Vượt bao khó khăn, lực lượng Công an, Quân đội cùng các "tấm lòng vàng" khắp nơi những ngày qua hướng trọn lòng mình về nơi này để phần nào chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ.
1. Dòng suối Son chảy quanh bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá ra sông Luồng bao năm hiền hòa, nước chỉ tới đầu gối, dân bản thường lội qua đi rừng hoặc về trung tâm xã. Hai bên bờ suối, người dân Sa Ná vỡ ruộng bậc thang, dẫn nước cấy lúa làm ăn. Những năm trước, khi lũ về, nước suối có dâng lên nhưng hạ nhanh.
Sáng 3-8, sau nhiều giờ mưa lớn vì ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên suối Son dâng cao chừng nửa mét, nhưng rồi cũng rút, làm nhiều người dân quyết định trở lại bản. Vài giờ sau, lũ lớn bất ngờ đổ xuống từ thượng nguồn cùng hàng ngàn mét khối đất đá và cây gỗ, cuốn phăng 21 mái nhà đầu bản, làm 10 người chết và mất tích.
Tại huyện Mường Lát lân cận, đợt thiên tai cũng gây thiệt hại lớn. Riêng bản Pá Hộc ở xã Nhi Sơn, lở đất trong bão cuốn trôi 8 ngôi nhà và làm Trưởng Công an xã Nhi Sơn, đồng chí Thao Văn Súa hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Theo lời kể của ông Hà Văn Sự, 78 tuổi, trú tại bản Pá Hộc, dù thiệt hại nặng về nhà cửa, kinh tế nhưng hàng chục người dân Pá Hộc may mắn thoát chết vì kịp sơ tán theo lời vận động của anh Súa.
"Anh Súa quay lại từng nhà đề nghị chúng tôi ra nhà văn hóa tránh trú trong những ngày bão lũ. Súa sơ tán nhà cậu ấy trước làm gương rồi đề nghị chúng tôi làm theo. Tối 3-8, lúc quay lại kiểm tra bản Pá Hộc lần nữa, Súa bị đất lở cuốn đi. Không có Súa, nửa bản Pá Hộc có lẽ đã chết", ông Sự đau xót nói.
Đại diện Đoàn công tác Cục Truyền thông CAND thắp hương tri ân đồng chí Thao Văn Súa. |
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hoá, đợt mưa lũ làm tổng cộng 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; hơn 1.698 ngôi nhà bị ngập, lũ cuốn trôi, thiệt hại; 1 trường học bị sập hoàn toàn, 35 điểm trường bị hư hỏng, 25 phòng học, phòng chức năng công vụ bị thiệt hại và 10 nhà văn hoá bị sập, hư hỏng.
Bên cạnh đó, hơn 2.953ha lúa, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, ngập sâu trong nước lũ; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, một số công trình thuỷ lợi, thông tin viễn thông, điện lực bị hư hỏng nặng nề.
Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính 734 tỷ đồng. Cơn "đại hồng thủy" đi qua, nhưng Sa Ná và Pá Hộc hôm nay trở nên hoang tàn, đổ nát, ngổn ngang cây cối, đất đá. Cuộc sống tại các địa bàn miền núi Thanh Hoá vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn gấp bội…
Chiến sĩ công an Quan Sơn cùng nhân dân tháo dỡ nhà cửa bị hư hỏng, dọn dẹp cây cối đổ ở bản Na Sá trong cái nắng gắt. |
2. "Càng trong hoạn nạn, tình người càng bền chặt" là điều mà người ta thấy rõ nhất sau mỗi trận thiên tai. Trước những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra tại Thanh Hoá, Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND và Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND đã lập tức chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của Báo CAND và Truyền hình CAND đến vùng lũ để động viên, sẻ chia nỗi đau với các gia đình có người gặp nạn và các gia đình bị thiệt hại nặng nề về nhà ở.
Từ sớm ngày 6 và 7-8, Đoàn công tác xã hội từ thiện của Cục Truyền thông CAND do Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng, Phó Tổng Biên tập Báo CAND làm Trưởng đoàn cùng các nhà hảo tâm có mặt tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá - những nơi chịu thiệt hại nặng nhất sau cơn bão số 3 vừa qua, để chia sẻ đau thương, mất mát với người dân.
Chuyến đi này, đoàn cùng những nhà hảo tâm đã ủng hộ người dân gặp nạn do mưa lũ ở Thanh Hoá tổng số tiền hơn 130 triệu đồng. Trong đó, số tiền ủng hộ cho gia đình đồng chí Trưởng Công an xã Thao Văn Súa là gần 60 triệu đồng. Phần quà trên không quá lớn, nhưng là nguồn động viên giúp người dân vùng chịu thiên tai phần nào vượt qua khó khăn.
Đoàn công tác Cục Truyền thông CAND trên đường vào bản Pá Hộc. |
Những ngày Đoàn công tác xã hội từ thiện của Cục Truyền thông CAND có mặt ở vùng rốn lũ Thanh Hoá, các con đường gập ghềnh men theo vách núi, bờ suối vào Sa Ná và Pá Hộc luôn tấp nập người ra vào, từng đoàn người nối đuôi nhau không ngớt.
Họ là các cá nhân, tổ chức, anh em, họ hàng, bạn bè của những người chịu thiệt hại vì lũ lụt, nhưng cũng có khi chưa một lần quen biết, song vì đồng bào mình đang trong cơn hoạn nạn, họ đến để thăm hỏi, chia sẻ và động viên. Trên tay có thể là xách mì tôm, bao gạo, vài chai nước mắm, thùng nước uống...
"Tôi sống cách đây 20km, cũng chẳng có anh em, bạn bè hay họ hàng thân thích gì ở đây. Nhưng thấy đồng bào mình gặp nạn nên tôi sang để động viên họ. Đường vào bản khó đi quá nhưng chúng tôi cứ nắm tay nhau men theo mép suối là tới", một người phụ nữ chừng 40 tuổi nói với PV khi đang trên đường vào xã Na Mèo.
Đồng hành với người dân từ những ngày lũ chưa về, hàng trăm chiến sĩ Công an Thanh Hoá phối hợp cùng lực lượng Quân đội và thanh niên địa phương đến nay vẫn tiếp tục tính toán mọi phương án để sớm tìm thấy hết những người mất tích sau bão, giúp người dân di dời nhà cửa, sẵn sàng xây dựng tại nơi ở mới.
Theo ông Phạm Văn Triệu, Chủ tịch xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tổng số người tham gia cứu hộ tại địa phương có lúc lên đến gần 1.000, gồm lực lượng Công an, Quân đội, dân quân tự vệ và cả người dân.
Thượng tá Hoàng Chí Đăng, Trưởng Công an huyện Quan Sơn cho biết: "Từ khi lũ về, hàng chục chiến sĩ Công an huyện đã có mặt ở Na Mèo cùng dân chống lũ, tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi sẽ bám trụ cùng người dân đến khi nào cuộc sống ổn định trở lại".
Ở huyện Mường Lát, các chiến sĩ Công an cũng ngày đêm phối hợp cùng lực lượng chức năng giúp dân dọn dẹp nhà cửa và thông các tuyến đường bị lở đất vùi lấp. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang quên mình giúp nhân dân trong lũ dữ, dầm mình trong bùn đất, sát cánh cùng người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra theo đó đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Thanh Hoá.
Nguyễn Hưng - Thiện MinhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn