Nỗi tuyệt vọng của người thanh niên mắc bệnh “Lao kháng thuốc”

Thứ năm - 01/06/2017 12:18
“Cả mẹ và em trai đều mang bệnh nặng, viện phí cũng không có tiền nộp mà em chẳng biết phải làm sao. Nhìn người thân của mình chết dần mòn em không đành lòng”. Chị Đặng Thị Hường nói với chúng tôi về hoàn cảnh bất hạnh mà gia đình mình đang gặp phải.


Chị Đặng Thị Hường (quê thôn Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tìm tới tòa soạn Báo Công an nhân dân khi đã chiều muộn. Chị cho biết em trai mình là Đặng Văn Lâm (28 tuổi), mắc chứng bệnh “Lao kháng thuốc”. Sau hơn 2 năm điều trị tại Bắc Giang, mới đây đã phải chuyển về Hà Nội cấp cứu bởi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. Cùng với đó là mẹ chị, bà Ngô Thị Liễu (65 tuổi) hiện cũng đang phải điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Nhận lá đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn có dấu xác nhận của UBND xã Bắc Lý của chị Hường, chúng tôi tới Bệnh viện phổi Trung ương (quận Ba Đình, Hà Nội). Hỏi về khu vực Khoa điều trị tích cực nơi Đặng Văn Lâm nằm thì được biết, các trường hợp đã phải điều trị tại đây đều trong tình trạng rất nặng. Đây là khu vực riêng biệt, chuyên tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu, cần theo dõi nên phải lọc không khí, hạn chế người ra vào.

Nỗi tuyệt vọng của người thanh niên mắc bệnh “Lao kháng thuốc”
Căn bệnh lao kháng thuốc đang lấy đi tương lai của chàng trai 28 tuổi Đặng Văn Lâm.
Nỗi tuyệt vọng của người thanh niên mắc bệnh “Lao kháng thuốc” - Ảnh minh hoạ 2
Bà Ngô Thị Liễu mắc chứng rối loạn nhịp tim nhanh đang điều trị tại bệnh viện.

Trên giường bệnh, Lâm quỳ gập người, khó nhọc thở bằng máy oxy. Biết có người tới, Lâm gắng gượng nâng cơ thể gầy yếu với làn da xanh xao nhìn lên rồi cất tiếng chào khó nhọc. 

Chị Xuyến, người đang chăm sóc Lâm nói: “Bác sĩ điều trị bảo rằng phổi của Lâm đã hỏng tới hơn 80% nên chỉ riêng việc thở đã vô cùng khó khăn. Duy trì tư thế như vậy lâu rất khó chịu, nhưng phải thế mới có thể thở được”. 

Được chuyển về Hà Nội điều trị, trong khoảng thời gian hơn 10 ngày, Lâm liên tục phải nằm tại khu vực cấp cứu. Có thời điểm bác sĩ chẩn đoán đã đỡ hơn nên cho chuyển sang phòng Lao hô hấp nhưng chỉ được một đêm là lại phải trở về với sự theo dõi, điều trị đặc biệt.

Theo chẩn đoán, Đặng Văn Lâm bị SHH (Suy hô hấp) – Viêm phổi nặng – Lao phổi AFB (+) mức suy kiệt. Với thể trạng hiện tại, các bữa ăn của Lâm chỉ là cháo loãng, nước hoa quả chứ không thể nhai thức ăn. Tứ chi của chàng trai 28 tuổi từ lúc phát bệnh cứ dần teo lại. Tất cả các hoạt động thường ngày đều diễn ra trên giường bệnh và hoàn toàn phụ thuộc người khác. 

Bắt đầu từ khoảng năm 2014 là thời điểm căn bệnh lao mà Đặng Văn Lâm mắc phải phát ra ngoài. Khoảng thời gian Lâm gắn liền với giường bệnh cũng là lúc người vợ ra đi, bỏ lại con trai (cháu Đặng Gia Bảo) mới 7 tháng tuổi. Hiện giờ cháu phải chuyển đến sống nhờ một người trong họ… Khi chúng tôi hỏi chuyện, Lâm òa khóc. Lâm xiết đôi tay gầy gò vào chiếc gối rồi đổ ập xuống trong cơn đau và nỗi tuyệt vọng.

Chị Hường kể mình từ quê ra Hà Nội làm việc rồi lập gia đình đã nhiều năm, hiện tại có một cháu nhỏ. Gia đình ở quê là hộ nghèo, có thu nhập bấp bênh. Bởi vậy nên các khoản tiền là do chị lo liệu. 

“Ra Hà Nội nhập viện được chục ngày thì phải nộp tiền viện phí 2 lần là hơn 10 triệu đồng. Vì gia đình khó khăn quá, em mới chỉ nộp được một nửa còn lại phải xin với bác sĩ cho thêm thời gian. Nhưng tiền viện tạm khất được chứ còn tiền thuốc mua ngoài, ăn uống, thuê người ta trông nom thì vẫn cứ phải trả ngay. Trung bình mỗi ngày, số tiền phải chi từ 500-700 ngàn cho các khoản trên” - chị Hường nói.

Nói chuyện với bà Ngô Thị Liễu (mẹ chị Hường), được biết bà đang điều trị rối loạn nhịp tim nhanh. Việc điều trị rất tốn kém mà hoàn cảnh gia đình rất nghèo nên chỉ duy trì được tới đâu hay tới đó. Ngày 30 – 5, bà Liễu đã chuyển về Hà Nội để điều trị. Ngay ngày đầu nhập viện, phải nộp 3 triệu đồng, sang ngày thứ 2 phải đóng tiếp 15 triệu tiền viện phí, gia đình bà Liễu đang như ngồi trên đống lửa.

Trao đổi với ông Phùng Văn Sàng, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lý được biết, gia đình bà Liễu và anh Lâm thuộc diện hộ nghèo của xã. Cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn từ khi cả hai mẹ con đều ngã bệnh nên xã đã cấp cho gia đình bảo hiểm hộ nghèo. Hiện tại, căn nhà ở Bắc Giang đã bỏ không hơn 3 tháng, cháu Bảo con anh Lâm đang gửi nhờ tại nhà người thân.

Báo CAND mong bạn đọc cùng chia sẻ với hoàn cảnh bất hạnh của gia đình anh Lâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, điện thoại: 04.39420595, hoặc tài khoản Báo CAND: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội. Hoặc liên hệ trực tiếp với bà Ngô Thị Liễu qua số máy 01645682236; hoặc Đặng Thị Hường 01689203980.


Tác giả: Trung Hiếu

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây