Chiều 23-1, TS.BS Lâm Việt Trung-Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân tên Đoàn Văn Dĩnh, có tiền sử dị ứng nhiều năm. Do bị ngứa khắp người nhưng hoàn cảnh không có tiền đi viện, (BN thường tự mua thuốc ở nhà thuốc tây để uống).
Lần này cũng vậy, khi mua thuốc, người bán đã cắt 5 viên thuốc rời nhau, nhưng chưa bóc vỏ. Về nhà, không rõ sơ ý thế nào, anh Dĩnh dốc tuột cả 5 viên thuốc vẫn còn trong vỉ vào mồm.
Bốn viên trôi xuống dạ dày và ra ngoài theo đường thải tự nhiên; còn một viên mắc lại đâm vào thực quản. Sau 1 ngày, BN thấy khó thở và sốt. Khi vào viện Đa khoa Bình Định phát hiện bị tắc ruột nên BV này đã tiến hành mổ cho bệnh nhân, thực hiện tách dính ruột.
Bệnh nhân Dĩnh và dị vật là vỉ thuốc tây. |
Nhưng sau mổ 3 ngày, BN vẫn đau ngực, sốt. Được chụp CT ngực, các bác sĩ phát hiện đã bị thủng thực quản. BV Đa khoa Bình Định đã chuyển gấp anh Dĩnh về Chợ Rẫy.
Tại đây, với sự phối hợp 3 chuyên khoa, gồm: Nội soi, ngoại tiêu hoá và ngoại lồng ngực-mạch máu, các bác sĩ đã phát hiện và gắp được viên thuốc ra an toàn. Làm sạch ổ áp xe, hút dịch, mở thông trực tràng, nuôi ăn. Tuy nhiên, sau 6 ngày được chăm sóc tại Chợ Rẫy, BN vẫn được chăm sóc đặc biệt.
Cũng theo BS Lâm Việt Trung -Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá BV Chợ Rẫy: Hàng năm, tại khoa Ngoại tiêu hoá của BV Chợ Rẫy cũng thường tiếp nhập cấp cứu nội soi hóc dị vật như: nuốt phải tăm khi đang ngậm, do ngủ quên; hàm răng giả lọt vào thực quản khi đang ngủ; có người bị cả cây đinh lọt vào thực quản vì có thói quen ngậm đinh khi làm việc (xây dựng); có trường hợp nuốt cả cây kim khi đang ngồi khâu, hay hóc xương cá, xương gà, bị lọt kim vào thực quản khi đi chữa răng ở phòng khám...
Các bác sĩ BV Chợ Rẫy phân tích về ca hóc dị vật nguy hiểm của bệnh nhân Dĩnh. |
Cũng theo BS Trung, khi nuốt trôi dị vật không có nghĩa là đã thông suốt. Vì khi qua họng, dị vật có thể bị mắc lại, gây bít tắc ở thực quản. Dị vật khi cắm phải thành thực quản, rất khó lấy, phải xác định, lấy ra an toàn mới được thực hiện. Vết thủng có thể gây áp xe. Tạo ổ mủ không làm đúng chuyên môn có thể gây nhiễm trùng.
Nếu dị vật đâm trúng mạch máu chủ mà hấp tấp thực hiện nội soi, rút dị vật ra, BN cũng có thể tử vong vì mất máu không kiểm soát. Hoặc dị vật lọt qua họng, đi tiếp được xuống dạ dày, tá tràng, ruột non thì cũng làm tổn thương, dễ làm thủng những vị trí này.
Riêng với trường hợp BN Dĩnh, nhờ được phối hợp 3 chuyên khoa: nội soi, ngoại lồng ngực và ngoại tổng quát mới cứu sống bệnh nhân. Vì vỏ thuốc đi sâu làm tổn thương nặng vùng thực quản, vùng dạ dày, và ruột non.
Đang nuôi em trai tại khoa Ngoại tiêu hoá Chợ Rẫy, chị Đoàn Thị Hương cho biết, do có tiền sử bị dị ứng, không có điều kiện đi viện nên em trai chị thường ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống, nhưng do sơ ý thế nào mà lần này lại uống cả vỉ lẫn thuốc. Cha mất sớm, chỉ còn mẹ già yếu, gia cảnh khó khăn, anh chị em trong nhà đều phải đi làm thuê mướn quanh năm tại vùng Vân Canh- Bình Định. Mùa này đang là thu hoạch mía. Họ phải lên rẫy đi chặt mía thuê cho các chủ rẫy. Tiền công được 100 ngàn đồng/ngày.
Chị Hương khóc vì không biết chạy đâu ra tiền điều trị tiếp cho em trai. |
Hôm em trai chị bị cấp cứu, đưa vào viện Đa khoa Bình Định, cả nhà gom hết mới được 600 ngàn đồng. Thấy vậy, nhiều thân nhân bệnh nhân tại đây đã góp đủ cho họ được 3 triệu đồng, đóng tiền viện phí cho em trai chị phẫu thuật sau đó tiếp tục vào Chợ Rẫy...
Trong khi đó, theo các bác sĩ , đợt điều trị cho BN Dĩnh còn lâu dài mới có thể khoẻ hẳn để hoà nhập lại cuộc sống. Hoàn cảnh hai chị em họ quá ngặt nghèo.
Mọi sự giúp đỡ BN Dĩnh xin gửi về Báo CAND-CQĐD tại TP. HCM, số 6 Phạm Ngọc Thạch, quận 3 TP.HCM; hoặc Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy; hoặc: BN Đoàn Văn Dĩnh- 26 tuổi đang nằm tại Khoa Ngoại tiêu hoá BV Chợ Rẫy.
Tác giả: H.Nga
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn