Kỷ niệm về “Chiến dịch cứu trợ đặc biệt” trận lũ lịch sử miền Trung

Thứ tư - 02/11/2016 22:19
Tổng thiệt hại ước tính 2.562 tỷ đồng. Trong đó riêng tại Hà Tĩnh, địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất, được đánh giá là phải hứng chịu trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Nhiều địa bàn như huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê đã bị nhấn chìm trong biển nước.


Lội nước tiếp cận điểm ngập lũ cứu dân

Trong rất nhiều chuyến cứu trợ lũ lụt của Báo CAND thì đợt cứu trợ trận lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung giữa tháng 10-2010 để lại nhiều dấu ấn nhất. Theo báo cáo của UBPCLB Trung ương, hậu quả lũ lụt suốt gần 10 ngày ở miền Trung (gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đã làm cho 66 người chết, 22 người mất tích, 75 người bị thương.

Tổng thiệt hại ước tính 2.562 tỷ đồng. Trong đó riêng tại Hà Tĩnh, địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất, được đánh giá là phải hứng chịu trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Nhiều địa bàn như huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê đã bị nhấn chìm trong biển nước. 

Kỷ niệm về “Chiến dịch cứu trợ đặc biệt” trận lũ lịch sử miền Trung
Đoàn công tác cứu trợ của Báo CAND và Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp cận gia đình bị ngập ở Thạch Hà để cứu trợ.

Còn nhớ vào thời điểm đó, ngay khi những thông tin các tỉnh miền Trung ngập chìm trong lũ dữ được phát đi cũng là lúc chiến dịch cứu trợ người dân vùng lũ được Ban biên tập Báo CAND & chuyên đề ANTG triển khai hết sức khẩn trương gấp rút. Khi các tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình… đang ngập chìm trong biển nước mênh mông thì ba đoàn công tác cứu trợ của Báo đã được thành lập khẩn cấp và nhận lệnh lên đường khi chiều tối.

Các đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Ban biên tập, các phòng, ban chuyên môn và các doanh nghiệp hảo tâm đã cơ động bằng các phương tiện có mặt tại các điểm rốn lũ.

 Để đến được những điểm ngập sâu của Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, các đoàn công tác của Báo được sự hỗ trợ tích cực của Công an địa phương đã phải sử dụng ca nô, xuồng máy mang theo mỳ tôm, nước uống và tiền mặt cứu trợ người dân. Dầm mình trong mưa rét, ăn quá bữa, ngủ không đủ giấc trong những ngày lăn lộn vùng lũ là chuyện thường tình.

Xẩm tối 19-10, khi chúng tôi có mặt tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, cả khu vực này chìm trong biển nước. Để tiếp cận được ngôi nhà của chị Lệ Thị Tam, 48 tuổi, ở xóm Văn Minh (Thạch Tân) nhiều đoạn ca nô không thể đi được nên chúng tôi đã phải ngâm mình trong nước tìm đến nhà chị để trao quà cứu trợ.

Chị Tâm đã 48 tuổi, bị khiếm thị lại đang nuôi bà mẹ già Trần Thị Vân, 91 tuổi.  Mấy ngày chịu đói nên khi nhận được hàng cứu trợ, chị Tam đã bật khóc.

Chị cũng như những người dân nơi đây xúc động hơn khi biết chúng tôi không quản điều kiện khó khăn của mưa lũ vượt qua hơn 300km đường xa, rồi lại ngâm mình trong dòng nước giá lạnh mang từng thùng mỳ tôm cùng hàng cứu trợ đến với người dân hoạn nạn…

Trưa 20-10, khi chúng tôi có mặt tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang vẫn còn hàng chục xã bị nước ngập sâu chia cắt. Đoàn công tác đã phải dùng xuồng vượt dòng nước lũ để tiếp cận được xã Lộc Yên – một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất.

Chị Ngô Thị Hường ở xóm Trung Thượng - Lộc Yên kể lại: Tối hôm 17-10, nước lũ bất ngờ dâng lên rất nhanh khiến hai vợ chồng chị mỗi người chỉ kịp ôm một con nhỏ tháo chạy. Tài sản, nhà cửa đành phó mặc cho dòng nước lũ.

Do nước lên nhanh, chảy xiết nên căn nhà của vợ chồng chị đã bị cuốn trôi cùng toàn bộ vật dụng. Hiện tại hai vợ chồng và hai cháu nhỏ phải tá túc nhà người em ruột của chị…

Tại một số điểm ngập nặng ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… đoàn công tác cứu trợ của Báo CAND là đơn vị đầu tiên tiếp cận được hiện trường. Hình ảnh những CBCS CAND dầm mình trong nước lũ đến với bà con là một hình ảnh đẹp, để lại nhiều ấn tượng trong những người dân vùng lũ.

Trong suốt hơn 1 tháng trời ròng rã thực hiện chiến dịch cứu trợ vùng lũ miền Trung, đã có gần 20 đoàn công tác của Báo CAND phối hợp cùng các nhà hảo tâm mang tiền, hàng về vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Cứu trợ trước mắt, nhưng đồng thời cũng phải giúp người dân vùng lũ ổn định sau khi nước rút.

Ban Biên tập Báo CAND đã quyết định mở đợt vận động “Chung tay góp 1 triệu cuốn sách giáo khoa và vở viết cho học sinh vùng lũ”. Trong cơn lũ, sách vở, trang thiết bị giáo dục, dụng cụ học tập của hàng vạn học sinh nghèo đã bị cuốn theo dòng nước.

Chỉ sau khi lời kêu gọi được phát đi, Báo CAND đã nhận được số tiền hàng trăm triệu đồng ủng hộ và hàng ngàn cuốn sách giáo khoa, tập vở viết, bút bi nhờ Báo chuyển đến cho học sinh vùng lũ.

Ngay sau khi nước rút, nhiều đoàn công tác của Báo CAND cùng với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã nhanh chóng chuyển sách giáo khoa, vở viết, bút bi về 4 tỉnh vùng lũ.

Đặc biệt riêng tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, Báo CAND cùng các đơn vị hảo tâm đã hỗ trợ hàng chục bộ máy tính cho những điểm trường bị thiệt hại nặng nề.

Trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau

Những ngày lũ lụt, toà soạn Báo CAND và cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh và các văn phòng thường trú khắp ba miền Bắc - Trung - Nam thường xuyên tấp nập như một ngày hội. Phòng làm việc được thu gọn bớt diện tích để nhường chỗ để quần áo, sách, vở, mỳ tôm… do các tổ chức và người dân mang đến ủng hộ.

Ngoài số cán bộ, phóng viên trực tiếp mang tiền, hàng đi vùng lũ, hàng chục CBCS, phóng viên, nhân viên của Báo đã tham gia công tác phân loại, đóng gói và vận chuyển để những chuyến hàng kịp thời về đến vùng lũ…

Chỉ riêng trong chiến dịch cứu trợ đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung tháng 10-2010, thông qua Báo CAND đã có hơn 13 tỷ đồng được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ tới người dân vùng lũ.

“Trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau...” vào thời điểm những ngày miền Trung ngập chìm trong lũ dữ. Khi có mặt tại tâm lũ, chúng tôi vẫn luôn có niềm tin rằng miền Trung gọi, cả nước sẽ trả lời bởi đó là truyền thống đùm bọc bao ngàn đời nay của người dân Việt. Và khi lời kêu gọi ủng hộ miền Trung được đưa ra, đã có ngàn vạn tấm lòng trong và ngoài nước thông qua Báo CAND để về với đồng bào nơi vùng lũ.

Chúng tôi vẫn còn nhớ như in, chiều 4-11, có một người phụ nữ ở Hà Nội đã thuê xe tải chở đến toà soạn hàng chục bao sách vở, quần áo cũ. Lúc đầu người phụ nữ này kiên quyết không cho biết tên tuổi và địa chỉ và chỉ một mực “nhờ báo chuyển đến sớm cho bà con”.

Phải gặng hỏi mãi, chị mới cho biết, chị đại diện cho một số chị em phụ nữ ở xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tới tòa soạn để chung tay chương trình “tương thân tương ái” do Báo CAND phát động.

Được biết để có được ngần ấy sách giáo khoa, vở viết, chị đã phải bỏ ra 7 triệu đồng để thu gom từ nhiều nguồn khác nhau. Rồi sau đó đóng gói cẩn thận thuê xe chuyển tới tòa soạn Báo.

Kỷ niệm về “Chiến dịch cứu trợ đặc biệt” trận lũ lịch sử miền Trung - Ảnh minh hoạ 2
Trao mỳ tôm, tiền mặt ủng hộ các gia đình bị nạn ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Có những cụ già nghỉ hưu nhiều năm nay sau khi đọc Báo CAND đã mang sổ tiết kiệm đi rút hơn 5 triệu đồng về mang đến nhờ Báo chuyển cho bà con vùng lũ. Có những em nhỏ đã theo mẹ đến Tòa soạn Báo CAND mang theo số tiền bỏ ống trong heo đất để ủng hộ các bạn học sinh nghèo…

Những tấm lòng, tình cảm đó càng thôi thúc chúng tôi phải cố gắng hơn trong việc tiếp nhận và chuyển toàn bộ số tiền, hàng trên về đến nhân dân vùng lũ. 

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thấm nhuần đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt, nhiều năm qua mỗi khi tại địa phương nào xảy ra thiên tai, lũ lụt lập tức có sự xuất hiện của Báo CAND để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ người dân hoạn nạn.

Đã có hàng trăm chuyến công tác cứu trợ thiên tai, lũ lụt được phóng viên thực hiện. Tuy nhiên đối với chúng tôi chiến dịch cứu trợ lũ lụt năm 2010 thực sự để lại nhiều ấn tượng.

Trong suốt hơn 1 tháng trời ròng rã thực hiện chiến dịch cứu trợ vùng lũ miền Trung, đã có gần 20 đoàn công tác của Báo CAND phối hợp cùng các nhà hảo tâm mang tiền, hàng về vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Cứu trợ trước mắt, nhưng đồng thời cũng phải giúp người dân vùng lũ ổn định sau khi nước rút. Ban Biên tập Báo CAND đã quyết định mở đợt vận động “Chung tay góp 1 triệu cuốn sách giáo khoa và vở viết cho học sinh vùng lũ”.

Đức Thọ

Tác giả: Đức Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây