Phát biểu khai mạc hội nghị chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số” do UBND thành phố Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định việc chuyển đổi sang thành phố thông minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. “Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...”.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phát biểu khai mạc.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết thành phố sẵn sàng hướng tới một mô hình thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên lề hội nghị, chia sẻ với báo giới, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điện toán đám mây của công ty VNG, cho rằng có 2 góc độ để tiếp cận thành phố thông minh. Ở góc độ người dùng, mặc dù nhiều người nói một thành phố thông minh được xây dựng nên cần con người thông minh để sử dụng thành phố thông minh. Tuy nhiên, quan điểm của VNG là thành phố thông minh được xây dựng thì ngay cả những người dân bình thường vẫn có thể sử dụng được. Ví dụ như 1 chiếc điện thoại thông minh, nó chỉ thực sự được coi là thông minh khi mà người già, trẻ em đều có thể sử dụng được.
“Chúng ta không nên nghĩ là thành phố thông minh thì phải tương tác với chính phủ bằng nhận dạng giọng nói, bằng công nghệ nào đó cao siêu. Người dân hoàn toàn có thể dùng những ứng dụng nhắn tin thông thường như Zalo để trao đổi, tương tác thông tin với Chính phủ. Đối với người dùng, thành phố thông minh phải là thành phố mang đến cho họ khả năng tiếp cận với chính phủ, tiếp cận với nguồn lực, tiếp cận với tất cả những cơ hội một cách dễ dàng nhất, tiện lợi nhất, minh bạch nhất và đỡ tốn tiền nhất”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điện toán đám mây của công ty VNG, cho rằng các DN cần phải bắt tay, phối hợp với nhau để xây dựng Thành phố thông minh.
Góc độ người xây dựng thành phố thông minh, ở đây có thể hiểu là các cơ quan quản lý, thành phố, doanh nghiệp. Người xây dựng cần nhìn từ dưới nhìn lên. Đầu tiên phải là tầng kết nối hạ tầng phía dưới. Các dữ liệu, cơ sở dữ liệu kết nối với nhau, được phân tích, và được liên tục thu thập.
Ví dụ như rất nhiều thứ đang diễn ra như giao thông, khách du lịch, môi trường, những thứ đó dữ liệu phải có cơ chế thu thập liên tục, và đồng thời phải có công nghệ để lưu trữ dữ liệu đó, sau đó cần phải phân tích dữ liệu đó. Những cái đó tựu chung lại thành 1 công nghệ chung gọi là hạ tầng điện toán đám mây. Chúng ta phải xây dựng hạ tầng điện toán đám mây để chúng ta kết nối được tất cả những dữ liệu đó. Khi chúng ta kết nối được dữ liệu,lúc đấy chúng ta có thể phân tích, đưa ra các giải pháp thông minh cho các vấn đề.
Ông Trí lấy ví dụ, khi người dân dùng một ứng dụng gửi tin nhắn báo về giao thông hay thời tiết, thì thay vì con người xử lý , AI sẽ phân tích, lấy tọa độ tin nhắn đó, gửi về việc cho đơn vị điều hành của địa phương đó… Thay vì cả nhóm người thực hiện, thì công nghệ AI sẽ thực hiện công việc đó.
Thành phố thông minh bao gồm hạ tầng và các ứng dụng chạy trên đó. Ông Trí cho rằng, tất cả các thành phố ở Việt Nam đang gặp khó khăn về hạ tầng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu.
“Hiện Việt Nam cũng đã có một số Tập đoàn công nghệ lớn cung cấp dịch vụ đám mây. Theo tôi, chúng ta nên tiếp cận theo hướng liên minh, hợp tác với nhau vì đơn giản, khó có một doanh nghiệp nào có thể một mình xây dựng toàn bộ thành phố thông minh đúng nghĩa. Chúng ta cần Xây dựng 1 hệ sinh thái hạ tầng và ứng dụng. Vì mỗi người làm chút, không “ghép lại với nhau” thì càng phân mảnh và manh mún”, đại diện VNG đưa ra quan điểm. “Khi chúng ta nói về giao thông thông minh nhưng không thể chỉ áp dụng một ứng dụng chống kẹt xe duy nhất là đã giải quyết được vấn đề này mà phải là kết quả của một loạt giải pháp phối hợp: đèn đường, giao thông công cộng, đỗ xe thông minh, phân làn,… nếu các cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải không kết nối được với nhau thì sẽ không thể nào xây dựng được các giải pháp phối hợp nói trên”.
Tại phiên tọa đàm “Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cũng cho biết, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh, Hà Nội cũng dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách Thành phố cho việc thực hiện. “Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn. Khi Hà Nội đã hình thành ra các dịch vụ công, chúng tôi sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể làm được thì sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Trên tinh thần đó, nguồn lực từ chính những người dân và các dịch vụ mà người dân sử dụng cũng là nguồn lực được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng Thành phố thông minh”, ông Chung nhấn mạnh.
“Thành phố sẽ thuê tối đa dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp, từ Data Center đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm. Có thể nói, chúng tôi chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh khi nói về việc Hà Nội chủ trương xã hội hóa, thực hiện thuê dịch vụ CNTT liên quan đến các phần mềm, các hạ tầng của các doanh nghiệp.
Tác giả: Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn