Chia sẻ tại chương trình, Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp, quy mô và thủ đoạn hoạt động tinh vi, đối tượng phạm tội có tính tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.
Hầu hết các nạn nhân bị mua bán ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong và ngoài tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, hoàn cảnh éo le, trình độ văn hoá thấp, nhẹ dạ cả tin, một số khác do ham chơi, đua đòi nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt, lợi dụng bán sang Trung Quốc với nhiều mục đích khác nhau.
Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã xử lý 16 vụ, bắt 24 bị can; tiếp nhận, xác minh, giải cứu 7 nạn nhân, đã ngăn chặn 3 vụ, giải cứu kịp thời 3 bị hại đang bị đối tượng mang qua biên giới Trung Quốc mua bán. Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như thông qua các trang mạng xã hội tìm kiếm các phụ nữ đang mang thai nhưng không có đủ điều kiện để nuôi con, có thai ngoài ý muốn mà định đem con của mình cho người khác nhận nuôi.
Các đối tượng sẽ thâm nhập vào các hội nhóm có nội dung cho, nhận con nuôi trên mạng xã hội Facebook. Khi thấy các bài đăng, bình luận của phụ nữ mang thai cần người nhận nuôi con thì sẽ nhắn tin qua Messenger, Zalo để dụ dỗ, lôi kéo các phụ nữ đang mang thai sang Trung Quốc để đẻ con và đưa con cho người Trung Quốc nuôi nhận một khoản tiền…
Cùng với công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hiện đơn vị cũng đang phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng, chống tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ ANTT, phát hiện tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em dưới mọi hình thức để mua bán người. Cảm hóa, giáo dục, răn đe, tạo việc làm cho các đối tượng phạm tội mua bán người đã chấp hành xong hình phạt tù để giúp hoàn lương, sửa chữa lỗi lầm không tái phạm. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.
Tại chương trình, đại diện Báo CAND, Cục Cảnh sát Hình sự cùng Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng trao số tiền 100 triệu đồng cho 11 nạn nhân bị mua bán, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Nhận số tiền từ tay nhà tài trợ, chị Đặng Mùi Chuống (SN 2003, ở tại xã Yên Lac, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), một trong những nạn nhân của đường dây mua bán người xúc động, chia sẻ: Có số tiền này, tôi sẽ dùng để lo cho con gái. Tôi không biết nói gì để cảm ơn cán bộ Công an và các nhà tài trợ…
Giọng chị Chuống nghẹn lại, từ trong khóe mắt những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn rơi. Đó là một mùa hè của hơn 4 năm về trước, khi đó chị Chuống chưa đầy 14 tuổi. Thương bố, mẹ vất vả, chị Chuống muốn tìm một công việc làm để có thêm thu nhập nên đã lên mạng Internet tìm kiếm thông tin. Chị không thể ngờ rằng, cuộc điện thoại đó đã làm thay đổi cả cuộc đời của chị.
Theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ quen biết trên mạng xã hội, chị Chuống giấu bố mẹ đến điểm hẹn. Khi chị tỉnh lại thì đã ở trong nhà của một cặp vợ chồng người vợ là phụ nữ Việt Nam, còn người chồng ở Trung Quốc. Lúc này, chị Chuống biết rằng mình đã bị lừa nhưng mọi sự đã muộn màng. Sau hai lần xem mắt, cuối cùng chị Chuống buộc phải chấp nhận làm vợ của một người đàn ông Trung Quốc hơn chị nhiều tuổi.
“Lúc ở nhà, tôi chỉ biết chăn trâu, cắt cỏ, sang đây chồng và gia đình chồng bắt phải làm ruộng, tôi không biết làm nên bị chồng đánh đập không thương tiếc. Ngay cả khi mang thai cô con gái đầu lòng, người chồng vũ phu cũng không chịu buông tha”- chị Chuống nhớ lại. Trong những ngày đó, chị Chuống luôn khát khao được trở về gia đình.
Thông qua facebook, chị Chuống đã kết nối được với các cơ quan chức năng ở Việt Nam rồi được hướng dẫn trở về nước. Trở về địa phương, cuộc sống của chị Chuống gặp rất nhiều khó khăn, Chị phải gửi con cho ông, bà ngoại chăm sóc rồi về Bắc Ninh làm thuê trong một khu công nghiệp nhưng “chỉ ráo mồ hôi” lại hết tiền. Đó là chưa kể những lúc con nhỏ ốm đau...
Khi nhận được số tiền của các nhà tài trợ, em Lý Thị Xía (SN 2005, trú tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) phải điểm chỉ vì không biết chữ. Cầm số tiền trong tay, Xía xúc động nói với chúng tôi: Đây là lần đầu tiên, tôi được cầm số tiền lớn như vậy. Tôi xin cám ơn…
Khi Xía tròn 1 tuổi thì mẹ qua đời; cứ thế, Xía lớn lên trong sự chăm sóc của 8 người anh, chị và người cha. Qua các mối quan hệ xã hội, Xía quen biết một người đàn ông tên là Ký, được người này rủ sang Trung Quốc làm thuê với số tiền là 3.000 NDT/ tháng. Trước những lời hứa có cánh của gã đàn ông này, Xía đã đồng ý mà không biết rằng đã rơi vào cái bẫy của những kẻ buôn người.
Khi sang đến Trung Quốc, người đàn ông bảo Xía rằng anh ta đi chợ. Đến tối khi không thấy anh ta trở về, Xía hỏi chủ nhà thì mới biết rằng đã bị bán cho cặp vợ chồng người Trung Quốc. Không được học hành đến nơi đến chốn nhưng sự va đập của cuộc sống khiến Xía hiểu rằng lúc này có khóc lóc, van xin cũng vô ích vì gia chủ đã phải bỏ một số tiền lớn để mua cô. Vì thế, Xía ngoan ngoãn nghe lời chủ nhà để rồi tìm cơ hội để về nước. Xía may mắn hơn nạn nhân Chuống vì sau khi về nước và trải qua những cú sốc về tâm lý, Xía đã tìm được bến đỗ của đời mình. Chia sẻ với chúng tôi về ý định của mình, Xía cho biết, cô sẽ dùng số tiền được nhận để mua một đàn lợn, phát triển sản xuất kinh doanh…
Trao những phần quà hỗ trợ tới các nạn nhân bị mua bán tại chương trình, chị Nguyễn Công Diệu Linh, đại diện Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC cho biết, thời gian qua, nạn mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ và trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Là một doanh nghiệp luôn hướng về cộng đồng và xã hội, FE CREDIT dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, mong muốn phối hợp với các cơ quan ban, ngành trong công tác hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng…
“FE CREDIT mong rằng những phần quà hôm nay sẽ hỗ trợ các nạn nhân sớm lấy lại tinh thần, tránh tâm lý mặc cảm và vực dậy sau những khó khăn đã trải qua. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục được phối hợp với các ban, ngành và có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực hơn nữa, đồng thời mong muốn các cơ quan ban, ngành cùng địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp họ có thể vay vốn, hỗ trợ học nghề, trợ giúp tâm lý….” - chị Nguyễn Công Diệu Linh chia sẻ.
Nhân dịp này, Báo CAND cùng nhà tài trợ cũng đã trao tặng các phần quà cho các cháu bé là nạn nhân của các đường dây mua bán người. Cháu nhỏ nhất là Nguyễn Gia Long cũng vừa tròn 9 tháng tuổi, bị chính người mẹ đẻ sinh ra mang đi bán; cháu lớn hơn cũng khoảng từ 4-7 tuổi, hiện đang sống nhờ sự đùm bọc, cưu mang của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Nhiều cháu khác được người thân trong gia đình cưu mang, chăm sóc, hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Những phần quà tặng tuy không lớn nhưng có ý nghĩa thiết thực, Báo CAND mong rằng sẽ tiếp tục trở thành nhịp cầu nối, cùng các nhà tài trợ để phần nào chia sẻ với những khó khăn của những người phụ nữ, những cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt qua cuộc sống.
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn