Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), sáng 20-7, đoàn công tác của Báo CAND và Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng) do Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND làm trưởng đoàn đã đến với Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Trung tâm ĐDTBKB), Hà Nam để tri ân các thương – bệnh binh, thân nhân người có công mắc bệnh tâm thần mãn tính đang điều trị, an dưỡng ở đây.
Những phần quà nghĩa tình
Trung tâm ĐDTBKB ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng với không gian xanh và thoáng mát. Chúng tôi đến đây cũng là lúc mà đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do đồng chí Phan Tâm – Thứ trưởng làm trưởng đoàn vừa đến. Hội trường Trung tâm ĐDTBKB hôm nay có đông các cô, các bác thương – bệnh binh, thân nhân người có công bị mắc bệnh tâm thần mãn tính.
Ai nấy đều vui mừng. 114 trường hợp thương – bệnh binh, thân nhân người có công đang điều trị, an dưỡng ở đây là 114 trường hợp có hoàn cảnh khác nhau.
Đồng chí Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng quà Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam) |
Các cựu binh đang điều trị tại đây đều là những thương binh nặng. Có bác đến nay mảnh đạn vẫn còn nằm đâu đó trong đầu như bác Nguyễn Văn Ngân, ở Kim Bảng bị thương tật tới 81%; bác Nguyễn Văn Hiển, quê ở Kim Bảng bị thương tật lúc nhớ lúc quên, chân tay cử động khó khăn; bác Trần Thanh Nghĩa, ở Hà Tĩnh, bị mảnh đạn gây ra vết thương sọ não (tỷ lệ thương tật 85%) vào năm 1968 ở mặt trận Quảng Trị, mỗi lần trò chuyện với người xung quanh đều phải nhờ đến các y, bác sĩ “phiên dịch”...
Thay mặt đoàn công tác của Báo CAND và Công ty Phượng Hoàng, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND đã chia sẻ về những hoạt động xã hội – từ thiện của Báo CAND trong thời gian qua, trong đó có các chương trình hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ và trân trọng bày tỏ sự cảm ơn tới những hy sinh, cống hiến của các cô, các bác thương – bệnh binh cho sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nhân dịp này, những người làm Báo CAND và Công ty Phượng Hoàng có món quà nhỏ gửi tới các cô, các bác. Hy vọng, các cô, các bác có thêm nghị lực tinh thần vượt qua nỗi đau bệnh tật, tiếp tục sống vui, sống khỏe và có ích cho xã hội…”, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Miên chia sẻ.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo CAND tặng quà đại diện tập thể y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam) |
Thiếu tướng Phạm Văn Miên và đại diện Công ty Phượng Hoàng đã trao tặng 114 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng tới 114 trường hợp là thương – bệnh binh, thân nhân người có công cùng số tiền 10 triệu đồng và một số vật phẩm tới tập thể y, bác sĩ, nhân viên ở Trung tâm.
Tiếp nhận những phần quà trên, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn và bác Đào Xuân Hội, với tỷ lệ thương tật 81%, đại diện cho y, bác sĩ, nhân viên cũng như các đồng chí thương – bệnh binh, người có công với đất nước ở Trung tâm cảm kích trước tấm lòng mà đoàn công tác của Báo CAND và Công ty Phượng Hoàng đã gửi tặng. Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã thăm và tặng quà cho Trung tâm, trị giá 20 triệu đồng.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm; Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND cùng đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam với lãnh đạo, các bác thương – bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng. |
Ngôi nhà của sự tri ân
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Trung tâm ĐDTBKB là đơn vị trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập từ tháng 3-1976.
Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị 84 thương – bệnh binh hạng nặng (mất sức từ 81% trở lên); 30 trường hợp là hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công…đến từ 20 tỉnh, thành phố (từ Quảng Ngãi trở ra). Trong đó, có 70% đồng chí thương – bệnh binh bị sa sút trí tuệ nặng.
Phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, 41 năm qua, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm đã khắc phục khó khăn, luôn coi công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thương – bệnh binh vừa là trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự, tự hào vì được đóng góp cho phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.
Tính đến nay, Trung tâm đã điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 500 lượt thương – bệnh binh; điều trị ổn định và đưa được 88 đồng chí về an dưỡng tại quê nhà.
Đồng chí Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thăm hỏi, trao quà tới một trường hợp thương binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Phòng Hành chính tổng hợp vừa dẫn chúng tôi đi tham quan các khu điều trị vừa cho hay, Trung tâm có diện tích 2,9 héc ta với 3 khu nhà điều trị, an dưỡng phục vụ các bác thương – bệnh binh, thân nhân người có công với đất nước bị bệnh nặng.
Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng Công an, thời gian qua, cơ sở hạ tầng của Trung tâm không ngừng đổi thay. Tại Khu điều trị 1 – dành cho các thương, bệnh binh nặng, các phòng điều trị - an dưỡng ở đây đều được trang bị công trình phụ khép kín, nhiều phòng có thêm cả điều hòa, ti vi và tủ lạnh…
Thiếu tướng Phạm Văn Miên thăm hỏi, trao quà tới một trường hợp thương binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng. |
Cũng theo chị Hà, bên cạnh việc trang bị cơ sở hạ tầng, hằng ngày, các cô, các bác đều được đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm chăm sóc tận tình từ việc phụ giúp sinh hoạt cá nhân (ăn, uống, ngủ…) cho đến theo dõi bệnh tình, hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng.
Có lẽ cũng chính bởi sự tận tình trên mà các cô, các bác thương – bệnh binh lâu nay đã coi nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và đồng chí Tổng Biên tập Báo CAND thăm hỏi các bác thương – bệnh binh đang tập luyện tại Phòng phục hồi chức năng - Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng. |
Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Bắc Ngọc, 70 tuổi, là một trong những thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 82% đang được điều trị Trung tâm cho biết, năm 1975, trong một trận đánh địch tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bác bị mảnh đạn phóng lựu găm vào đầu.
Nên năm 1978, bác được đưa tới Trung tâm để điều trị. Từ đó đến nay, với sự chăm sóc, điều trị tận tình của các y, bác sĩ, nhân viên ở Trung tâm cũng như thường xuyên nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức, bác đã có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật, tiếp tục sống có ích cho xã hội.
“Đây là ngôi nhà thứ hai của mình! Lúc nào có thời gian, về đây chơi với mình nhé!”, bác Ngọc hồ hởi nói với chúng tôi.
Tác giả: Trần Huy – Trần Ngọc
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn