Mặc dù nước lũ đã rút hơn 3 ngày qua, nhưng dấu tích của cơn đại hồng thủy ở thị xã Ba Đồn vẫn hằn rõ với ngấn nước trên vách nhà, với những ruộng rau là lớp bùn non phủ kín, với những con đường làng lầy lội, có chỗ bùn dày hơn nửa mét. Tại nhiều trường học, bàn ghế trong lớp xô lệch, sân trường cỏ rác tấp từng đống chưa dọn kịp. Một vùng quê trù phú ở bờ Bắc sông Gianh, nơi nổi tiếng với nón Ba Đồn giờ trở nên xơ xác, tiêu điều bởi trận lũ dữ.
Báo CAND và các nhà tài trợ tặng quà cho người dân Quảng Bình bị thiệt hại do mưa lũ. |
Được sự phối hợp của Công an tỉnh Quảng Bình, Công an thị xã Ba Đồn và chính quyền các địa phương, đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND cùng Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng đã trao những suất quà nghĩa tình, chia sẻ khó khăn trước mắt của người dân bị thiệt hại do mưa lũ.
Thiếu tá Ngô Xuân Sơn, Phó trưởng Công an thị xã Ba Đồn bày tỏ, Công an huyện và chính quyền địa phương tích cực tham gia cùng đoàn công tác trao quà với mong muốn những cân gạo, gói mì đến tận tay người dân nhanh chóng. Hàng trăm người dân có mặt tại sân trụ sở UBND xã Quảng Minh, ai nấy đều xúc động đón nhận những phần quà sẻ khi trong cơn khó khăn, hoạn nạn…
Đối với người dân vùng Nam thị xã Ba Đồn dọc bờ sông Gianh, hầu như năm nào nước lũ cũng tràn vào nhà. Người dân đã quen sống chung với lũ. Nhưng năm nay, lũ lên quá nhanh, mốc nước vượt cả đỉnh lũ lịch sử năm 2010 tại đây từ 0,5m đến 1m khiến người dân không thể chống đỡ. Thiếu tá Ngô Xuân Sơn cho biết thêm: Dự đoán nước lên nhanh do mưa lớn liên tiếp nhiều ngày, lực lượng Công an huyện và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân có nhà lầu chia sẻ chỗ ở cho người dân không có nhà kiên cố.
Bùn đất sót lại sau trận lũ lớn |
Dấu tích trận lũ đi qua |
Những ngôi nhà sập hoàn toàn sau bão lũ |
Đêm 19/10, mưa như trút chĩnh, nước lớn nhanh như thổi. Lực lượng Công an điều khiển ca nô trong đêm tối vượt ngọn lũ dữ, quyết liệt cưỡng chế, đưa hơn 20 hộ dân với hơn 120 người ở vùng trũng Cồn Két, phường Thuận Quảng đến nơi tránh lũ.
Lực lượng Công an cũng đưa 6 sản phụ đến bệnh viện vượt cạn an toàn. Nhiều CBCS có nhà cửa bị ngập và thiệt hại, nhưng ngay sau lũ rút, anh em đều tập trung giúp dân, còn việc nhà gia đình tự khắc phục. Tại các trường học trên địa bàn, lực lượng Công an đã phải xách từng gàu nước để vệ sinh lớp học, giội dọn sân trường. Lực lượng Cảnh sát cơ động của Bộ Công an cũng đã điều động hơn 100 CBCS đến Ba Đồn và các huyện ngập nặng của Quảng Bình để sửa sang đường xá, giúp người dân dọn dẹp nhà cửa.
Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Ban Thư ký tòa soạn, Trưởng Văn phòng Thường trú miền Trung Báo CAND tặng quà cho bà Nguyễn Thị Thanh Thiệu có nhà bị sập do lũ lụt. |
Phờ phạc sau mấy ngày chạy lũ, dọn nhà, bà Hoàng Thị Tâm (60 tuổi, trú thôn Nam Minh Lệ, xã Quảng Minh) cảm thán: “Vùng ni năm mô cũng có lụt. Nhưng từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới thấy trận lụt lớn như vậy. Nước lớn nhanh vào buổi tối lúc cô đang ở nhà với 2 đứa cháu nội, còn chồng cô đang ứng trực phòng chống lũ lụt tại UBND xã”.
Nước lên ngập giường rồi cao hơn 2m. Lúc này 3 bà cháu bồng bế đưa nhau lên tra (tương tự gác xếp), chồng bà biết nước lớn nhưng cũng không về nhà trợ giúp được. Hơn chục bao lúa vừa thu hoạch, dù đã kê lên cao nhưng vẫn bị ngập nước phần lớn. Nhà có 2 con heo định nuôi tới tết bán bị ngộp chết, hơn 50 con gà bị cuốn trôi chỉ còn 17 con. Các đồ gia dụng trong nhà như máy giặt, máy lọc nước đều bị hư hỏng do ngâm nước nhiều ngày.
Báo CAND tặng quà cho Công an thị xã Ba Đồn. |
Đông đảo người dân Ba Đồn đến nhận quà hỗ trợ. |
Lực lượng Công an địa phương tham gia tặng quà hỗ trợ người dân. |
Ở thôn Minh Tiến bên bờ Nam nhánh sông Minh Lệ, nước còn ngập sâu hơn. Nhiều gia đình phải dỡ ngói trèo lên mái nhà, đội mưa đội gió nhiều giờ liền. Trước tình huống nguy cấp đó, lực lượng Công an huyện và lực lượng thường trực tại các thôn, xã đã dùng ghe xuồng đến các nhà bị ngập sâu ứng cứu, đưa người đến nơi an toàn. Những ngôi nhà lầu trong thôn, trong xóm trở thành nơi trú ngụ của người dân trong làng khi nước lũ lên cao.
Ông Hoàng Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết, ngoài thiệt hại lớn về vật chất, trên địa bàn xã có 1 ngôi nhà bị sập và 2 trường hợp chết do lũ. Người thứ nhất là ông Hoàng Văn Đính (SN 1962, ở thôn Nam Minh Lệ). Ông Đính vốn tàn tật, bị cụt một chân nên bị đuối nước do rơi từ trên gác xếp. Trường hợp thứ 2 là một cháu bé 3 tuổi bị đuối nước do người nhà bận dọn nhà chạy lụt, sơ ý không trông coi cẩn thận.
Người dân huyện Quảng Ninh dọn nhà sau lũ |
Người dân xã My Thủy nhận quà của các nhà hảo tâm. |
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiêm phòng thủ dân sự thị xã Ba Đồn, trận mưa lũ vừa qua đã gây ngập gần 26.000 ngôi nhà. Một số vùng cồn bãi như Cồn Két (Quảng Thuận), Cồn Nam, Đông Thành (Quảng Minh), Hà Sơn (Quảng Sơn) nước ngập sâu đến 2-3m. Sau khi lũ bắt đầu rút, với quyết tâm không để dân bị đói, khát, thị xã Ba Đồn đã khẩn trương huy động nhân lực, vật lực hỗ trợ khẩn cấp bà con vùng ngập sâu trong mấy ngày mưa lũ.
Thị xã đã trích ngân sách để mua sắm các loại hàng hóa thiết yếu để cứu trợ cho nhân dân các địa phương, chuyển hàng chục tấn gạo, hàng ngàn thùng mì tôm để hỗ trợ người dân vùng ngập lụt. Ngoài ra, thị xã cũng thành lập ban tiếp nhận hàng cứu trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức trong mọi miền để kịp thời phân bổ cho bà con vùng ngập lũ, không để dân thiếu đói sau lũ lụt. Báo Công an nhân dân và nhóm thiện nguyện đã quyết định hỗ trợ 500 suất quà cho 10 thôn của xã Quảng Minh để giúp người dân vượt qua khó khăn do mưa lũ.
Những suất quà nghĩa tình đến với người dân xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy |
Cùng với Ba Đồn, Lệ Thủy và Quảng Ninh là các huyện chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Cơn đại hồng thủy khiến nhiều làng xóm chìm trong biển nước. Con đường bê tông dẫn vào các xã một số đoạn còn ngập, bèo rác dồn ứ, chưa được thu dọn hết. Người dân phơi bạt trên đường làng hoặc trên quốc lộ để hong phơi lúa bị ngập nước.
“Tiếc thì phơi sấy cho gà cho vịt. Chứ lúa ngâm nước 4-5 ngày đã thối hoặc nảy mầm, không thể máy gạo được nữa”- một người dân cho biết. Bà Nguyễn Thị Thanh Thiệu (SN 1962, trú thôn Hữu Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) bàng hoàng kể lại thời điểm ngôi nhà cấp 4 bị lũ dữ đánh sập giữa đêm.
“Mọi thứ trong nhà bị hư hỏng hoặc cuốn trôi hết rồi. Tôi ước mơ có tiền xây lại nhà, nhưng ước mơ đó lớn quá. Nên tôi chỉ mong được hỗ trợ một bộ bếp gas để nấu cơm ăn, mấy ngày gia đình chưa có bữa cơm nóng”- bà Thiệu rơm rớm nước mắt. Trước hoàn cảnh thương tâm của gia đình bà Thiệu, đại diện Báo Công an nhân dân và nhóm thiện nguyên đã tặng 5 triệu và các nhu yếu phẩm để giúp gia đình bà vượt qua khốn khó.
Càng đi sâu vào các thôn xóm, càng thấy mất mát của người dân Quảng Bình qua đợt lũ vừa rồi quá lớn. Hầu hết diện tích hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân bị hư hại, cuốn trôi. Nhiều nhà trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần vì vay vốn để chăn nuôi gia súc gia cầm và bị nước cuốn sạch.
Tại thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, người dân vui mừng đón đoàn Báo Công an nhân dân và nhóm thiện nguyện. Được biết, đường vào thôn nước vừa rút và Báo CAND là đoàn đầu tiên mang quà đến với người dân trong thôn. Công tác dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả đang được người dân và các đơn vị tích cực triển khai nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Tại huyện Lệ Thủy, lũ lên cuồn cuộn trong đêm 19/10 khiến nhiều hộ dân không kịp chuẩn bị lương thực để dự phòng nên xảy ra tình thiếu hụt cục bộ. Mỹ Thủy là một trong những xã trũng thấp, bị ngập sâu nhất. Trong đêm 19/10, nhiều tài khoản mạng xã hội liên tiếp đăng tin cầu cứu người thân, người già bị mắc kẹt trong nhà. Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực đưa hàng trăm người thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Công Viên, Bí thư Đảng ủy xã, toàn xã có đến 1.450/1.600 hộ dân bị ngập lụt, nhiều nhà dân nước đã lên chấm mái. Suốt từ ngày 17-22/10, Công an xã và các lực lượng tại chỗ đã nỗ lực di dời dân đến nơi an toàn, trợ giúp kịp thời các trường hợp nguy cấp. Nhờ vậy, trên địa bàn không xảy ra thiệt hại về người do mưa lũ. Hiện chính quyền và người dân trong xã đang khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa xảy ra, đồng thời chuẩn bị, phòng ngừa mưa và lũ lớn do ảnh hưởng của bão số 8 và số 9 sắp tới. Báo CAND đã trao tặng 250 suất quà cho người dân 2 thôn Thuận Trạch và Mỹ Hà là các thôn bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ của xã Mỹ Thủy.
Tặng quà cho người dân Ba Đồn |
Với tinh thần tương thân tương ái, những ngày qua người dân cả nước quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhiều đoàn tài trợ từ các địa phương trong cả nước đã đến với người dân hoạn nạn.
Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã tỏa sáng trong khó khăn, hoạn nạn. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định phân bổ 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cùng nhiều nhu yếu phẩm cho người dân, không để bất kỳ một người dân nào chịu thiếu, đói sau mưa lũ.
Cùng ngày, đại diện Báo CAND phối hợp với Công ty DKRA Vietnam trao 54 suất quà trị giá gần 20 triệu đồng đến các em học sinh nghèo Trường Tiểu học Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đó, Công ty DKRA cũng phối hợp với Báo CAND trao hỗ trợ hơn 130 triệu đồng đến người dân vùng lũ Phong Điền, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế, với mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân sau lũ lụt. |
Tác giả: Thân Lai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn