Tại buổi nói chuyện với các startup sáng nay 25/7 ở Hà Nội, Tổng giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu, ông Thuận Phạm đã cho biết, vận mạng của các công ty đều thông qua những quyết định sống còn và nhanh chóng trong thời buổi công nghệ chuyển động nhanh như hiện nay. Câu hỏi mà ông luôn đặt cho mình đó là phải làm gì phải để xử lý các vấn đề tồn đọng, đảm bảo tồn tại ngày đó đã rồi hãy tính xa hơn.
Ông Thuận Phạm cho biết, nhìn vào lịch sử Uber, năm 2013, lúc đó chỉ có 3 tuổi, mới chạy đc 13 ngàn chuyến/ngày trên toàn thế giới. Như vậy, làm sao để tăng trưởng, phải xử lý như thế nào? Nhiều câu hỏi liên tục được đặt ra, liệu mình có đáp ứng được nguồn lực, đáp ứng được những yêu cầu thay đổi, chiến lược đầu tư như thế nào, làm sao để khách hàng tìm đến, tin tưởng sử dụng?...
Ông chia sẻ, trong thời điểm đó, hàng đêm ông đều thức dậy 3, 4 lần để tìm câu trả lời và những giải pháp phù hợp để thoát khỏi khó khăn. Ông Thuận nói: "Phải thoát khỏi khó khăn đi, tìm giải pháp sống còn cho tuần sau thôi. Đừng tính tháng sau, nó là xa xỉ".
Xa xỉ theo ông đó là tình hình thay đổi quá nhanh, cơ sở hạ tầng cũng thế, công nghệ đó sẽ thực sự tồn tại bao lâu? Như vậy việc đưa ra quyết định đúng đắn là điều cần thiết nhất và phải đảm bảo nhanh nhất, đảm bảo rằng đó là quyết định mang tính sống còn cho công ty.
Đến thời điểm này, Uber hiện đang là một trong những công ty khởi nghiệp thành công trên toàn cầu. Công ty này đã có mặt tại hơn 450 thành phố thuộc 76 quốc gia trên thế giới, hơn 10 triệu chuyến/ngày. Đây được xem là một thành công mà nhiều công ty khởi nghiệp khác mơ ước. Nhưng đằng sau thành công ấy, liệu rằng, Uber đã có bao giờ thất bại chưa?
Ông Thuận Phạm nói, thất bại thì nhiều lắm, điều mà hầu như các công ty đều phải gặp phải khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, có những thất bại như vậy mới có Uber như hiện nay.
Chia sẻ rõ thêm, ông nói: "Khi bước chân vào Uber, tôi đã tiến hành các phương án kiểm điểm, kiểm tra hệ thống đối với các kỹ sư. Câu hỏi tôi ban đầu đơn giản thôi: trong thiết kế hệ thống, nếu tôi đến trung tâm data và tháo một hộp ra thì như thế nào? Các kỹ sư trả lời, cả hệ thống sẽ chết theo hộp đấy. Như vậy, nó sẽ làm tê liệt cả bộ máy. Do đó, tôi yêu cầu chúng ta phải làm sao không chết khi chúng ta tháo một cái hộp cụ thể nào đó. Cần nghiên cứu đưa ra một giải pháp để đảm bảo dù các tác động vật lý tới nó thì vẫn không ảnh hưởng đến hệ thống.
Bất ngờ sau 3 tháng, dù các kỹ sư đã nghiên cứu và thử nghiệm, chưa áp dụng chính thức thì card mạng của một hộp data chết và như vậy thành phố Chicago không được cung ứng. CEO lúc đấy tức giận và chúng tôi tìm biện pháp để sửa chữa ngay. Từ đó, kiểm điểm lại và rút ra bài học, không mắc phải sau này".
Ông cũng cho biết, đối với ông đó chỉ là thất bại nhỏ nhưng nó là bài học xương máu cho các kỹ sư. Từ cái đó kỹ sư hiểu được nguyên tắc thiết kế, hiểu được bài học, để tránh phải tổn thương cũng như mắc phải.
Ông cũng kể tiếp, vào ngày 12/5/2015, lỗi vận hành khiến database bị mất, gián đoạn 30 tiếng, buộc phải phục hồi hệ thống. Đối với người dùng mới họ không hoạt động được, văn phòng Uber trên toàn thế giới đều bị chung tình trạng, ngưng hoạt động. Khi tiến hành kiểm điểm, mới phát hiện rằng, đội ngũ không được đào tạo để phản ứng trong những sự cố nguy cấp, chỉ cần 5 phút để backup data chính là có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Nhưng từ thất bại đó, thất bại của một người kỹ sư, để hoàn thiện bộ máy, là bài học không chỉ cho kỹ sư đó mà cho cả một đội ngũ.
"Không đạt được thành công ngày nay nếu không có những thất bại như xưa. Và không có thất bại đó thì bao giờ các kỹ sư của chúng ta mới lớn lên được". Ông Thuận Phạm cho biết.
Một vấn đề khác ông cũng chia sẻ, các công ty không nên trừng phạt những kỹ sư của mình. Riêng bản thân ông và Uber đều không trừng phạt các kỹ sư bởi họ là những người có giá trị, có chuyên môn cao. Từ những thất bại đó, sẽ giúp họ nhận thức hơn, giúp họ, cả đội ngũ học hỏi đó từ lỗi lầm đó để tạo ra thêm nhiều giá trị hơn. Tuy nhiên, điều cần thiết đối với công ty, đó là phải có những chuyên gia đủ trình độ để đánh giá, xem lại những thất bại, những tác động. Sau đó xem các kỹ sư của họ đã học hỏi được gì, từng sự kiện đã xảy ra như thế nào. "Học hỏi được từ những cái thất bại của mình là điều rất cần. Chất lượng dịch vụ không được đảm bảo nếu kỹ sư không nhận thức được thất bại." Ông chia sẻ thêm.
Ngoài ra, ông Thuận Phạm cũng đưa lời khuyên, những chuyên gia có kinh nghiệm quản lý nhóm kỹ sư hãy tập thói quen hằng ngày giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhân viên, điều này đóng góp rất nhiều vào thành công của toàn đội ngũ. "Tôi giúp mọi người, hướng dẫn mọi người, tạo môi trường mà người ta có thể thoải mái tiếp cận và thân thiện với tôi. Nếu như làm cho người ta thấy mình không thể tiếp cận được thì sẽ khó có thể trao đổi các khó khăn với nhau. Đừng mong nắm giữ kinh nghiệm của mình để làm gì, mà hãy chia sẻ để kiến thức và kinh nghiệm được bay xa hơn và không mai mọt".
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn