầy cô trong ngành, kết hợp cùng sự hiểu biết và cảm nhận của bản thân để chọn đồ chơi phù hợp với các cháu”.
Khi được hỏi vì sao lại đặt tên trường mầm non là Kiên Cường, bà Thủy lý giải: “Để có được ngôi trường cho các cháu, tôi phải vượt qua rất nhiều rào cản, âu cũng là do ai đó chưa hiểu được cái “tâm”, cái “tình” của mình. Họ ngờ vực mục đích của tôi xây trường là để kinh doanh hoặc cái gì đó đại loại như thế. Song tôi luôn tự nhủ với bản thân phải vượt qua tất cả vì tuổi thơ con em chúng ta.
Không ai có quyền được chọn cha mẹ cho mình, các cháu sinh ra dù hoàn cảnh khó khăn vẫn có quyền được học, được chơi, được nuôi dưỡng và bảo vệ. Ngôi trường được ra đời từ ý chí kiên cường, tôi muốn gửi vào đó thông điệp về nghị lực sống. Bản thân trong ngôi trường mầm non này, có những đứa trẻ đang kiên cường sống, kiên cường tồn tại”.
Trong Công ty Bích Thuỷ, công nhân hầu hết là những người nghèo, trẻ mồ côi hoặc người lớn tuổi… Bà Thuỷ giải thích: “Tôi muốn xây dựng mô hình công ty theo kiểu gia đình, tự cung tự cấp, tự nuôi nhau. Tất cả những lao động ở đây đều được coi như thành viên trong gia đình”. Nề nếp, bài bản, nghiêm túc trong lao động, vì thế dù đã lớn tuổi, nữ “đại gia chân đất” vẫn một mình điều hành núi công việc sản xuất, vận chuyển hàng sản xuất công ty và xuất nhập khẩu xuyên quốc gia, lĩnh vực xử lý rác thải, linh kiện điện tử…
Từ khi có được cơ ngơi với của ăn của để, bà Thủy luôn hướng tới những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, các gia đình có công với đất nước. Hiện nữ giám đốc đang phục dưỡng suốt đời bà Lương Thị Toàn, vợ liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ; thương binh Dương Văn Được, nhận nuôi 3 trẻ mồ côi dân tộc Nùng đến khi bà qua đời. Ngoài ra, 30 trẻ mồ côi huyện Lạng Giang luôn được bà quan tâm, tặng quà, lo lắng. Bên cạnh đó, bà Thuỷ còn dành sự quan tâm đặc biệt cho 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện suốt nhiều năm qua bằng hiện vật và tấm lòng chân thành của mình.
Song AnhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn