Nữ tình nguyện viên hết lòng với trẻ khuyết tật

Chủ nhật - 25/02/2018 16:08
Trong một lần đi theo tổ chức tình nguyện viên toàn cầu đến Việt Nam vào cuối năm 2013, chị Carly Placek (27 tuổi, quốc tịch Mỹ)...


Trong một lần đi theo tổ chức tình nguyện viên toàn cầu đến Việt Nam vào cuối năm 2013, chị Carly Placek (27 tuổi, quốc tịch Mỹ) cảm thấy yêu thương và gắn bó trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, Carly Placek quyết định ở lại Việt Nam để cùng với các cán bộ, nhân viên của trung tâm tự nguyện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tiếp xúc với nữ tình nguyện viên này, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm chân thành chị dành cho con trẻ ở trung tâm xuất phát từ sự yêu thương những cuộc đời bất hạnh.

Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) được thành lập từ năm 1966, đóng tại xã Thụy An, huyện Ba Vì. 

Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em tàn tật và trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 355 đối tượng bảo trợ xã hội gồm: 170 người già và người tàn tật (trong đó có 30 người tàn tật nặng không tự phục vụ được); 165 trẻ em tàn tật (trong đó có 80 trẻ bị bại não, bị bệnh down) và 20 trẻ sơ sinh.

Nữ tình nguyện viên hết lòng với trẻ khuyết tật
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND và chị Carly Placek trò chuyện với trẻ nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội.

Nhiều năm qua, trung tâm luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng được bảo trợ. Người già, người tàn tật, hàng ngày được tập luyện phục hồi chức năng, đọc sách báo từ 1 đến 2 giờ và tham gia lao động lý liệu, tăng gia sản xuất. Với đội ngũ 10 y sĩ, y tá điều dưỡng, hàng ngày khám và điều trị cho người già, người tàn tật và trẻ em tàn tật, công tác y tế luôn được trung tâm quan tâm, chú trọng.

Đối với trẻ tàn tật, ngoài công tác phục hồi chức năng, trung tâm thường xuyên duy trì lớp học linh hoạt cho các cháu trẻ tàn tật, các cháu được học nhạc, học họa, học giao tiếp, học kỹ năng sống và các trò chơi dân gian. Trẻ đến tuổi đi học được học hoà nhập cộng đồng tại trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Kết quả học tập của các cháu đều đạt từ trung bình và khá trở lên.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tích cực tăng gia sản xuất như: trồng rau xanh, nuôi lợn, thả cá... để bổ sung vào bữa ăn cho đối tượng bảo trợ. Nhờ vậy, chất lượng bữa ăn hàng ngày của đối tượng ngày càng được cải thiện. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, vào các ngày lễ, Tết, trung tâm thường nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan và cá nhân đến thăm hỏi, động viên, tặng quà.

Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội cho biết, đối tượng nuôi dưỡng của đơn vị là những đối tượng xã hội diện đặc biệt, nhiều bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, hầu hết đối tượng là già yếu, trẻ em bại não và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nên đòi hỏi công tác phục vụ rất nặng nề.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của trung tâm làm việc theo ca với thời gian liên tục 24/24 giờ để quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và chăm sóc các đối tượng gặp được tốt nhất. Hàng năm, số lượng đối tượng bảo trợ liên tục tăng nên trách nhiệm của trung tâm đối với công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho họ cũng cao hơn.

Đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh của các đối tượng vảo trợ ở trung tâm này, chúng tôi thấy họ thật đáng thương. Họ là những người già, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt được trung tâm đón nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo. Từ người già đến trẻ nhỏ, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng trong ngôi nhà chung và bằng trách nhiệm, sự sẻ chia của mình, tập thể trung tâm đã giúp các đối tượng bảo trợ từng bước vượt qua những khó khăn ấy để nỗ lực vươn lên, hoà nhập cộng đồng.

Ở mái nhà chung này, mỗi người đều được yêu thương, đùm bọc và tạo những điều kiện tốt nhất để sống, học tập, làm việc, sinh hoạt và vui chơi.

Trước khi đi theo tổ chức tình nguyện viên toàn cầu đến Việt Nam, Carly Placek là sinh viên. Khi tìm hiểu về hoạt động của Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội và trực tiếp thấy các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng ở trung tâm này, chị Carly Placek đã cảm thấy muốn gắn bó lâu dài với các cháu nhỏ thiếu may mắn đang sống ở đây. Vậy là chị đề nghị với Ban Giám đốc trung tâm cho mình làm tình nguyện viên chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà không đòi hỏi một quyền lợi gì.

Thấy Carly Placek có tấm lòng chân thành yêu trẻ khuyết tật, Ban Giám đốc trung tâm đồng ý để chị đến trung tâm hàng ngày giúp cán bộ, nhân viên trong trung tâm trong quá trình trợ giúp cho các trẻ khuyết tật trong sinh hoạt như: bón ăn, vệ sinh cá nhân, vui chơi với trẻ…

Kể từ tháng 12-2013 đến nay, mỗi năm, chị Carly Placek ở Việt Nam khoảng 9 tháng. Mỗi ngày, chị đến làm việc ở trung tâm 6 giờ đồng hồ. Hết giờ làm việc ở trung tâm, chị ra ngoài thuê khách sạn để sinh hoạt tự túc.

Tại trung tâm, dù chỉ với vai trò là tình nguyện viên nhưng với tấm lòng chân thành, chị luôn chăm sóc các trẻ khuyết tật rất trách nhiệm và chu đáo. Thời gian rảnh rỗi, chị Carly Placek chịu khó học tiếng Việt Nam để có thể dễ dàng giao tiếp với các cán bộ, nhân viên của trung tâm. Vào ngày thứ 7 hàng tuần, chị dạy tiếng Anh ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Tiền kiếm được từ việc dạy tiếng Anh, chị dành để giúp đỡ các trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt ở trung tâm.

Sau hơn 4 năm sống ở Việt Nam, đến nay chị Carly Placek nói tiếng Việt khá tốt. Chị chưa có gia đình riêng nên vẫn toàn tâm chăm sóc con trẻ ở trung tâm này.

Nhận xét về chị Carly Placek, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật thành phố Hà Nội cho biết, có được một tình nguyện viên như vậy là may mắn với trung tâm. Bởi việc chăm sóc các cháu nhỏ khuyết tật ở đây với người có nghề đã là điều khó khăn. Đối với người không có nghề còn khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên với tấm lòng chân thành của mình, chị Carly Placek đã làm tốt việc chăm sóc con trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, được trung tâm đánh giá cao.

Với tình nguyện viên Carly Placek, được chăm sóc cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt là điều chị thích với cái tâm hướng thiện. Nhưng với chúng tôi, những việc làm của chị thật đáng quý khi mà chính thân nhân của các cháu nhỏ khuyết tật nơi đây cũng chưa làm được cho con, em mình.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây