Những câu chuyện nghĩa tình
Bộ trưởng cũng kể cho tôi về chuyện Bộ Công an khởi xướng, vận động và phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên trong việc giúp đỡ huyện Mường Nhé xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo của huyện.
Ông bồi hồi nhớ lại câu chuyện khi đến dự lễ khánh thành nhà ở hộ gia đình anh Hờ A Dế tại bản Nậm Pồ 4, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, khi ban tổ chức chuẩn bị thực hiện các công việc tiến hành buổi lễ, anh Hờ A Dế đột nhiên bỏ đi đâu. Mọi người nhìn quanh, thì ra anh chạy ra ngoài bụi tre ngoài cổng, chọn cây tre to, thẳng và cao nhất bụi, chặt róc hết cành.
Anh vào nhà lấy ra lá cờ đỏ sao vàng còn mới, buộc vào ngọn tre rồi cắm cây tre trước nhà. Gió đưa lá cờ tung bay trong nắng sớm. Nhìn ngọn tre còn những cánh lá rung lên cùng với lá cờ đỏ sao vàng, mọi người đều ngước nhìn và không ai nói với ai, tất cả đều trở nên nghiêm trang như đang chào quốc kỳ. Mọi người rất xúc động.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo huyện Mường Nhé. |
Câu chuyện đó tôi kể với nhiều người. Một số đồng chí công tác tại Văn phòng Bộ Công an nghe vậy liền cho tôi xem hàng chục bức thư của người dân Mường Nhé viết cho Bộ trưởng Tô Lâm, cảm ơn sự giúp đỡ của Bộ Công an đã đem lại cho gia đình họ một không gian sống sạch đẹp, an toàn trong mùa mưa gió, ấm áp khi mùa đông giá rét về.
Thư của ông Thào A Xinh, viết ngày 22-1-2020: “Gia đình tôi đã có được ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp để ở, có nơi treo ảnh Bác Hồ và đặc biệt là có nơi cư trú khi thời tiết xấu. Gia đình tôi vô cùng hạnh phúc, không sao nói hết tâm sự, tình cảm, lòng biết ơn của mình với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, cấp uỷ, chính quyền địa phương…”.
Trong thư, ông Thào A Xinh không quên hứa toàn gia đình sẽ chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, không theo tà đạo, không tuyên truyền đạo trái pháp luật, đoàn kết xây dựng cuộc sống bình yên, văn hoá tại bản, làng. Hàng chục bức thư chữ viết còn nhiều lỗi chính tả, còn xiêu vẹo nhưng đều toát lên sự biết ơn và nguyện chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cùng nhau xây dựng quê hương. Đặc biệt, gia đình nào cũng nhớ tới Bác Hồ, dành vị trí trang trọng nhất để treo ảnh Bác.
Ngàn lời nói, vạn lời hay, những buổi diễn thuyết, dù thiên kinh vạn quyển tuyên truyền không vào lòng dân bằng những căn nhà được xây dựng mới hoặc sửa chữa chắc chắn hơn, những hoạt động thực tế đã diễn ra ở huyện Mường Nhé do Bộ Công an khởi xướng và vận động các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp và các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở tỉnh Điện Biên thực hiện từ giữa năm 2019 đến nay.
Ngày kỷ niệm giải phóng Điện Biên (7-5-2020), chương trình xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo ở huyện Mường Nhé đã hoàn thành, vượt trước gần nửa thời gian theo kế hoạch. Một sự kiện rất có “Ý nghĩa đối với những người nghèo trên địa bàn ở miền núi, ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…” như phát biểu của Đại tướng, Bộ trưởng Tô Lâm.
Tại sao lại là Mường Nhé?
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho tỉnh Điện Biên là điểm sáng trong lòng nhân dân cả nước; được cả nhân loại biết đến. 65 năm qua đi, không ngủ trong vòng nguyệt quế và ánh hào quang của lịch sử, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư giúp đỡ, tỉnh Điện Biên đã cố gắng vươn lên nhưng vẫn là tỉnh nghèo. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 42,82%, có 6 huyện có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 50%, trong đó huyện Mường Nhé tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, chiếm đến 66,03%.
Bộ trưởng Tô Lâm tặng quà cho 10 hộ gia đình tiêu biểu ở huyện Mường Nhé. |
Huyện Mường Nhé thành lập năm 2002, nằm ở vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, có đường biên giới giáp Trung Quốc là 40,861 km; giáp Lào là 91,303km, có 6/11 xã biên giới. Dân số của huyện có trên 61.800 nhân khẩu. Trong đó có trên 60% là dân di cư tự do từ nơi khác đến, gồm 10 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái…
Tình hình an ninh chính trị ở đây còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể dẫn đến những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các phần tử xấu triệt để lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để tác động lôi kéo người dân di cư tự do, tham gia vào các hoạt động gây mất an ninh, trật tự. Những tháng đầu năm 2011, các phần tử phản động vận động thành lập “Vương quốc Hmông” gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của nhân dân.
Tiếp đó, tháng 10-2012, mới đây là tháng 3-2019 cũng xảy ra các vụ việc liên quan tới an ninh chính trị. Bên cạnh đó, tình hình trật tự xã hội cũng có nhiều phức tạp, tội phạm ma tuý, buôn bán người… Tình trạng người dân di cư tự do dẫn đến phá vỡ cơ cấu dân cư, gây ra nạn phá rừng… đã làm cho tình hình trên địa bàn người di cư tới có nhiều diễn biến trở nên phức tạp hơn.
Qua nhiều lần đến tỉnh Điện Biên công tác, Bộ trưởng Tô Lâm nhận ra vấn đề bất ổn này, đặc biệt là ở huyện Mường Nhé. Ông dành nhiều thời gian đến thăm tận nơi và khảo sát thực tế. Khi trở về, một điều trăn trở và luôn “đau đáu” trong suy nghĩ của ông là: Đồng bào các dân tộc ở Mường Nhé cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhiều người chưa có cuộc sống ổn định, chưa “an cư” nên như các cụ ta thường nói là chưa thể “lạc nghiệp”.
Với tầm nhìn và sự nhạy cảm của một người lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, thấm nhuần quan điểm của Đảng và Bác Hồ về vai trò của nhân dân “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, ông đã nhận ra đây là vùng “tử huyệt” mà lực lượng Công an phải hết sức lưu ý và xử lý kịp thời.
Xuất phát từ thực tế ở tỉnh Điện Biên, từ bài học ở huyện Mường Nhé trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và trực tiếp là Bộ trưởng Tô Lâm đã xắn tay vào cuộc. Với tư tưởng chỉ đạo: Muốn giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội thì phải giữ yên lòng dân bằng sự ổn định cuộc sống, bằng phát triển kinh tế - xã hội, dân phải ấm no hạnh phúc, dân phải an cư lạc nghiệp, mà trước tiên phải có căn nhà chắc chắn để ở.
Vậy mấu chốt của vấn đề này là gì? Sau chỉ đạo của Bộ trưởng, Công an tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát và kết luận Mường Nhé là huyện nghèo nhất trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Mường Nhé phải ổn canh, ổn cư, không có hộ du canh du cư, đảm bảo dân có đủ đất sản xuất, có nhà ở, có nước sinh hoạt…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm, Công an tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát về thực trạng hộ nghèo ở huyện Mường Nhé cần hỗ trợ dựng nhà khẩn cấp. Trong số 5.738 hộ nghèo thì có 1.527 hộ đồng bào, chủ yếu là dân tộc Mông, Hà Nhì, Si La… ở tất cả 11 xã đều đang sinh sống tại các nhà tạm bằng tranh tre, vách nứa, dột nát, cuộc sống tạm bợ rất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp để ổn định cuộc sống.
Với tinh thần chủ động, Bộ trưởng Tô Lâm đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an chủ động đề xuất bản vẽ thiết kế thi công và dự trù kinh phí; một mặt giao cho Công an tỉnh báo cáo đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên có giải pháp ưu tiên hỗ trợ đặc biệt từ các nguồn kinh phí của tỉnh để làm nhà ở cho các hộ nghèo ở huyện Mường Nhé là 1.149 nhà (trong đó có 979 nhà là mới, 70 hộ cải tạo); mặt khác, Bộ trưởng giao các đơn vị chức năng của Bộ Công an đề xuất về việc vận động sự ủng hộ kinh phí từ các nguồn khác.
Được sự đồng lòng ủng hộ
Nhận được chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo huyện Mường Nhé của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Điện Biên đã triển khai kế hoạch. Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện kế hoạch, trong đó Công an tỉnh Điện Biên là cơ quan Thường trực; Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé, UBND các xã của huyện Mường Nhé và các cơ quan của tỉnh có liên quan vào cuộc. Dự kiến công tác chuẩn bị trong 1 tháng thực hiện từ cuối tháng 10/2019 đến hết năm 2020 hoàn thành kế hoạch.
Mấu chốt nhất là vấn đề tài chính. Theo dự toán của các đơn vị chức năng của Bộ Công an thì chi phí cho việc sửa chữa và xây mới khoảng 1.200 nhà cho các hộ nghèo ở huyện Mường Nhé dự kiến hết 55 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm vận động quần chúng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của ngành Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đã mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên cùng vận động, kêu gọi các ngân hàng vào cuộc, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, Ngành, các Cấp ủy, chính quyền của tỉnh Điện Biên về xoá đói giảm nghèo để nhân dân ổn định cuộc sống với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà, Cộng đồng giúp đỡ hộ gia đình làm nhà”, cả huyện Mường Nhé cùng chuyển mình, nhân dân xúm vào giúp đỡ chủ nhà, chủ nhà đổi công vận chuyển nguyên vật liệu, tổ chức xây lắp. Chưa bao giờ ở Mường Nhé lại thể hiện tình người đậm đà, sâu đậm đến như vậy.
Đúng ngày 7-5-2020, Bộ Công an và tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết Thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo ở huyện Mường Nhé. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm vui mừng cảm ơn các cơ quan đơn vị đã tích cực phối hợp, ủng hộ về vật chất, tinh thần để gần 1.200 hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé có được ngôi nhà kiên cố hơn…
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần xây dựng “phên giậu”, “thành trì” vững chắc bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ biên cương của Tổ quốc phía Tây Bắc.
Là người ân nặng, nghĩa tình, ông không quên nhấn mạnh và cảm ơn Quỹ Vì người nghèo Trung ương, các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Công thương Việt Nam, Kỹ thương Việt Nam, Hàng Hải Việt Nam, Việt Nam thịnh vượng. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Tinh thần của chương trình này là “Trao yêu thương để nhận về hạnh phúc”. Ông hướng tới, sau Mường Nhé sẽ là huyện Nậm Pồ (Điện Biên), kế hoạch sẽ xong trước ngày kỉ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Đỗ Văn PhúNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn