“Chị em mình gặp nhau đi, đừng để đến lúc về hưu mới nhìn thấy nhau đấy!” - cô gái nhắn tôi giọng trách móc.
Lúc chị bận, lúc em bận, cuộc hẹn của chúng tôi cứ bị đẩy đi hết tuần này đến tuần khác. Và rồi, chúng tôi đã cùng nhau ngắm cảnh hoàng hôn trên tầng 2 một quán cà phê nhìn ra mặt hồ sóng sánh. Cô gái khốn khổ, cùng quẫn ngày nào giờ là một giảng viên đại học ở Hà Nội, sở hữu một Trung tâm dạy ngoại ngữ ngay tại quê hương của tuổi thơ đầy gian khó.
Tôi gặp lại em sau hơn một thập niên, ngỡ ngàng trước sự bứt phá ngoạn mục của 3 chị em cô gái nghèo. Cô gái đã từng là nhân vật trong chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của Báo CAND.
Chuyện của các cô gái bên hành lang bệnh viện
11 năm trước. Lá thư viết vội của một cô gái quê ở huyện miền núi tỉnh Hòa Bình gửi từ Bệnh viện E Hà Nội thôi thúc tôi tìm đến. Vừa bước chân vào hành lang bệnh viện, tôi bất ngờ nhìn thấy 2 cô bé ngồi bên chiếc bàn gấp của học sinh cùng sách vở. Hình ảnh chưa bao giờ tôi thấy ở không gian ngột ngạt đặc trưng của bệnh viện.
Bên trong phòng bệnh, mẹ của các em đang giành giật sự sống với tử thần. Mấy mẹ con bìu ríu từ Hòa Bình về Hà Nội để được sống và được học. Quê nghèo chỉ có đất, núi và công việc chân lấm tay bùn. Người cha mất đã lâu do căn bệnh ung thư khi con gái lớn vào lớp 10, cô con gái út đang học cấp 1. Bố lâm trọng bệnh, mẹ phải thế chấp nhà cửa, đất đai, vay mượn tiền để mong níu lại bố cho các con. Thế nhưng, họ không cưỡng lại được số phận. Người mẹ suy sụp, và bà cũng bị suy tim từ đó.
Người cha ra đi, 3 chị em gái đã thấu hiểu thế nào là sự mất mát cả tinh thần và chỗ dựa kinh tế. Thế nên, họ vô cùng sợ hãi khi nghĩ đến tình huống phải đối mặt với mất mát lần nữa. 5 năm sau ngày bố mất, cô chị cả Hoàng Hải Ngân về Hà Nội thi đại học nhưng thất bại bởi những lo toan chiếm mất đa phần thời gian dành cho sách vở.
Trở về quê, Ngân không nề hà bất cứ công việc chân tay nào, miễn là có tiền đỡ mẹ nuôi các em ăn học, trả nợ và mua thuốc cho mẹ. Làm phụ nề, chở gạch thuê... ban ngày, ban đêm Ngân chong đèn tự học, kèm cặp các em, đặc biệt là môn ngoại ngữ. 2 năm sau, cô em gái thứ hai được vào đại học, hai chị em dắt nhau về Hà Nội thuê nhà vừa học vừa làm. Năm sau, Ngân đã đạt được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học nơi mình khao khát.
Từ tấm lòng của bạn đọc, Báo CAND đã mang niềm vui đến với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn |
Thời gian ở Thủ đô, hai chị em không để lãng phí chút thời gian nào. Họ vừa học vừa làm gia sư, tự nuôi nhau ăn học. Không chỉ vậy, cả hai còn dành được tiền gửi về cho mẹ nuôi cô em út học hành. Vất vả thiếu thốn chẳng thể khuất phục được ham muốn học hành của các cô gái. Họ lao vào học bằng tất cả sự say mê và quyết tâm vượt lên số phận.
Thế nhưng, thêm một lần nữa các cô gái lại phải vượt qua thử thách lớn. Trái tim của mẹ bị suy nặng, buộc phải lên bàn phẫu thuật. Thời điểm 2006 đầy gian khó ấy, chi phí 50 triệu đồng cho ca mổ là con số khổng lồ với 4 mẹ con. Trong cơn bĩ cực, các cô gái bằng mọi cách xoay xỏa. Ngân đã viết thư đến chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của Báo CAND để thêm chút hy vọng.
Ngày đó, bạn đọc cảm thương hoàn cảnh, qua Báo làm cầu nối tới chị em Ngân. Tuy nhiên, số tiền Báo chuyển tới tay mẹ con Ngân chỉ là một phần nhỏ trong chi phí điều trị. Một số người biết địa chỉ thì gửi ủng hộ trực tiếp mẹ Ngân mà không qua Báo.
Ngân nói rằng, sự giúp đỡ của mọi người đã khích lệ tinh thần các em rất nhiều. May mắn, ca phẫu thuật của mẹ Ngân đã thành công. Mặc dù vậy, khó khăn không hề giảm bớt mà còn tăng thêm bởi bà cần duy trì thuốc hỗ trợ đến hết đời. Nhưng dù sao, các cô gái đã có một điểm tựa để nỗ lực bước tiếp. Khó khăn đối với họ chẳng là gì khi còn mẹ ở trên đời.
11 năm và sự bứt phá ngoạn mục
Nhiều năm qua, công việc trôi đi mải miết. Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái với những hoàn cảnh mới cuốn chúng tôi đi theo. Một ngày tháng 8, tôi nhận cuộc điện thoại từ Ngân. Em chủ động tìm tôi. Cuộc gặp với nhân vật trong bài viết cách đây 11 năm đã mang đến cho tôi nhiều bất ngờ thú vị. Cô gái bên hành lang bệnh viện năm nào đang cắm cúi đọc cuốn sách viết bằng tiếng Anh trong khung cảnh lãng mạn bên bờ hồ lộng gió.
Ngân đang là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội. Ngân cho tôi xem ảnh mẹ, mẹ em giờ sức khỏe đã tốt hơn trước rất nhiều. Còn cô em út sau đó cũng đã nối gót các chị vào giảng đường đại học. Có lẽ bà đang rất hạnh phúc với sự trưởng thành của những đứa con hiếu thảo. Các cô em gái của Ngân đều giỏi giang, tự lo được cho bản thân và đều đang học, làm việc tại Hà Nội. Ngân cho tôi biết em đã tự xây dựng một trung tâm ngoại ngữ ở quê mình với mục đích ban đầu là để giúp các em học sinh ở đó đỡ vất vả đi tìm chỗ học ngoại ngữ, sau đó mới là kiếm tiền.
Trầm ngâm câu chuyện của mình, Ngân nhớ đến bố, em bảo: “Bọn em rất sợ bố. Bố em vô cùng nghiêm khắc. Cuộc sống khó khăn, bọn em vừa học vừa đi làm giúp bố mẹ. Làng có truyền thống làm nghề dệt thổ cẩm. Bố cho bọn em làm mọi việc, đi làm phụ nề hay đi tát vét cũng được, miễn không phải là thêu. Bọn em muốn thêu kiếm tiền nhưng bố dứt khoát không cho. Mê nghề quá, bọn em làm khung thêu giấu bố. Khi bố biết, bố cho một trận tơi bời rồi phá khung thêu.
Ngày đấy bọn em giận bố lắm. Mãi đến bây giờ em mới hiểu vì sao bố làm vậy. Bởi, đã cầm đến kim thêu là phải dành mọi thời gian cho nó. Còn việc phụ nề, thậm chí là tát vét kiếm tôm cá, dù vất vả hơn, mồ hôi đổ ra rất nhiều, nhưng sau khi kết thúc công việc vẫn có thể cầm được sách trên tay. Bố dạy em rằng, cứ nghĩ một điều gì đó thật nhiều, số phận sẽ là như vậy. Bọn em đã nghĩ tới tương lai và nỗ lực hết mình.
Sau này, khi đọc cuốn “Sức mạnh tiềm thức”, em cảm nhận như bố đã đọc nó và truyền lại cho chúng em. Đó là sức mạnh vô hình mà bố đã để lại cho chúng em”. 11 năm, đó là quãng thời gian chị em Ngân bứt phá ngoạn mục. Trước mắt tôi, Ngân là một phụ nữ sâu sắc, thành công bằng chính đôi chân, khối óc và nghị lực của mình. Tôi thấy may mắn khi trong cuộc đời làm báo được gặp những người như chị em Ngân. Và cũng thật hạnh phúc khi thấy sự khó khăn đã bị khuất phục.
Thật trùng hợp, sau lần gặp lại Ngân, tôi được giao viết về chủ đề “Những bài báo thay đổi số phận” cho số báo đặc biệt, và tôi đã chọn câu chuyện này dù không dám nhận bài viết đăng trên Báo CAND ngày ấy giúp mẹ con em thay đổi số phận.
Bởi, như lời em tâm sự, bài báo đã tiếp thêm nghị lực cho em, đó cũng là một dấu mốc để các em tự tin, nỗ lực vượt qua khó khăn. Có lẽ, với những người làm báo, với vai trò là cầu nối, chúng tôi chẳng mong gì hơn thế. Tấm lòng mà những nhân vật đặc biệt ấy đã khiến chúng tôi cảm động và thấy ấm áp trước tình cảm của họ và bạn đọc đã dành cho Báo CAND.
Hơi ấm truyền tay
Tôi và em trò chuyện quên thời gian. Khi bóng chiều đã ngả gần kín mặt hồ, Ngân bày tỏ băn khoăn: “Giờ làm sao em có thể tìm địa chỉ, số điện thoại của những người đã giúp mẹ con em hả chị?”. “Sự giúp đỡ ấy có là bao so với vất vả của mẹ và chị em em!” - tôi đáp.
“Trong lúc nhà em khó khăn, vậy cũng là nhiều ạ! Em muốn cảm ơn và thông báo với những người giúp em rằng, chúng em đã vượt qua khó khăn rồi” - cô giảng viên trẻ bày tỏ sự biết ơn chân thành. Tôi không hứa sẽ tìm địa chỉ giúp em mà tôi chỉ kể lại cho em câu chuyện của chính mình. Tôi cũng đã từng được giúp đỡ mà không thể cảm ơn.
Và lời khuyên tôi nhận được từ người đã giúp đỡ mình là: “Khi có điều kiện hãy giúp đỡ người khác”. Ngân cười đồng ý. Tôi biết rằng, có lẽ em sẽ bớt trăn trở với món nợ ân tình 11 năm trước sau cuộc trò chuyện này. Quả thật, cuộc sống thật đẹp đẽ và ấm áp khi có sự sẻ chia.
Trong những năm qua, chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của Báo CAND đã đăng tải nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, nạn nhân tai nạn giao thông... Đồng hành cùng Báo là những bạn đọc cảm thông sâu sắc với nỗi đau, với thiệt thòi của các nhân vật trong bài báo. Nhiều bạn đọc chọn Báo CAND làm nơi gửi gắm tấm lòng, sẻ chia. Có người hàng chục năm qua vẫn đều đặn trích lương mang trực tiếp đến Báo gửi vào Quỹ Xã hội - từ thiện để giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Là nhịp cầu nối giữa bạn đọc và các hoàn cảnh đặc biệt, Báo CAND đã có thêm nhiều người bạn giàu lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia làm vợi bớt nỗi đau. Nhiều trường hợp có được cuộc sống thuận lợi hơn, đầy đủ hơn nhờ tấm lòng nhân ái của người dưng nhưng không xa lạ. Hạnh phúc của người làm Báo CAND có được từ những niềm vui bình dị mà đáng quý như thế. |
Nguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn