Cùng với tấm lòng của đồng bào cả nước, người miền Trung tương thân, tương ái “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đã giúp nhau vượt qua hoạn nạn; trong đó có sự đóng góp rất lớn của lực lượng Công an cơ sở, để mọi nhà được đón một cái Tết Nguyên đán no ấm, yên bình…
1. Năm mới Tân Sửu 2021 đã cận kề. Những tuyến đường trên đại ngàn Trường Sơn bị mưa lũ làm sạt lở nghiêm trọng vào hồi tháng 10, 11/2020, giờ đây đã được san lấp, sửa chữa thông thương giữa miền ngược và miền xuôi.
Ngược con đường rừng bên dòng sông Tranh, trong tôi vẫn còn đó ánh mắt đau đáu trĩu nặng nỗi niềm của Thượng tá Phạm Thế Long, Phó trưởng Công an huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), hôm đón đoàn công tác xã hội – từ thiện Báo CAND cùng nhà tài trợ về trao quà hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại do lũ quét ở các xã Trà Bui, Trà Đốc… vào trung tuần tháng 11/2020.
Dường như ánh mắt ấy ám ảnh tôi suốt cả mùa mưa lũ, cùng với câu chuyện nghĩa tình, tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nhân dân phục vụ” nơi vùng cao xa xôi này. Đó là vụ lở núi xảy ra chiều hôm trước khi đoàn công tác xã hội - từ thiện Báo CAND về Bắc Trà My, trên tuyến độc đạo dẫn lên Nam Trà My, ngay bên đập chính thủy điện Sông Tranh 2.
Thượng tá Phạm Thế Long kể rằng, lúc xảy ra vụ sạt lở, một số cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an cơ sở đang chặt cây dọn dẹp tuyến đường để thông xe, may mà mọi người kịp thời phát hiện hô hoán chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng khi thấy một số người đi đường bị thương do đất đá đè, các anh đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng quay lại cứu người.
Càng nguy hiểm hơn là lúc chạy trở lại thì núi tiếp tục sạt lở. Song, cứu người là trên hết, các anh đã không chần chừ lăn xả vào đào bới đống bùn đất nhão nhoẹt, lẫn lộn đá cục, đá hòn, đưa những người bị thương lên cõng đến khu vực an toàn để đưa đi bệnh viện cấp cứu.
“Anh em Công an chúng tôi cũng là con người bằng xương, bằng thịt; cũng có gia đình, vợ con… Nhưng nhìn thấy người dân gặp hoạn nạn, không ai bảo ai đều lao vào cứu người. Trong thời khắc đối mặt với nguy hiểm, sống chết chỉ là gang tấc, song anh em vẫn không ngần ngại. Hành động đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim!”, Thượng tá Phạm Thế Long tâm sự.
Đại diện Báo CAND và nhà tài trợ trao quà cho người dân bị lũ quét, sạt lở núi xã Phước Lộc, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
Sau cuộc trao đổi chớp nhoáng, Thượng tá Phạm Thế Long đưa đoàn công tác xã hội – từ thiện đến hiện trường vụ sạt lở núi bên chân đập chính thủy điện Sông Tranh 2.
Tại đây, các CBCS Công an huyện Bắc Trà My vẫn đang nỗ lực cùng lực lượng chức năng đào bới đống đất đá hỗn độn để tìm kiếm một nạn nhân còn mất tích. Từng người tay cuốc, tay xẻng khẩn trương đào bới, tìm kiếm trong đống đất đá ngập sâu hơn 5m trên đoạn hơn 100m của tuyến quốc lộ 40B dẫn về Nam Trà My.
Điều đáng nói, khi chúng tôi trao hỗ trợ cho thân nhân nạn nhân bị mất tích vừa rời đi chừng 30 phút sau, lại tiếp tục xảy ra sạt lở núi tại hiện trường, may mà các CBCS tìm kiếm nạn nhân mất tích đã kịp chạy thoát, chỉ số ít người bị thương nhẹ…
2. Bất chợt tôi nhớ đến lời trao đổi chân tình của Thượng tá Mai Xuân Sang, Trưởng Công an huyện Nam Trà My, khi tôi điện thoại cho anh để nắm tình hình trước khi đoàn công tác xã hội – từ thiện Báo CAND và nhà tài trợ lên trao quà cho người dân bị thiệt hại do lũ quét và sạt lở núi.
Khi được tôi thông báo, trong chuyến đi, nhà tài trợ cũng quyết định trao tặng cho các CBCS Công an bám sát cơ sở di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để phòng, tránh lũ quét; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt tìm kiếm những nạn nhân mất tích trong các vụ sạt lở núi ở Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai… thì phía bên kia đầu dây, giọng Thượng tá Mai Xuân Sang trầm hẳn: “Chúng tôi rất cảm ơn Báo CAND và các nhà tài trợ đã quan tâm chia sẻ với những gian khổ, vất vả của lực lượng Công an cơ sở. Nhưng thú thật, các anh hãy lo cho bà con trước đã. Trên này, bà con bị sạt lở núi vùi lấp nhà cửa, mất mát người thân, phải sống tạm bợ trong ủy ban xã, trường học…, cuộc sống rất khó khăn!”.
Và, trong mưa rừng xối xả, mặc cho những quả núi “uống no nước”, nguy cơ sạt lở rình rập, Thượng tá Mai Xuân Sang vẫn không nề hà đưa chúng tôi vượt qua những cung đường vừa mới được san ủi đất đá, chỉ đủ cho chiếc ôtô đi lọt để đến với người dân các thôn, nóc bị sạt lở vùi lấp…
Đến hôm nay, vẫn còn trong tôi hình ảnh Thượng úy Lê Minh Phước, Trưởng Công an xã Trà Leng cùng đồng đội tất bật làm nhà tạm cho bà con bị nạn do sạt lở núi có nơi cư trú. Anh cho hay, mưa lớn kéo dài gây lở núi khiến không ít gia đình mất người thân, nhà cửa, CBCS trong đơn vị anh bám trụ cơ sở để cùng lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích, dựng những khu nhà tạm cho bà con có chỗ ở.
Anh bộc bạch: “Bám cơ sở, bà con ăn gì thì mình ăn nấy, ngủ ở đâu thì mình ngủ ở đó. Anh em chúng tôi luôn ở bên cạnh giúp đỡ bà con để bà con không thấy bị đơn độc; an ủi để họ yên tâm, mạnh mẽ hơn để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”…
Một bản làng vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam). |
3. Và, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những tấm lòng nhân ái chung tay giúp đỡ người dân miền Trung trong những đợt bùng phát dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.
Còn nhớ khi nước lũ lụt xảy ra trên diện rộng từ Quảng Bình đến Quảng Nam, rồi tiếp theo là ảnh hưởng của những trận bão liên tiếp gây mưa lớn làm sạt lở núi ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tôi đã điện thoại cho lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam và ngay lập tức hai anh Nguyễn Tâm Tiến và Nguyễn Tâm Thịnh (Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam) đã đồng ý hỗ trợ hàng trăm suất quà. T
iếp theo là Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn đã kết nối, đồng hành với Báo CAND để kịp thời mang đến người dân các vùng bị ngập lũ, sạt lở núi hàng nghìn suất quà ý nghĩa, thiết thực.
Chúng tôi không quên hình ảnh Lương Thị Thu Trang, thành viên chủ chốt của Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn - một cô gái có gương mặt xinh đẹp, phúc hậu, đã không quản ngại đường xa, ngược xuôi trong vùng lũ lụt Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình; về các bản làng bị sạt lở núi vùi lấp để cùng đoàn công tác xã hội – từ thiện Báo CAND mang đến trao tận tay cho người dân bị thiệt hại những phần quà nghĩa tình, với mong muốn kịp thời sẻ chia, giúp đỡ bà con.
Tống tiễn năm cũ, Thu Trang mời tôi đến dự tổng kết của Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn, tôi càng khâm phục vì số tiền ủng hộ, giúp đỡ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch; cũng như bà con các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ mà nhóm này kết nối đồng hành cùng Báo CAND là sự ủng hộ của hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp, những cá nhân có tấm lòng vàng. Trong số đó có rất nhiều đơn vị, người dân ở miền Trung tương thân tương ái bằng cả tấm lòng “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Mà đâu phải ít, số tiền quyên góp kiểu “góp gió thành bão” đạt đến con số 4 tỷ đồng!...
Những tấm lòng nhân ái như những que diêm đã cùng đốt lên ánh lửa của niềm tin và hy vọng để xua tan bóng đêm u ám của đại dịch COVID-19; làm bừng sáng lên niềm khao khát về một mùa xuân no ấm, đủ đầy của người dân ở những miền đất vừa đi qua thiên tai, lũ lụt…
Tác giả: Long Vân
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn