Xuân Tân Sửu đang đến thật gần. Với đa phần mọi người, Tết là mùa của sự yên vui, đầm ấm, yêu thương, nhưng cũng có những người rất “sợ” Tết, đó là những người nghèo. Không sợ sao được, khi ở đâu đó trong xã hội này, có gia đình phải trăn trở, vật lộn hàng ngày với cuộc sống mưu sinh. Có người vì bệnh tật triền miên mà thiếu thốn cả bữa ăn và thuốc uống.
Họ sợ Tết vì tủi thân, khi không thể lo được món quà nhỏ năm mới biếu bên nội, bên ngoại. Thẹn với ông bà, tổ tiên nơi chín suối phải tủi phận vì mâm cỗ của con cái nhà mình dâng không bằng của nhà hàng xóm. Thương cái áo mới của con mình xấu hơn con người khác. Tủi khi nhà mình vắng bóng cành đào, cây quất...
Nhớ lại câu chuyện cách đâu gần 60 năm, vào mùa xuân năm 1962, trước Tết Nhâm Dần, Bác Hồ thăm những gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô trong dịp giao thừa. Bác thương cảm vô cùng trước số phận người phụ nữ Nguyễn Thị Tín tần tảo đêm 30 Tết phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo.
Câu nói của Bác: “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam về nhân cách của một con người Việt Nam vĩ đại. Bài học sâu sắc nhất Bác để lại là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân.
Bác nhắc nhở: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…”, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo.
Từ câu chuyện của Bác, việc chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn là một trong những chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm và thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua. Để người nghèo ít nhiều có cái Tết đủ đầy đón xuân năm mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chăm lo, chỉ đạo không để người nghèo nào không có Tết đã và đang được nhiều nơi tích cực thực hiện.
Cũng như mọi năm, ngay từ đầu tháng 12/2020, các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đã được lên kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam xây dựng chương trình “Mùa xuân cho em”. Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…
Những người nghèo đang được cả cộng đồng chung tay mang đến một cái Tết thật đầm ấm. Trong dịp Tết đến, xuân về, không chỉ có các hộ dân nghèo mới được chăm lo Tết, mà các hộ kinh tế mới, người lang thang cơ nhỡ... cũng không bị lãng quên.
Ngoài tặng quà, nhiều nơi còn có nhiều cách giúp đồng bào nghèo ăn Tết như mắc điện kế, khám bệnh, phát thuốc miễn phí... mang Tết về những miền quê xa là cách làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất để Tết là Tết của muôn nhà, đã lan tỏa hơi ấm tình người tới mọi miền của Tổ quốc.
Không chỉ vào những dịp lễ, Tết, mà trong những lúc thiên tai, dịch bệnh tàn phá, thì truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta luôn được đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thắp sáng lên bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến hàng triệu tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng trên mọi lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc ngày đêm đem tấm lòng thiện nguyện của mình đến với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm dịu bớt nỗi đau, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, kinh doanh từ dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân mặc dù trong điều kiện rất khó khăn nhưng vẫn dành những tình cảm ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cùng với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo hỗ trợ cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách
Tết là lúc con người mở lòng với mọi người và với chính mình, gạt bỏ đi những khó khăn, buồn bã trong cuộc sống, hướng đến những gì tốt đẹp nhất. Chính phủ và các cấp chính quyền đến gần dân hơn, với sự chung tay của cộng đồng, người nghèo không chỉ được ăn Tết mà còn vui Tết và biết mình vẫn là một thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Đây chính là lúc để truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, "thương người như thể thương thân" của dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Mỗi tấm lòng, mỗi sự sẻ chia sẽ giúp cho chúng ta có thêm niềm hy vọng, sự lạc quan và để khắp muôn nơi, những nụ cười ấm áp sẽ tỏa sáng trong mùa Xuân mới.
Cù Tất DũngNguồn tin: vnca.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn