Ấm lòng những suất cơm gửi tuyến đầu chống dịch

Chủ nhật - 03/05/2020 15:07
Bao năm nay chị Nguyễn Thanh Thủy (35 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) vẫn âm thầm làm việc tốt cho cộng đồng với tâm thế "đó là việc nên làm". Khi dịch Covid-19 bùng phát, người phụ nữ nhỏ bé nảy ra ý tưởng nấu những suất cơm gửi trực tiếp đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh - nơi tuyến đầu có nhiều y bác sĩ ngày đêm căng mình chống dịch.


1. Đại dịch Covid-19 trên thế giới đang có diễn biến hết sức phức tạp, số người mắc và tử vong chưa có dấu hiệu giảm. Ở Việt Nam đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, bạn bè thế giới đánh giá rất cao công tác phòng chống dịch của ta. Có được thành quả như vậy chính là chiến thuật "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị, tận dụng mọi nguồn lực, mọi phương tiện trong cuộc chiến này. Trong thời điểm khó khăn này, mỗi người dân lại thể hiện tình yêu nước, sự quyết tâm chống dịch theo cách riêng của mình.

Và trong cuộc chiến đó, mỗi người dân Việt Nam trở thành một chiến sĩ thực sự. Chị Nguyễn Thanh Thủy là chủ một cửa hàng bán đồ ăn vặt tại Hà Nội nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, người phụ nữ ấy bỗng trở thành một chiến sĩ. 

Nhận thấy các y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, nơi tuyến đầu chống dịch với vô vàn khó khăn, vất vả, chị đã muốn đóng góp công sức của mình để chung tay chống dịch. Chị đã nảy ra ý tưởng nấu những suất cơm mang đến tặng cho các y bác sĩ. "Các y bác sĩ cũng mệt mỏi vì quá tải, họ cũng cần được chăm sóc thì mới có sức khỏe để điều trị cho bệnh nhân" - chị Thủy tâm sự.

Ấm lòng những suất cơm gửi tuyến đầu chống dịch
Chị Thủy trong buổi đi mua thực phẩm để nấu cơm gửi tới các y bác sĩ.

Chị bảo: "Thực tế, nhà nước cũng đã lo cho các bác sỹ rồi nhưng tôi nghĩ nhiều lúc họ cũng mệt mỏi vì vất vả. Những gì tôi mong muốn là mang đến cho họ  một chút không khí gia đình, bởi các y bác sĩ ở đây đều phải làm việc căng thẳng, xa nhà. Khi biết được mong muốn của tôi, phía bệnh viện có nhờ tôi nấu cho họ những bữa cơm. Và tôi đã nấu tặng những suất cơm cho các bác sĩ trong 5 ngày như thế", chị Thủy cho biết.

Nói là làm, chị Thủy tạm ngừng công việc trong 5 ngày để nấu cơm phục vụ các y bác sĩ. Hơn ai hết, chị hiểu rằng dù cơm chị nấu không chuyên nghiệp như hàng quán nhưng chính những bữa cơm đó lại mang ý nghĩa lớn về tinh thần, những bữa cơm mang không khí ấm cúng của gia đình.

Từ ngày 23/3, chị mua nguyên liệu, tự nấu nướng rồi chuyển đến bệnh viện. 5 giờ sáng, chị lái ôtô ra chợ đầu mối để mua rau, củ, quả, thịt, trứng... rồi đi thẳng xuống cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) để nấu. Có hôm chị nấu canh cua, thịt kho tàu với trứng, có hôm làm chè... 

Ngày đầu tiên, chị nấu 120 suất cơm cùng 100 chai nước suối. Ngay thứ hai, chị nấu 90 suất cơm. Ngày thứ ba là 100 hộp chè khoai dẻo. Ngày thứ tư, chị Thuỷ nấu 35 suất cơm đặc biệt cùng 100 chai nước ép dưa hấu để đem vào viện. Ngày thứ năm cũng gần 100 suất cơm nhà được trao tận tay đến các bác sĩ. 

Vừa chuẩn bị những suất cơm cho các bác sĩ, chị Thủy chia sẻ: "Mình chỉ là người dân bình thường nhưng muốn góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Do khả năng của mình có hạn, mình mới chỉ mang tặng suất cơm cho các bác sĩ trong 5 khoa ở bệnh viện. Nếu dịch bệnh còn kéo dài mình sẽ tiếp tục nấu cơm, làm nhiều hơn để hỗ trợ tinh thần cho các bác sĩ".

Việc nấu nướng, rồi mang cơm vào viện, chị Thủy đều tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng tránh để bảo vệ mình.Đồng thời các y bác sĩ luôn nhắc nhở chị giữ đúng khoảng cách, mặc quần áo bảo hộ đầy đủ khi đi đưa cơm. "Khi mới biết mình làm cơm đưa vào bệnh viện, nhiều người đã lo lắng vì sợ lây bệnh. Nhưng mình đã giải thích cho mọi người, nhất là người thân trong gia đình nên họ cũng an tâm và ủng hộ", chị Thủy cho biết thêm.

Việc làm này của chị Thủy được rất nhiều y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Y tế huyện Sóc sơn bày tỏ sự cảm kích. Bởi trong những ngày căng mình chống dịch, họ biết, vẫn có nhân dân thấu hiểu và sẻ chia với những khó khăn của mình. Nhiều người đã lên mạng xã hội gửi lời cảm ơn đến chị Thủy.

2.Hẳn nhiều người nghĩ gia đình chị Thủy phải khá giả mới có thể bỏ tiền để làm việc này. Thế nhưng, ít ai biết cuộc sống của chị cũng gặp muôn vàn khó khăn. 14 năm thuê nhà, nuôi 3 con nhỏ, đặc biệt hàng ngày chị phải chăm sóc, thuốc thang cho bố bị ung thư. Chị bảo, chị phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, nuôi gia đình. 

Thế nhưng chị chưa bao giờ gục ngã, chưa bao giờ hết lạc quan, đặc biệt chị dành nhiều thời gian và tiền bạc để làm từ thiện. Chỉ thấy ở đâu có người khó khăn, trẻ em thiệt thòi, hoặc đồng bào gặp thiên tai, dù xa xôi đến mấy chị cũng lên đường. Một mình lái xe đến tận nơi để gửi đồ tiếp tế, khi thì tấn gạo, lúc lại tấn dưa, rồi cả nghìn thùng mỳ tôm, quần áo, bột canh, thuốc men…

Ấm lòng những suất cơm gửi tuyến đầu chống dịch - Ảnh minh hoạ 2
Những suất ăn của chị Thủy mang ý nghĩa động viên rất lớn về tinh thần trong mùa dịch.

Ít ai biết, chị Thanh Thủy trước đây chính là "bà chủ" của những chuyến xe 0 đồng đưa bệnh nhân ung thư về quê ăn Tết mỗi năm. Nhưng rồi do hoàn cảnh khó khăn, chị không còn đủ khả năng duy trì những chuyến xe ấy nữa. 

"Dù khó khăn đến mấy thì tôi vẫn cố gắng làm từ thiện trong khả năng của mình. Làm từ thiện, giúp đỡ người khác và thấy nụ cười của người khác đó là một phần ý nghĩa sống của cuộc đời tôi. Như mùa dịch Covid-19, tôi không thể làm một mình vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, tôi cố gắng kêu gọi các mạnh thường quân phụ giúp. Tôi đưa thông tin lên một số diễn đàn để kêu gọi những người có tấm lòng hảo tâm cùng nhau tham gia. Trong trận chiến này, các y bác sĩ là chiến sĩ thì người dân phải là hậu phương. Mỗi người góp một chút, mong các bác sĩ có thêm bữa ăn ngon miệng, đảm bảo sức khỏe, nâng cao sức đề kháng khi làm việc. Thực ra, việc nấu cơm, hỗ trợ bữa ăn cho các y bác sĩ thì ý nghĩa tinh thần quan trọng hơn nhiều" -chị Thủy chia sẻ.

Nhận thấy việc làm của chị Thủy có ý nghĩa, nhiều người cũng đã chủ động liên hệ góp thêm thực phẩm cùng chị nâng cao chất lượng các bữa ăn cho y bác sĩ. Sau 5 ngày nấu cơm cho các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, chị Thủy tiếp tục thực hiện thêm vài đợt nấu cơm, hỗ trợ thực phẩm đến Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, nơi cũng đang đón tiếp người cách ly.

Có thể nói trong thời điểm dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ có hành động của chị Thủy mà ngay tại Hà Nội vẫn thường xuyên xuất hiện những hình ảnh cảm động, làm ấm lòng người. Đó là hình ảnh những cá nhân, tổ chức, những con người tốt bụng tự bỏ tiền túi mua và phát miễn phí khẩu trang, nước rửa tay, nước súc miệng cho dân nghèo, những cây ATM gạo miễn phí... Rồi những dòng tin nhắn truyền nhau cách giữ gìn sức khoẻ, những bài viết giúp nhau cập nhật thông tin về tình hình bệnh dịch, những video hướng dẫn cách tự làm khẩu trang để bảo vệ mình… thật đáng quý.

Những hành động của chị Thủy và hàng trăm người khác chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19? Dịch Covid-19 thật đáng sợ, nhưng nó sẽ đáng sợ hơn khi chúng ta đơn độc một mình, không có sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng.

Tác giả: Phong Anh

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây