Nhằm triển khai Tuyên bố chung trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ vào tháng 3 năm 2018 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ngày 10-7, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ và tổ chức Bhagwan Mahavir Viklang Sahayta Samiti (BMVSS) tổ chức Trại lắp chân giả Jaipur Foot.
Chương trình hoạt động của trại kéo dài trong tháng 7 và tháng 8 nhằm cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và lắp chân giả Jaipur Foot cho 500 người khuyết tật tại tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Một đoàn gồm 7 kỹ thuật viên dẫn đầu bởi ông D.R.Mehta, người sáng lập và bảo trợ của tổ chức BMVSS hiện đang ở Việt Nam để thực hiện chương trình này.
Ý tưởng tổ chức Trại lắp chân giả cũng đã nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Hiền, Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 3 , Phu nhân Nguyễn Thị Hiền đã đến thăm trung tâm Jaipur Foot của BMVSS tại New Delhi và chứng kiến các hoạt động cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cũng như lắp chân giả Jaipur Foot. Phu nhânNguyễn Thị Hiền bày tỏ nguyện vọng muốn có một chương trình giúp đỡ cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam để họ có thể phục hồi chức năng nhờ chân giả Jaipur Foot.
Phu nhân Nguyễn Thị Hiền cùng Đại sứ Harish và các đại biểu trò chuyện cùng một em nhỏ được lắp hai chân giả thuộc dự án hỗ trợ của Ấn Độ |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pavathaneni Harish nhấn mạnh ý nghĩa tốt đẹp của Trại lắp chân giả Jaipur Foot trong việc hỗ trợ các thương bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam.
“Tháng 7 là tháng có nhiều ý nghĩa khi người dân trên toàn đất nước Việt Nam đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ. Chính phủ và nhân dân Ấn Độ rất vui mừng được tổ chức Trại lắp chân giả Jaipur Foot để giúp các thương bệnh binh và những người khuyết tật Việt Nam có thể nhận những đôi chân giả thông qua trại lắp chân giả này”, Đại sứ Harish nói.
Phu nhân Nguyễn Thị Hiền cùng Đại sứ Harish và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với những người tàn tật được lắp chân giả. |
Được biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên Dự án lắp chân giả Jaipur được thực hiện theo Hiệp định được ký kết giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và tổ chức Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayata Samiti (BMVSS) tại bang Jaipur, Ấn Độ vào tháng 11 năm 2017.
Một người tàn tật đi lại bằng chiếc chân giả Jaipur Foot |
Chân giả Jaipur là loại chân giả được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Loại chân giả này hỗ trợ người cụt chân từ đầu gối trở xuống có thể đi, chạy, trèo cây, lái xe và ngồi xổm. Những người bị cụt chân từ đầu gối trở lên đều cũng có thể thực hiện hầu hết các động tác này.
Chương trình phát triển sản phẩm đầu gối giả Jaipur cũng có sự tham gia của trường đại học Stanford, Mỹ. Báo The TIME đã bình chọn loại chân giả này là một trong 50 phát minh tốt nhất vào năm 2009. Trong chương trình này, cả hai loại chân giả Jaipur và đầu gối Jaipur sẽ được sử dụng tại Dự án.
Tác giả: H.Chi
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn